Hoa Kỳ và các quốc gia G7 áp các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow
Hôm 08/05, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các đồng minh Nhóm Bảy (G7) đã đồng ý cùng nhau áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm trừng phạt các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, cấm các dịch vụ tư vấn quản lý của phương Tây ở Nga, và thắt chặt kiểm soát xuất cảng.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra một ngày trước Ngày Chiến Thắng của Nga (09/05), ngày kỷ niệm Đức Quốc Xã bị đánh bại trong Đệ nhị Thế chiến.
Theo Tòa Bạch Ốc, hôm 08/05, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham gia một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. G7 gồm có Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố khi kết thúc cuộc họp cam kết ủng hộ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
“G7 và Ukraine sát cánh cùng nhau trong thời điểm khó khăn này và trong nhiệm vụ bảo đảm tương lai dân chủ, thịnh vượng của Ukraine. Chúng tôi vẫn thống nhất trong quyết tâm của mình rằng Tổng thống Putin không được giành chiến thắng trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine,” tuyên bố cho biết.
Sau đây là danh sách các biện pháp trừng phạt đối với Nga được công bố tại cuộc họp:
Trừng phạt đối với các đài truyền hình Nga
Theo Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ trừng phạt ba trong số các kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát phổ biến nhất của Nga: Channel One Russia, Russia-1, và NTV.
“Thực tế là các công ty phương Tây nằm trong số những nhà quảng cáo hàng đầu trên các đài này vào năm ngoái,” một quan chức quản lý cao cấp nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 08/05. Quan chức này cho biết các đài nói trên đã nhận được hơn 300 triệu USD tiền quảng cáo trong năm 2021.
Quan chức này lưu ý, mặc dù hầu hết các công ty đã cắt giảm hoạt động kinh doanh của họ ở Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, chính phủ Hoa Kỳ muốn bảo đảm rằng các nhà quảng cáo truyền thông Hoa Kỳ không tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền của Nga.
Cấm dịch vụ tư vấn và kiểm toán
Theo Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ sẽ cấm người Mỹ cung cấp “các dịch vụ tư vấn về kế toán, quỹ tín thác, thành lập công ty, và quản lý” ở Nga. Những dịch vụ này là cần thiết cho các công ty và giới tinh hoa của Nga để tạo ra của cải và thoát khỏi các lệnh trừng phạt đồng thời tài trợ cho “cỗ máy chiến tranh của ông Putin”.
Lệnh cấm cũng áp dụng cho các công ty kế toán toàn cầu “Big Four” — Deloitte, KPMG, Ernst & Young (EY), và PricewaterhouseCoopers (PwC).
Các công ty kiểm toán này thuê hơn 10,000 lao động ở Nga, quan chức chính phủ cao cấp này cho biết.
“Chúng tôi nghĩ rằng họ đã được các công ty Nga đề nghị giúp đỡ nhằm tìm ra cách cải tổ chiến lược kinh doanh của mình sau các lệnh trừng phạt, trong một số trường hợp, làm thế nào để né tránh các lệnh trừng phạt này, hoặc trong trường hợp của các kế toán viên, làm thế nào để che giấu một số tài sản của họ,” quan chức này nói. “Chúng tôi đang loại bỏ việc đó.”
Các dịch vụ pháp lý của phương Tây ở Nga không nằm trong danh sách cấm.
Trừng phạt đối với dầu của Nga
Tất cả các nước G7 đã thông báo hôm 08/05 rằng họ sẽ loại bỏ dần hoặc cấm nhập cảng dầu từ Nga.
“Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến huyết mạch chính của nền kinh tế của ông Putin và khiến ông ấy không có được nguồn thu mà ông ấy cần để tài trợ cho cuộc chiến của mình,” Tòa Bạch Ốc tuyên bố trong một tờ thông tin.
Tuy nhiên, không có biện pháp trừng phạt nào đối với ngân hàng Gazprombank, vốn là phương tiện chính của Nga để bán khí đốt cho Âu Châu.
Quan chức cao cấp cho biết: “Chúng tôi đã thận trọng về việc đóng cửa các hoạt động của ngân hàng này trong khi Âu Châu vẫn đang nhập cảng khí đốt từ Nga.”
Các biện pháp kiểm soát xuất cảng bổ sung
Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với nhiều loại sản phẩm “bao gồm sản phẩm gỗ, động cơ và lò hơi công nghiệp, motor, quạt, và thiết bị thông gió, máy ủi, và nhiều mặt hàng khác có ứng dụng công nghiệp và thương mại.”
Theo Tòa Bạch Ốc, các biện pháp trừng phạt này được cho là sẽ hạn chế việc Nga tiếp cận các sản phẩm và nguồn thu để củng cố khả năng quân sự của nước này.
Vị quan chức cho biết, “Chúng tôi chọn hàng hóa, chúng tôi chọn dịch vụ, chúng tôi chọn công nghệ mà chúng tôi và người Âu Châu và nhóm G7 cũng như các đối tác của chúng tôi ở Á Châu là những nhà cung cấp ưu thế. Và chúng tôi không nghĩ rằng Nga có nhiều lựa chọn ngoài việc cố gắng sản xuất những hàng hóa hoặc dịch vụ này trong nước.”
Trừng phạt đối với giới tinh hoa
Hoa Kỳ đã áp đặt khoảng 2,600 hạn chế thị thực đối với các quan chức Nga và Belarus. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã ban hành một hạn chế thị thực mới đối với các quan chức quân đội Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm các giám đốc điều hành của Sberbank, Gazprombank, và Ngân hàng Công nghiệp Moscow.
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc chiến của ông Putin được cho là sẽ xóa sạch thành quả kinh tế của Nga trong 15 năm qua.
Tòa Bạch Ốc cho biết, Moscow đang gặp khó khăn trong việc thay thế vũ khí và thiết bị quân sự do các biện pháp kiểm soát xuất cảng do các nước phương Tây áp đặt. Theo tờ thông tin, hai nhà sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga là Uralvagonzavod Corp và Chelyabinsk Tractor Plant đã ngừng sản xuất do thiếu các linh kiện nhập từ ngoại quốc. Cho đến nay, 1,000 công ty khu vực tư nhân đã rời khỏi Nga. Và hơn 200,000 người Nga, bao gồm cả những nhân viên có tay nghề cao, đã chạy khỏi nước này.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: