Hoa Kỳ và Anh Quốc đàm phán để giải quyết tranh chấp thuế quan thép và nhôm
Các đại diện từ Hoa Kỳ và Anh Quốc đã đồng ý giải quyết tranh chấp thương mại của họ về thuế quan thép và nhôm của Hoa Kỳ trong một hội nghị trực tuyến chung hôm 20/01.
Các đại diện của Mỹ rất quan tâm đến việc loại bỏ thuế nhập cảng kim loại của Anh.
Vào tháng 03/2018, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% đối với thép ngoại quốc và 10% đối với nhôm, theo Mục 232 của Đạo luật An ninh Quốc gia, gọi chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, một hành động khiến người Anh, người Âu Châu và các nước đồng minh lâu nay của Mỹ phẫn nộ.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Anh Quốc Anne-Marie Tevelyan đã thông báo tại một cuộc họp báo rằng họ sẽ hợp tác để đạt được một thỏa thuận nhanh chóng bảo đảm khả năng tồn tại của ngành công nghiệp thép và nhôm ở cả hai nước, đồng thời cũng “củng cố liên minh dân chủ của họ.”
Không có ngày hoặc thời gian cụ thể nào được công bố cho các cuộc đàm phán này, nhưng họ sẽ giải quyết tình trạng “dư thừa năng lực sản xuất thép và nhôm toàn cầu, bao gồm cả việc Hoa Kỳ áp dụng thuế quan” đối với kim loại nhập cảng từ Anh Quốc.
Các đại diện thương mại cho biết: “Cả hai bên cam kết làm việc hướng tới một kết quả nhanh chóng bảo đảm khả năng tồn tại của ngành thép và nhôm ở cả hai thị trường.”
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Quốc tế của Anh Quốc cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi hiện nay là đạt được một giải pháp nhanh chóng nhằm dỡ bỏ các thuế quan này kịp thời và dọn đường cho mối quan hệ thương mại đang phát triển mạnh mẽ của chúng ta.”
Vị phát ngôn tiếp tục: “Cho đến khi một thỏa thuận được thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp tái cân bằng đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ và sẽ không ngần ngại thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ các ngành công nghiệp thép và nhôm quan trọng của chúng ta.”
Các cuộc đàm phán này cũng sẽ bàn về các mức thuế trả đũa 25% của Anh Quốc đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ, trong đó có rượu whisky, xe máy, quần jean và thuốc lá.
Xuất cảng hàng năm rượu whisky của Hoa Kỳ sang Anh Quốc đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2018, theo Hội đồng Rượu chưng cất Hoa Kỳ, tổ chức đã hoan nghênh thông báo này.
Ông Chris Swonger, chủ tịch Hội đồng Rượu chưng cất, gọi cuộc hội đàm hôm 19/01 là “một diễn biến rất tích cực.”
Tháng 10/2021, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Liên minh Âu Châu để giảm thuế đối với kim loại của EU dưới mức hạn ngạch nhập cảng mới và bằng cách tiếp tục đánh thuế hàng nhập cảng vượt quá hạn ngạch này.
Đáp lại, EU đã bỏ thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ, bao gồm cả rượu whisky.
Anh Quốc mong đợi sự đối xử tương tự mà Hoa Kỳ dành cho EU.
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ đã không ủng hộ các cuộc đàm phán này sau khi một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản dẫn đến khối lượng thép bổ sung đáng kể tràn ngập thị trường nội địa Mỹ với mức nhập cảng nước ngoài tăng gần 50% vào năm ngoái.
Ông Kevin Dempsey, Chủ tịch Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ, nói với Reuters: “Chúng tôi nghĩ rằng điều cần thiết là chính phủ phải bảo đảm rằng các thỏa thuận mới khác nhau mà họ đang xem xét không dẫn đến tình trạng tràn ngập hàng nhập cảng.”
Một người hoài nghi khác, ông Philip Bell, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Thép, nói với Reuters rằng sản xuất thép của Anh Quốc “hướng đến xuất cảng cao” và không chính xác là thuộc sở hữu của Anh, thực tế đang bị thống trị bởi Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Bell nói trong một tuyên bố: “Chính phủ Hoa Kỳ nên lo ngại về bất kỳ thỏa thuận thay thế bổ sung nào dẫn đến việc tăng nhập cảng thép và hỗ trợ các nước không cam kết thương mại tự do và công bằng.”
Trong khi đó, những người chỉ trích thuế quan thép và nhôm nói rằng xung đột giữa hai đồng minh hầu như không giải quyết được mối đe dọa thực sự đối với các nhà sản xuất kim loại Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc, vốn đang làm tràn ngập thị trường toàn cầu với thép giá rẻ.
Hoa Kỳ đã cấm hầu hết thép và nhôm nhập cảng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Anh Quốc cho biết họ đã thảo luận về tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc và hứa sẽ “khiến các quốc gia thực hiện chính sách có hại, bóp méo thị trường phải chịu trách nhiệm.”
Thỏa thuận chung Mỹ-EU có hiệu lực từ ngày 01/01 cũng giải quyết những lo ngại về việc bán phá giá thép và nhôm của Trung Quốc.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: