Hoa Kỳ và Âu Châu cần đẩy mạnh các biện pháp cùng nhau đối phó về kinh tế với Trung Quốc
Nền kinh tế của Hoa Kỳ và Âu Châu khi cùng nhau là bất khả chiến bại.
Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã huy động sức mạnh kinh tế to lớn của mình để đáp trả lại Bắc Kinh. Trong lúc đó, Hoa Kỳ đang sẵn sàng để liên kết với các quốc gia Âu Châu, đưa 2 khối kinh tế to lớn – mà mỗi khối đều là kình địch với Trung Quốc – trở nên bất khả chiến bại trong việc gây áp lực buộc Bắc Kinh phải cải thiện vấn đề nhân quyền, hoặc thậm chí là dân chủ hoá.
Một trường hợp điển hình là sự hậu thuẫn đầy can đảm của Lithuania trong việc thành lập cơ quan trên thực tế là Đại sứ quán “Đài Loan” thay vì cách gọi “Đài Bắc” ngay tại chính Vilnius, thủ đô của Lithuania. Để trả đũa, Bắc Kinh đã phong tỏa giao thương của Lithuanian với thị trường to lớn của Trung Quốc và bắt đầu gây áp lực buộc các công ty trên khắp thế giới ngừng kinh doanh với quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này.
Thậm chí, Bắc Kinh còn đe dọa quyền miễn trừ ngoại giao của các quan chức Lithuania tại Trung Quốc. Chính quyền Lithuania đã phải đưa các nhân viên đại sứ quán của mình rời khỏi Trung Quốc vào ngày 15/12 để bảo đảm sự an toàn của họ, khiến cho các công dân và doanh nghiệp của Lithuania ở Trung Quốc còn rất ít khả năng được hỗ trợ ngoại giao nếu Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công họ trực tiếp.
EU lẽ ra phải bảo vệ quyền lợi của các quốc gia thành viên, gồm cả Lithuania – nhưng đã im lặng trước vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Lithuania Gabrielius Landsbergis đã chỉ trích EU về việc này, và thẳng thắn yêu cầu Brussels bảo vệ hơn.
Ông Philippe Le Corre, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Hành chính Công Kennedy của Đại học Harvard (Harvard University’s Kennedy School of Government) đã viết trong một email rằng dưới những áp lực của cuộc tranh cử, “Cả Pháp và Đức đều không ở vào vị thế nhượng bộ với các vấn đề về Trung Quốc.”
Ông Le Corre nói Tổng thống Pháp Emmanuel “Macron đang nỗ lực tái đắc cử vào tháng 4,” và ông ta không thể tỏ ra là yếu đuối được. Trong khi đó, theo ông Le Corre, Thủ tướng mới của Đức là Olaf Scholz sẽ phải đối mặt với các áp lực tương tự bởi vị thế chưa có kinh nghiệm.
Ông Le Corre viết: “Tình huống của Lithuania đã làm sâu sắc thêm tâm lý bài Trung Quốc ở các nơi trên Âu Châu”. Theo ông Le Corre, ngay tại Lithuania, thái độ tổng thể đang đứng ở mức 50% ủng hộ đương đầu và 50% ủng hộ thỏa thuận với Bắc Kinh.
Tranh chấp giữa Bắc Kinh-Vilnius đang nâng cao nhận thức chung của công chúng về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Âu Châu, đồng thời buộc EU phải tập trung mạnh hơn vào sức mạnh thương mại và phối hợp cùng Hoa Kỳ để bảo vệ các quốc gia nhỏ hơn của mình. Biện pháp này đã được tiến hành vào tháng 09/2021, bắt đầu với cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Hoa Kỳ – EU mới.
Hội đồng này sẽ giúp chống lại các hành vi ép buộc về kinh tế và phi thị trường của Bắc Kinh, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ đối với các quốc gia như Lithuania, trợ cấp và bán phá giá hàng hoá giá rẻ trên thị trường của ngoại quốc nhằm phá huỷ các ngành công nghiệp của họ. Hội đồng sẽ mang lại sức mạnh về kinh tế đối với các giá trị chung của Hoa Kỳ và Âu Châu như dân chủ, nhân quyền, tự do và quyền riêng tư.
Hội đồng Hoa Kỳ – EU sẽ hợp tác, và quản lý về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, và các tiêu chuẩn công nghiệp mới – toàn bộ những vấn đề này đều sẽ có ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Trung Quốc.
Mục tiêu của hội đồng là hướng đến đẩy mạnh và tích hợp chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và EU, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, kiểm soát xuất cảng, sàng lọc đầu tư, và dẫn đầu trong các công nghệ mới. Hội đồng này cũng được thiết kế để kết hợp sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu nhằm chống lại Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố chung vào tháng 9, Hội đồng cho biết Washington và Brussels sẽ “tìm cách tăng khả năng cạnh tranh và đi đầu trong công nghệ bằng việc phát triển các chiến lược chung nhằm giảm tác động của các hoạt động phi thị trường trong nước và ở các nước thứ ba khác.”
Các hoạt động phi thị trường là quy tắc mà theo đó các nền kinh tế cộng sản, đặc biệt là Bắc Kinh, thực hiện tấn công chèn ép kinh tế quốc tế phục vụ cho những mục đích chính trị phi tự do.
Tuy nhiên, Âu Châu không chỉ phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, mà châu lục này cũng đang tăng cường sức mạnh trong nội bộ của chính mình trong việc chống lại Bắc Kinh. Kế hoạch này sẽ được thực hiện một phần bằng việc theo đuổi mục tiêu của EU là kết hợp sức mạnh kinh tế của châu lục để kiểm soát sự xâm nhập của ngoại quốc vào khối 27 quốc gia và gần 450 triệu người tiêu dùng của mình.
Sự phối hợp chặt chẽ hơn với kinh tế EU để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài như Bắc Kinh đã được tiến hành từ đầu tháng 12/2021. Hiện nay, đại diện thương mại của EU Valdis Dombrovskis đang nhận được sự khen ngợi cho những nỗ lực của ông về vấn đề này.
Ông Dombrovskis xác định rằng EU coi Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại và là một kẻ đối đầu toàn diện trong các vấn đề xã hội và kinh tế.
Những luật mới mà ông công khai ủng hộ, cùng việc phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ sẽ giúp những quốc gia Âu Châu tự phòng thủ chống lại các hoạt động thương mại có tính trả đũa và săn mồi của Bắc Kinh.
Ông Dombrovskis là cựu thủ tướng của Latvia, vì vậy ông biết rõ mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài do biên giới của đất nước ông chung với nước Nga và gần sát với nước Đức. Năm 1940, Liên Xô cũ chiếm đóng Latvia, kế đến là Đức Quốc xã xâm chiếm. Sự kết thúc Đệ Nhị Thế chiến không đồng nghĩa với tự do cho người Latvia, mà là sự quay trở lại với ách [cai trị] của Liên Xô vào năm 1944.
Ngày nay, Nga tiếp tục đe dọa các nước láng giềng, nghiêm trọng nhất là khu vực gần Ukraine. Một chuyến bay từ thủ đô của Latvia đến thủ đô của Ukraine, nơi đang có cuộc chiến với Nga về Crimea và khu vực công nghiệp phía đông giàu năng lượng, được gọi là Donbass, chỉ có 650 dặm.
Sự kết hợp mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, Âu Châu, và các đồng minh chống lại các chính sách săn mồi về quân sự và kinh tế của Moscow và Bắc Kinh sẽ là cực kỳ trọng yếu trong việc bảo vệ các nền dân chủ trong vài thập niên tới. Ông Dombrovskis đã ủng hộ cho mục tiêu này vào tháng 6 và tháng 10/2021 vừa qua, vào thời điểm mà ông cùng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai tháo gỡ các mâu thuẫn về hàng không và thép của Hoa Kỳ và EU.
Ông Dombrovskis cũng thường xuyên trao đổi với bà Tai để cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức đang bị thao túng bởi sự pha trộn bền bỉ đến không ngờ giữa “chủ nghĩa tư bản” và sự kiểm soát nhà nước của Bắc Kinh.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Dombrovskis ngày 5/1 nói rằng: theo ông Dombrovskis, “Không còn nghi ngờ gì nữa, WTO đang gặp khủng hoảng”. EU và Hoa Kỳ chia sẻ những quan ngại rằng “các quy tắc điều hành của WTO đã lỗi thời” đối với vấn đề kinh tế Trung Quốc.
EU cũng đang xem xét các quy tắc cứng rắn hơn đối với Trung Quốc do Bắc Kinh đang loại bỏ các công ty Âu Châu ra khỏi các hợp đồng với chính phủ Trung Quốc, và cũng sử dụng thuế quan và các biện pháp phong tỏa xuất cảng để chống lại các quốc gia như Trung Quốc, nơi sử dụng [các biện pháp] kiểm tra tại biên giới, bài xích tẩy chay, và kiểm tra an toàn một cách áp đặt, để phục vụ cho các mục đích phi tự do.
Ông Dombrovskis nói với WSJ rằng các biện pháp của EU “cho phép chúng tôi hành động một cách chủ động hơn khi cần thiết”, bằng cách sử dụng quyền tiếp cận vào nền kinh tế của khối như một biện pháp khuyến khích hoặc không khuyến khích đối với các hành vi phi tự do hoặc những hành vi chống lại lợi ích của Âu Châu. Ông nói: “Chúng tôi cam kết theo chủ nghĩa đa phương nhưng sẵn sàng hành động một cách độc lập tự chủ.”
Để chống lại Bắc Kinh hiệu quả, 27 quốc gia EU phải giao nhiều quyền quyết định về ngoại thương cho trụ sở tại Brussels của EU hơn, đây sẽ là một bước tiến nữa trong hàng ngàn năm lịch sử hướng tới sự tập trung quyền lực. Nhưng để tự vệ khỏi sự tập trung thậm chí còn tồi tệ hơn nữa – là sự tập trung của Bắc Kinh, thì các nước Âu Châu sẽ cần phải loại bỏ khả năng phủ quyết các quyết định của EU của chỉ một vài quốc gia EU thân Bắc Kinh, như Hungary.
Trong khi sự tập trung quyền lực về thương mại ở Brussels theo một cách nào đó là đáng tiếc cho sự đa dạng kinh tế và chính trị ở Âu Châu, thì đồng thời lại là cần thiết cho việc bảo vệ lục địa này khỏi chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ.
Để bảo đảm rằng sự đa dạng được bảo vệ và có thể được tái lập sau khi mối đe dọa từ Bắc Kinh đã được loại bỏ, Brussels nên xem xét thực hiện các điều khoản phục hồi để quyền lực về thương mại quay trở lại cấp quốc gia. Điều này sẽ khuyến khích sự trở lại của các doanh nghiệp nhỏ, nhóm có xu hướng biến mất trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia lớn có lợi thế trong thương mại tự do toàn cầu.
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: