Hoa Kỳ và Liên Xô ở Afghanistan: Một câu chuyện về hai lần rút quân
Khi nước Liên Xô kiệt quệ ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính phủ ủy thác của họ ở Afghanistan vào tháng Hai năm 1989, các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã dự đoán về sự sụp đổ tức thì của chế độ Afghanistan do người Nga hậu thuẫn.
Họ đã nhầm.
“Nhiều tuần trôi qua và sau đó là nhiều tuần nữa. [Nhà lãnh đạo được Liên Xô hậu thuẫn Mohammad] Najibullah, nội các của ông ta, và quân đội của ông ta đã đứng vững. Giữa những trận tuyết rơi dày đặc, quân đội Afghanistan đã tăng cường một vòng phòng thủ mới xung quanh thủ đô, giữ chân đội quân thánh chiến ở xa hơn ngoài vịnh,” tác giả Steve Coll đã viết trong cuốn sách “Ghost Wars” [tạm dịch: Những cuộc chiến tranh Ma], tác phẩm lịch sử đoạt giải Pulitzer nói về Afghanistan trong những năm 1980 và 1990. “Khi tháng Ba đến gần, chế độ Afghanistan cho thấy không có dấu hiệu rạn nứt.”
Chính phủ do Liên Xô hậu thuẫn đó tồn tại thêm ba năm, cho đến khi Taliban chiếm được Kabul vào năm 1992. Một số nhà quan sát cho rằng chế độ Najibullah hẳn đã có thể tồn tại vô thời hạn nếu Liên Xô không sụp đổ vào năm 1991 — kéo theo đó là số tiền còn lại, tin tức tình báo, và số vũ khí mà họ đã cung cấp.
Nhận xét về sự thất bại trong việc đánh giá chính xác tình hình ở Afghanistan vào đầu những năm 1990, một nhà phân tích của CIA nói với các đồng nghiệp của ông rằng “không phải lần đầu tiên hay lần cuối cùng những dự đoán của CIA bị chứng minh là sai,” theo ông Coll.
Quả thực, chẳng mấy chốc đã khoảng ba thập kỷ, và các quan chức Hoa Kỳ đang đối phó với một đánh giá không chính xác khác về tình hình ở Afghanistan — lần đánh giá này lại hoàn toàn ngược lại. Cho đến tuần trước, Bộ Ngoại giao và các bộ khác đã khẳng định rằng chính phủ Afghanistan sẽ tiếp tục chiến đấu ngay cả sau khi Hoa Kỳ rút quân, nhưng chế độ do Hoa Kỳ hậu thuẫn này đã sụp đổ trước khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi mảnh đất đó.
Cuộc rút quân của Liên Xô
Sự tương phản hoàn toàn giữa hai sự kiện dẫn đến câu hỏi này: Tại sao chính phủ do Liên Xô hậu thuẫn trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 lại ở trong tình trạng quá tốt so với nhà nước ủy thác thất bại của Hoa Kỳ?
“Tôi thực sự đã nghiên cứu điều đó khá nhiều trong nhiều năm — và đó phần nào là một câu chuyện mang tính cảnh cáo, và thành thật mà nói thì có phần là một sự xấu hổ đối với chúng ta,” Trung tá đã nghỉ hưu Daniel Davis nói với The Epoch Times trong một cuộc họp báo hôm 16/08 do viện nghiên cứu quốc phòng Defense Priorities tổ chức.
Theo ông Davis, người Nga có một kế hoạch mang tính phối hợp, có tổ chức cho việc rút khỏi Afghanistan – và họ đã bám sát vào kế hoạch đó.
“Thủ tướng Liên Xô lúc bấy giờ, [Mikhail] Gorbachev, đã kết luận vào năm thứ 6 rằng cuộc chiến đó là không thể đánh thắng, và vì vậy họ dành một năm nữa để đưa ra chiến lược rút quân. Họ đã làm điều đó trong khoảng thời gian đã được sắp xếp và chuẩn bị trước là ba năm, để sau đó họ hoàn thành việc rút quân vào năm thứ 10 [của cuộc chiến],” ông Davis, một thành viên cao cấp của Defense Priorities, từng được điều đến Afghanistan hai lần với tư cách là một lính Thủy quân lục chiến, cho biết.
“Và ngay từ đầu, họ đã nuôi dưỡng quân đội Afghanistan và chính phủ Afghanistan theo lựa chọn của mình, để sau này họ sẽ khởi tác dụng.”
Ông Gil Barndollar, thành viên cao cấp của Defense Priorities – người cũng như ông Davis, đã từng được điều đến Afghanistan hai lần trong thời gian ở trong Thủy quân lục chiến – cho biết một lợi thế khác cho Liên Xô là họ đã có mặt ở Trung Á từ những năm 1920.
“Người Nga đã hoàn thành cuộc chinh phục của họ ở Trung Á, và nó đã trở thành ‘lãnh địa Xô viết’ ở đó, thực ra là vào những năm 1920. Và họ đã quen thuộc với Afghanistan từ nhiều thế kỷ trước,” ông Barndollar nói trong cuộc họp báo.
Ngoài ra theo ông Barndollar, Liên Xô đã lựa chọn những nhà lãnh đạo Afghanistan ấy để hỗ trợ một cách khôn ngoan hơn Hoa Kỳ. Mặc dù Mohammad Najibullah được Liên Xô hậu thuẫn là một kẻ độc tài tàn bạo, nhưng ông ta vẫn là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quân sự và tình báo của chính mình, ông Barndollar cho biết.
“Ngược lại với [Tổng thống Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn Ashraf] Ghani, một nhà kỹ trị phương Tây có học vấn uyên thâm với rất nhiều lý thuyết hàn lâm về các quốc gia thất bại và sự tái thiết — nhưng theo tất cả các thông tin thu thập được thì, chắc là đã có một sự va chạm chính trị khủng khiếp khi đụng đến việc quản lý các lợi ích cạnh tranh, chủ nghĩa bè phái, và những hiện thực hàng ngày của Afghanistan,” ông nói.
Theo hai ông Barndollar và Davis, những yếu tố đó giúp giải thích tại sao chính phủ do Nga hậu thuẫn tồn tại được gần ba năm sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan.
“Trên thực tế, lý do duy nhất khiến họ sụp đổ trong ba năm sau đó là vì Liên Xô đã biến mất [vào năm 1991] —và cùng với đó là tất cả tiền bạc và các chuyên gia [mà Nga đã tiếp tục cung cấp cho Najibullah sau khi rút quân],” ông Davis nói.
Chính sách của Hoa Kỳ
Để so sánh, ông Barndollar và ông Davis nói rõ Hoa Kỳ đã không nhất quán về các chính sách liên quan đến Afghanistan trong nhiều thập kỷ. Theo quan điểm của họ, tác phẩm của ông Coll cho thấy rằng chính sách Afghanistan của chính phủ Hoa Kỳ đã bị nứt rạn ít nhất là kể từ khi Liên Xô rút quân.
“Vào đầu năm 1991, các chính sách về Afghanistan do Bộ Ngoại giao và CIA theo đuổi đã cạnh tranh công khai với nhau,” ông Coll viết trong cuốn “Những cuộc chiến tranh Ma.” “Cả hai bên đều tìm cách thay đổi chính phủ ở Kabul, nhưng họ có những người ủy thác Afghanistan khác nhau.”
Chính sách không nhất quán của Hoa Kỳ tiếp tục dưới thời chính phủ Tổng thống Clinton, thời mà theo đuổi các chính sách bất hợp lý trong việc hỗ trợ các chi nhánh của đội quân thánh chiến ở Bosnia và Kosovo trong khi đồng thời săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden ở Afghanistan. Và sau một khoảnh khắc ngắn ngủi rõ ràng về sứ mệnh sau sự kiện ngày 9/11 – khi Hoa Kỳ tiêu diệt al-Qaeda và Taliban trong vòng vài tháng – chính phủ Tổng thống Bush một lần nữa thay đổi chính sách Afghanistan từ chống khủng bố sang một dự án xây dựng quốc gia.
“Khi tôi ở đó [từ năm 2005 đến năm 2007], ban đầu tôi nghĩ rằng chúng tôi đến đó để tiêu diệt Osama bin Laden. Nhưng tôi biết được rằng đó không phải là mục đích mà chúng tôi đến đó,” cựu binh Thủy quân lục chiến Dan McKnight, người hiện điều hành tổ chức Bring Our Troops Home [tạm dịch: Mang Quân Về Nhà], nói với The Epoch Times.
“Chúng tôi bắt đầu đi sâu vào những gì được gọi là sứ mệnh tái thiết tỉnh lẻ, và sau đó chúng tôi sẽ cung cấp tiền và sự hỗ trợ và việc làm và hướng dẫn xây dựng đường xá và trường học và các cơ sở xử lý nước và các phòng khám y tế.”
Khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào tháng Giêng năm 2009, đội ngũ quan chức an ninh quốc gia của ông ấy đã cố gắng tái tập trung vào những gì từng là một chính sách không mục đích về Afghanistan. Họ tô vẽ Afghanistan là “cuộc chiến tranh tốt đẹp” đã bị một chính phủ Tổng thống Bush ám ảnh về Iraq bỏ mặc.
Trong suốt nhiệm kỳ của ông Obama, các quan chức an ninh quốc gia của ông ấy đã đưa ra nhiều tuyên bố công khai về điều được cho là sự phát triển ở Afghanistan. Nhưng những tuyên bố đó đã được tiết lộ là thông tin sai lệch vào tháng 12 năm 2019, khi tờ The Washington Post xuất bản tài liệu mà họ gọi là “Hồ sơ Afghanistan” — một lịch sử bí mật trước đây về cuộc chiến này do Tổng Thanh tra Đặc biệt phụ trách về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) biên soạn.
Các tài liệu của SIGAR cho thấy các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ có thái độ tiêu cực hơn nhiều về Afghanistan so với những gì họ đang nói trước công chúng.
Trung tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Tổng thống Trump, là một trong số khoảng 400 quan chức Hoa Kỳ được phỏng vấn trong báo cáo của SIGAR, và ông đã không né tránh việc bày tỏ những lo ngại của mình về điều ông nói là thông tin sai lệch xuất phát từ phía chính phủ.
“Từ các đại sứ cho đến cấp thấp, [họ đều nói] chúng ta đang làm một công việc tuyệt vời. Thật sao? Vậy, nếu như chúng ta đang làm một công việc tuyệt vời, thì tại sao lại có cảm giác như chúng ta đang thua cuộc?” ông Flynn nói với những người chất vấn mình.
Mặc dù chính phủ Tổng thống Trump đã đang đàm phán về việc rút quân vào thời điểm Hồ sơ Afghanistan được công bố vào tháng 12 năm 2019, nhưng sự công bố này của họ đã loại bỏ bất kỳ cái cớ công khai còn lại nào về sự phát triển. Hai tháng sau, cựu Tổng thống Donald Trump ký một thỏa thuận để rút quân vào tháng Năm, và Tổng thống Joe Biden đã gia hạn thời hạn đó đến ngày 11/09 trước khi điều chỉnh nó lần nữa đến cuối tháng Tám.
Quá trình hình thành hàng thập kỷ
Sau sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan hồi tuần qua (09/08-15/08), các chính trị gia hiện đang tìm cách đổ lỗi cho điều mà nhiều người coi là một sự thất bại thảm hại của việc rút quân. Ông Biden nói trong một cuộc họp báo hôm 16/08 rằng ông chỉ đang thực hiện một thỏa thuận do ông Trump để lại, trong khi ông Trump phản bác lại vào cuối ngày hôm đó, kêu gọi ông Biden “từ chức trong sự ô nhục vì những gì ông đã cho phép xảy ra đối với Afghanistan.”
“Không phải là việc chúng ta từ bỏ Afghanistan. Mà chính là cách chúng ta đã bỏ đi vô cùng kém cỏi!” cựu Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố.
Nhưng cả ông Davis và ông Barndollar đều nói rằng cuộc cãi vã đảng phái này bỏ qua vấn đề – rằng tuần qua là một thảm họa được tạo ra qua hàng thập kỷ.
“Nhiều người đang nói rằng, ‘Tổng thống Biden đã gây ra tất cả điều này bởi vì ông ấy đã tiến hành rút quân theo cách tồi tệ.’ Một mặt, tôi sẽ không phủ nhận điều đó đã làm trầm trọng thêm một số vấn đề. Tuy nhiên, đó là một phần thực sự nhỏ của những gì đã xảy ra,” ông Davis nói. “Đây là một thảm họa hình thành qua 20 năm, và nó kéo dài qua mỗi thời chính phủ, bao gồm cả chính phủ Tổng thống Biden. Không ai thoát khỏi mà không bị thiệt hại.”
Ông Barndollar sử dụng hình ảnh tương tự về một học sinh không chuẩn bị trước đang cố gắng học gạo để thi vào đêm hôm trước.
Ông nói, “Phần lớn điều này đã được kết tụ thành kết quả của một cuộc chiến thất bại và 20 năm ngạo mạn và tự lừa dối của người Mỹ.”
“Cố gắng thể hiện một màn kết thúc hoàn mỹ sau đó có thể sẽ cố gắng học nhồi nhét cho kỳ thi cuối vào đêm hôm trước, vì đã không học trong cả học kỳ. Nếu quý vị uống bốn lon Red Bull thay vì hai lon, thì liệu điều đó có hữu ích không? Tôi đoán là có thể, nhưng có lẽ quý vị đã tự gây sức ép cho mình với bất cứ điều gì mà quý vị đã làm trước đó.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm báo cáo tin tức của ông cũng bao gồm cả lĩnh vực an ninh mạng, tội phạm và tài chính quốc tế – trong đó có ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: