Hoa Kỳ và Đài Loan: Mơ hồ chiến lược, thương mại và bán vũ khí gia tăng
Mặc dù tổng thống đã có các tuyên bố sơ suất công khai, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách mơ hồ chiến lược đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế và bán vũ khí cho Đài Loan.
Hôm 23/05, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố công khai rằng Hoa Kỳ sẽ chiến đấu vì Đài Loan, bình luận thứ ba như vậy trong những tháng gần đây. Trong cả ba lần nói hớ này, Bắc Kinh đều lên án đáp trả và Tòa Bạch Ốc đều đính chính lại các bình luận của tổng thống. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần tuyên bố tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không có thay đổi nào trong chính sách liên quan đến Đài Loan. Chính phủ Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với đảo quốc này và đang đẩy mạnh nỗ lực cung cấp vũ khí thích hợp cho quân đội Đài Loan.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Đài Loan cân nhắc lại các kế hoạch phòng thủ của mình và mua các vũ khí có khả năng đẩy lùi một cuộc xâm lược trên biển từ phía Trung Quốc của Hoa Kỳ. Cho đến nay, thành công của Ukraine trong việc bắt người Nga phải chịu tổn thất cho từng tấc đất bị chiếm đoạt đã khẳng định rằng một quân đội nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn với vũ khí phù hợp có thể cầm chân hoặc đánh bại một kẻ xâm lược lớn mạnh hơn nhiều.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) quyết tâm định hướng khả năng phòng thủ của quốc gia theo hướng chiến tranh phi đối xứng, mua một số lượng lớn vũ khí sát thương di động khiến cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) khó nhắm mục tiêu và phản công. Khi PLA phát triển mạnh hơn, thì cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, việc Đài Loan đóng một vai trò tích cực trong việc phòng thủ Eo biển Đài Loan là rất quan trọng.
Sau quá trình hiện đại hóa quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiều thập niên, PLA hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng hỏa tiễn đất đối không của họ được cho là có khả năng nhắm vào các tàu cụ thể của Hoa Kỳ trên biển. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn có các chiến đấu cơ phản lực tốt hơn nhưng lại có ít căn cứ hơn trong khu vực, mang lại lợi thế sân nhà cho PLA.
Hồi tháng Ba, một phái đoàn Hoa Kỳ gồm năm cựu quan chức an ninh quốc gia cao cấp đã đến thăm Đài Loan để gặp bà Thái nhằm thảo luận về chiến lược phòng thủ của hòn đảo này và việc mua vũ khí.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Đài Loan đã chấp nhận nhiều khuyến nghị của Hoa Kỳ liên quan đến các loại vũ khí thích hợp nhưng không phải lúc nào họ cũng đồng ý hoàn toàn. Các nỗ lực đã được thực hiện để mua một số vũ khí, bao gồm phi cơ trực thăng Lockheed Martin MH-60R Seahawk; tuy nhiên, các cố vấn Hoa Kỳ cảm thấy những loại vũ khí này không phù hợp với sứ mệnh cụ thể là bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 03/05, Trung tướng Scott D. Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, cho biết Đài Loan và Hoa Kỳ có thể học hỏi nhiều từ cách phòng thủ của Ukraine trước quân đội Nga để xác định vũ khí và chiến lược nào sẽ hoạt động tốt nhất để chống lại một cuộc xâm lược của PLA.
Hoa Kỳ vẫn duy trì một lập trường chính thức về “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan. Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ chỉ công nhận “một Trung Quốc” nhưng theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, họ buộc phải cung cấp cho Đài Loan phương tiện để tự vệ trước một cuộc xâm lược của PLA. Thuật ngữ “mơ hồ” ám chỉ thực tế là ngoài việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Đài Loan, không rõ Hoa Kỳ có thực sự chiến đấu vì Đài Loan hay không.
Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc leo thang, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi chấm dứt tình trạng mơ hồ chiến lược.
Hồi tháng 04/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho đăng một bài báo, trong đó nêu rằng Hoa Kỳ nên làm rõ liệu họ có chiến đấu vì Đài Loan hay không. Vì Nhật Bản cho rằng phòng thủ của họ ngày càng gắn chặt với Đài Loan, nên người Nhật muốn biết liệu họ có thể tin tưởng vào người Mỹ nếu xung đột nổ ra hay không. Ông Abe nói rằng những nghi ngờ về sự sẵn sàng chiến đấu của Hoa Kỳ có thể làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn vì điều này sẽ khích lệ Trung Quốc.
Một cách hiểu khác về sự mơ hồ chiến lược là đây có thể là một sự răn đe lớn hơn so với một cam kết tham chiến công khai. Một cam kết chính thức có thể sẽ kích động một cuộc chiến tranh. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công vào các lực lượng của Hoa Kỳ, có thể là ở Nhật Bản, nếu họ biết chắc rằng Hoa Kỳ sẽ chiến đấu. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ sẽ không chiến đấu, thì họ sẽ xâm lược Đài Loan trước, đồng thời cẩn thận để không lôi kéo Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ vào cuộc xung đột này.
Do đó, mơ hồ chiến lược có thể là chiến lược tốt nhất bởi vì Bắc Kinh không biết chắc phải làm gì. Họ sẽ không mạo hiểm một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Hoa Kỳ vì điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh với Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Đài Loan. Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, và Ấn Độ có thể cũng sẽ tham gia vào cuộc xung đột chống lại Trung Quốc này.
Gần đây, Hoa Kỳ đã từ chối nỗ lực tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Đài Loan, mặc dù hòn đảo này có nền kinh tế lớn thứ bảy ở Á Châu và đóng một vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng vi mạch. Đài Loan bị loại bởi một mối bận tâm cho rằng sự tham gia của hòn đảo này sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc e ngại.
Hôm 27/05, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã gặp người đồng cấp Đài Loan, ông Đặng Chấn Trung (John Deng), để thảo luận về việc thắt chặt hơn mối bang giao thương mại giữa hai quốc gia. Các cuộc đàm phán chính thức dự kiến sẽ được tổ chức trong vài tuần tới. Đài Loan cũng có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh SelectUSA được tổ chức tại Maryland vào tháng Sáu. Hội nghị thượng đỉnh này xúc tiến đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ.
Liệu Hoa Kỳ có ý định bảo vệ Đài Loan hay không là điều vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, rõ ràng là Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác kinh tế với quốc đảo này song song với việc cam kết cung cấp cho Đài Loan các loại vũ khí và những chiến lược để tự vệ trước chính quyền Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).