Hoa Kỳ vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ
Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, loại Trung Quốc ra khỏi vị trí này và củng cố hơn nữa mối liên hệ kinh doanh của Hoa Kỳ với siêu cường Nam Á.
Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, thương mại song phương giữa Hoa Thịnh Đốn và New Delhi đã tăng từ 80.5 tỷ USD thương mại trong giai đoạn 2020–21 lên 119.4 tỷ USD trong giai đoạn 2021–22. Đó là mức tăng hơn 48%.
Xuất cảng của Hoa Kỳ sang Ấn Độ đã tăng từ 29 tỷ USD lên 43.31 tỷ USD trong giai đoạn này, trong khi nhập cảng từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ tăng từ 51.6 tỷ USD lên 76.1 tỷ USD. Thương mại hai chiều của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 86.4 tỷ USD lên 115.4 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn thương mại của Ấn Độ với Hoa Kỳ.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ từ các năm tài chính 2013–14 đến 2017–18 và một lần nữa vào năm 2020–21. Sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ trong giai đoạn 2020–21, với kim ngạch thương mại 72.9 tỷ USD, tiếp theo là Saudi Arabia với 42.9 tỷ USD, Iraq với 34.3 tỷ USD, và Singapore với 30 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ sẵn sàng tăng hơn nữa khi các quốc gia tìm cách củng cố bang giao.
Ông Rakesh Mohan Joshi, Giám đốc Viện Quản lý Đồn điền Ấn Độ (IIPM) ở Bangalore, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Business Standard, vì Ấn Độ là nơi sinh sống của 1.4 tỷ người với nền kinh tế phát triển nhanh nhất và thị trường tiêu dùng lớn thứ ba trên thế giới, Ấn Độ mang lại cơ hội kinh doanh to lớn cho công ty Hoa Kỳ và công ty Ấn Độ.
Ông Joshi cho biết, các mặt hàng xuất cảng chính từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ bao gồm dầu mỏ, kim cương đánh bóng, dược phẩm, đồ trang sức, tôm đông lạnh, và những mặt hàng khác, trong khi xuất cảng từ Hoa Kỳ sang Ấn Độ bao gồm dầu mỏ, kim cương thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, vàng, than đá, và hạnh nhân, vân vân.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi mối bang giao của đất nước ông với Hoa Kỳ là “liên kết đối tác tin cậy” trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Tokyo hôm 24/05.
Theo hãng thông tấn Press Trust of India, ông Modi nói: “Tôi tin tưởng rằng tình hữu nghị của Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là động lực tốt cho hòa bình và ổn định toàn cầu, cho sự bền vững của hành tinh và cho hạnh phúc của nhân loại.”
Để thắt chặt mối bang giao với Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hôm 23/05 chính phủ ông Biden đã khởi xướng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia khác trong chương trình bao gồm Nhật Bản, Úc, Brunei, Indonesia, Nam Hàn, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Cùng với nhau, các quốc gia trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng đại diện cho 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Tòa Bạch Ốc cho biết Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dươn-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng sẽ cho phép Hoa Kỳ quyết định các quy tắc để bảo đảm rằng các doanh nghiệp nhỏ, công nhân, và nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ có thể cạnh tranh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tòa Bạch Ốc cho biết, thương mại với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hỗ trợ cho 3 triệu việc làm của Hoa Kỳ và mang lại 900 tỷ USD đầu tư ngoại quốc vào nước này. Đầu tư trực tiếp ngoại quốc của Hoa Kỳ vào khu vực này là 969 tỷ USD vào năm 2020.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.