Hoa Kỳ và các nước đồng minh công bố xuất 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ
Hôm thứ Ba (01/03), Tổng thống Joe Biden đã cho phép Bộ Năng lượng (DOE) xuất 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Hoa Kỳ, tương ứng với một nửa trong tổng số 60 triệu thùng được phối hợp xuất kho từ các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Hành động này diễn ra như một phần của nỗ lực ổn định thị trường dầu trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nga cung cấp 10% nguồn cung dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu và khoảng 40% của Liên minh Âu Châu.
Giá dầu thô đã tăng lên gần đây và hôm thứ Ba đã chạm mốc hơn 104 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014.
Thông báo về việc sử dụng dầu dự trữ được đưa ra từ một cuộc họp hôm thứ Ba của 31 quốc gia thành viên IEA do Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm chủ trì.
Một thông cáo của IEA lưu ý rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đã căng thẳng trước cuộc xâm lược của Nga, với sự biến động giá cao và tồn kho thương mại thấp.
Trong một tuyên bố, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết, “Chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi công cụ sẵn có để hạn chế sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu do hành động của Tổng thống Putin. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để đẩy nhanh việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mà không cần tới Nga và để bảo vệ thế giới khỏi sự vũ khí hóa dầu và khí đốt của Moscow.”
Theo thông cáo, 60 triệu thùng này chiếm 4% trong tổng số 1.5 tỷ thùng dự trữ khẩn cấp mà các thành viên IEA nắm giữ, và tương đương với 2 triệu thùng/ngày trong 30 ngày. Hoa Kỳ tiêu thụ trung bình khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày.
Đây là lần thứ tư IEA sử dụng nguồn dự trữ của mình kể từ khi thành lập vào năm 1974.
Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một tuyên bố: “Thật vui mừng khi thấy cộng đồng toàn cầu đã đoàn kết nhanh chóng như thế nào để lên án các hành động của Nga và phản ứng một cách dứt khoát.”
Một chuyên gia dầu khí, ông Patick De Haan, đã đánh giá thấp hành động này khi nói trong một dòng tweet rằng việc đó “không đáng kể xét đến lệnh cấm trên thực tế đối với dầu của Nga.”
Các đại tập đoàn năng lượng BP và Shell nằm trong danh sách các công ty tuyên bố rút khỏi Nga trong tuần này để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.
Và hôm thứ Ba, một nhóm Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã giới thiệu dự luật cấm Hoa Kỳ mua dầu của Nga.
Người giới thiệu dự luật này, Thượng nghị sĩ Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas) cho biết trong một tuyên bố: “Trước hết, Tổng thống Biden cần khởi động lại hoạt động sản xuất năng lượng của Mỹ và từ bỏ việc tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine của Vladimir Putin bằng cách tiếp tục mua dầu thô từ Nga. Dưới thời Chính phủ trước đây, quốc gia của chúng ta độc lập về năng lượng nhưng Tổng thống Biden đã đảo ngược hướng đi và biến các quốc gia thù địch như Nga thành trạm xăng của Mỹ. Đừng nhầm lẫn, nếu Tổng thống Biden không hành động, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Quốc hội để buộc ông Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm.”
Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) cũng đã thúc giục ông Biden tăng sản lượng năng lượng của Hoa Kỳ để ứng phó với thị trường dầu bấp bênh.
Giá xăng tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng với mức trung bình trên toàn quốc là hơn 3.61 USD/gallon. Đó là mức tăng 23 xu so với một tháng trước và tăng gần 90 xu so với một năm trước, theo AAA.
Đây là lần thứ hai ông Biden sử dụng tới Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ để cố gắng giảm chi phí mà người Mỹ phải trả tại trạm xăng. Tháng 11/2021, Hoa Kỳ đã công bố xuất 50 triệu thùng, phối hợp với các quốc gia tiêu thụ dầu bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản.
Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: