Hoa Kỳ và Trung Quốc có lập trường không thể hòa hợp đối với cổ phiếu khái niệm Trung Quốc
Ông Hồng Hạo (Hong Hao), một nhà phân tích thị trường nổi tiếng của Trung Quốc và là cựu giám đốc điều hành của BOCOM International, gần đây đã bước qua lằn ranh đỏ về phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi nêu bật những khác biệt không thể hòa hợp giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ về cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (*). Ông Hồng đã bị cấm trên mạng xã hội Trung Quốc vì những bình luận bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc trước khi ông bị buộc phải từ chức.
Ông Hồng là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại BOCOM International, một công ty con của Ngân hàng Truyền thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Hôm 03/05, một phát ngôn viên của công ty này thông báo rằng ông Hồng đã từ chức vì lý do cá nhân.
Trong những tháng gần đây, các báo cáo nghiên cứu và bài đăng trên mạng xã hội của ông Hồng đã đề cập đến các vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị, chẳng hạn như việc các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, nguy cơ tháo chạy vốn, và tác động kinh tế của các biện pháp chống dịch bệnh của Bắc Kinh. Hai trong số các báo cáo nghiên cứu của ông, “Những lo ngại về Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc là gì?” và “Cảnh giác với Dòng vốn Tháo chạy” bàn về các vấn đề mà Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc đang phải đối mặt.
Trong “Cảnh giác với Dòng vốn Tháo chạy,” ông Hồng nói: “Có những khác biệt căn bản nhất định, lâu dài, không thể hòa hợp giữa hai bên [Hoa Kỳ và Trung Quốc]. Trong khi Đạo luật về việc buộc các Công ty Ngoại quốc chịu Trách nhiệm (HFCAA) yêu cầu các công ty niêm yết này phải công bố quyền sở hữu nhà nước và một số thông tin và dữ liệu nhạy cảm, thì nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với một số công ty dẫn đầu quan trọng trong ngành, phản ánh ý chí của nhà nước.”
HFCAA, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 12/2020, yêu cầu các công ty ngoại quốc công bố tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các chính phủ ngoại quốc; liệu một chính phủ ngoại quốc có kiểm soát công ty đó hay không; tên của mọi quan chức ĐCSTQ trong hội đồng quản trị; và liệu các điều lệ công ty có bị ràng buộc bởi luật pháp Trung Quốc hay không.
Mặc dù rất hiếm khi luật pháp Hoa Kỳ nhắm trực tiếp vào ĐCSTQ, nhưng HFCAA được thông qua vì Hoa Kỳ đã nhận thấy rằng từ lâu ĐCSTQ đang sử dụng quyền lực nhà nước để kiểm soát các công ty Trung Quốc, và các công ty Trung Quốc đã trở thành một công cụ để ĐCSTQ thực thi ý chí của đảng.
Ví dụ: hồi tháng 06/2020, chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng Huawei, Hikvision, China Mobile, China Telecom, China Aviation Industry, China Railway Construction, CRRC, China Aerospace Science and Technology, China Aviation Science and Industry, China Southern Industry và China Shipbuilding Industry trên thực tế đều do quân đội Trung Quốc sở hữu và kiểm soát. Các doanh nghiệp này không chỉ bao gồm các doanh nghiệp “quốc doanh” mà còn bao gồm các doanh nghiệp “tư nhân”.
Đơn cử, bề ngoài Huawei là công ty tư nhân. Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đảm nhận việc xây dựng thiết bị viễn thông trên khắp thế giới. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng thiết bị của Huawei có thể được ĐCSTQ sử dụng cho hoạt động gián điệp khi có lệnh. Kể từ đó, Úc, Canada, Âu Châu và Cộng hòa Séc đã từ chối sử dụng Huawei.
ĐCSTQ thống trị các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Vào năm 2015, ĐCSTQ đã ban hành Hướng dẫn về Cải cách sâu rộng các Doanh nghiệp Quốc doanh, trong đó kêu gọi “tăng cường và cải thiện” vai trò lãnh đạo của đảng đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Hướng dẫn này thường bao gồm cái gọi là công việc xây dựng đảng của ĐCSTQ trong điều lệ công ty và khẳng định một tư cách pháp lý của ĐCSTQ trong hoạt động quản trị công ty.
Ngay cả đối với các công ty tư nhân, luật pháp của ĐCSTQ yêu cầu thành lập một tổ chức đảng tại công ty. Điều 19 luật công ty ở Trung Quốc quy định rằng theo các điều khoản trong hiến pháp của ĐCSTQ, các tổ chức của ĐCSTQ sẽ được thành lập trong công ty để thực hiện các hoạt động của đảng.
Hồi tháng 09/2020, Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Ý kiến về việc Tăng cường công tác Mặt trận Thống nhất của Kinh tế Tư nhân trong Kỷ nguyên mới”, trong đó tuyên bố rằng các doanh nhân kinh tế tư nhân nên “duy trì mức độ nhất quán cao” với ĐCSTQ “về lập trường chính trị, phương hướng chính trị, các nguyên tắc chính trị và đường lối chính trị,” và “tăng cường hơn nữa” sự xâm nhập và kiểm soát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Các yêu cầu của ĐCSTQ đối với các công ty chính xác là những gì mà các điều khoản trong HFCAA nhắm tới nhằm bảo đảm loại trừ sự kiểm soát chính trị của ĐCSTQ đối với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Do đó, ông Hồng nói thẳng trong báo cáo phân tích của mình, việc hủy niêm yết toàn bộ các Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc khỏi thị trường Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi.
Ông nói: “Sự khác biệt duy nhất giữa kịch bản tốt nhất và tồi tệ nhất đối với Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ có thể là thời điểm hủy niêm yết khỏi thị trường Hoa Kỳ chứ không phải là việc tránh bị hủy niêm yết.”
Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc bị loại khỏi Hoa Kỳ, vì ý nghĩa đặc biệt của chúng đối với chính quyền này.
Ông Từ Viện (Xu Yuan), một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Kỹ thuật số của Đại học Bắc Kinh và là phó giáo sư tài chính tại Trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, đã viết trên blog của mình hồi tháng 03/2022 rằng Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc là “sự kết nối khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục chiến đấu nhưng không tuyệt giao” và “một hòn đá neo quan trọng cho quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.”
Do đó, nếu Hoa Kỳ hủy niêm yết Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc, thì “mối liên kết quan trọng giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ bị cắt đứt”. Nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ gặp rủi ro.
Bài báo cũng chỉ ra các tầng lớp hạ và trung lưu ở phương Tây là nạn nhân của mối quan hệ kinh tế hiện tại giữa Trung Quốc và phương Tây, trong đó giới tinh hoa ở Wall Street và Thung lũng Silicon là những người được hưởng lợi. Do đó, các chủ ngân hàng đầu tư và luật sư làm việc cho cổ phiếu khái niệm Trung Quốc, cũng như các công ty công nghệ hợp tác chặt chẽ với họ, là tiếng nói bên ngoài thiện cảm đối với Trung Quốc trong quan hệ Trung-Mỹ.
Hôm 06/05, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã thông báo rằng 88 Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc, trong đó có JINGDONG, Bilibili và Pinduoduo, sẽ được thêm vào danh sách “chuẩn bị hủy niêm yết”. Đây là đợt “chuẩn bị hủy niêm yết” Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc thứ 6 do SEC công bố kể từ tháng Ba, với tổng số 128 Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Với thời hạn hủy niêm yết hoàn toàn đối với các Cổ phiếu Khái niệm Trung Quốc đang đến gần, ĐCSTQ thường xuyên có hành động tìm kiếm “hòa bình”. Hôm 02/04, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành một phiên bản sửa đổi của “Các quy định về Tăng cường Bảo mật và Quản lý Hồ sơ liên quan đến việc Phát hành và Niêm yết các Doanh nghiệp Trong nước ở Hải ngoại (Bản Dự thảo để lấy Ý kiến).” Tài liệu này đã loại bỏ tuyên bố, “việc kiểm tra tại chỗ chủ yếu do các cơ quan quản lý Trung Quốc tiến hành” và thay vào đó chỉ rõ rằng các cuộc điều tra và thu thập bằng chứng của các cơ quan quản lý chứng khoán ngoại quốc đối với các doanh nghiệp Trung Quốc được thực hiện thông qua các cơ chế hợp tác quản lý xuyên biên giới.
Bloomberg dẫn lời những người thạo tin cho biết hành động này sẽ cho phép các cơ quan quản lý Hoa Kỳ có toàn quyền truy cập vào các báo cáo kiểm toán của hầu hết hơn 200 công ty Trung Quốc niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York để ngăn chặn sự tách rời khỏi Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, lập trường của phía Hoa Kỳ là cứng rắn.
Hôm 29/03, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết các công ty Trung Quốc sẽ chỉ được phép tiếp tục giao dịch trên thị trường Hoa Kỳ nếu họ tuân thủ đầy đủ các cuộc thanh tra kiểm toán của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng luật pháp Hoa Kỳ cho ông ít dư địa để thỏa hiệp.
Trừ khi ĐCSTQ tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ, các công ty Trung Quốc sẽ bị loại khỏi thị trường chứng khoán New York và Nasdaq vào năm 2024.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Jenny Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền và quan hệ Mỹ – Trung. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và ngoại quốc.
Vân Du biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Chú thích của dịch giả:
(*) – Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (China concepts stock) là tập hợp các cổ phiếu thuộc về các công ty có tài sản hoặc thu nhập đáng kể ở Trung Quốc được đăng ký và niêm yết ở ngoại quốc.
Xem thêm: