Hoa Kỳ: Ủy ban CECC thúc giục Liên Hiệp Quốc báo cáo về người Duy Ngô Nhĩ trước Thế vận hội Bắc Kinh
Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ lưỡng đảng, đang kêu gọi văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố đánh giá của họ về tình hình của nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc trước khi Thế vận hội Mùa Đông 2022 khai mạc.
“Làm như vậy sẽ mang lại một lợi ích chung cho toàn cầu khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế hướng về Trung Quốc khi họ tổ chức sự kiện quốc tế này,” Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), chủ tịch và đồng chủ tịch của CECC, viết trong một lá thư gửi tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet. “Làm như vậy cũng sẽ tái khẳng định một thực tế rằng không có quốc gia nào vượt lên sự giám sát hoặc cao hơn luật pháp quốc tế.”
Một số chính phủ phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, Hà Lan, và Anh Quốc, đã nói rằng nhà cầm quyền tại Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ hiện đang bị giam giữ trong các trại giam, nơi họ được biết đến là bị tiến hành các hành vi lạm dụng như cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, cưỡng hiếp, tra tấn, cưỡng bức lao động, và tách trẻ em ra khỏi gia đình.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phủ nhận những hành vi lạm dụng ở Tân Cương và tuyên bố rằng các trại này là “các trung tâm đào tạo nghề”.
Tháng 09/2021, bà Bachelet, trình bày trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, cho biết bà rất tiếc vì văn phòng của bà không thể báo cáo về tiến độ “tìm kiếm sự tiếp cận có ý nghĩa” vào Tân Cương.
Ba tháng sau, văn phòng của bà tuyên bố rằng họ đang hoàn thiện đánh giá về tình hình ở Tân Cương trong những tuần tới, mặc dù “không có tiến triển” trong đàm phán với các quan chức ĐCSTQ cho đề nghị về một chuyến thăm tới khu vực.
Thế vận hội Mùa Đông 2022, do Bắc Kinh đăng cai tổ chức, dự kiến bắt đầu vào ngày 04/02/2022. Hoa Kỳ, Úc, Canada, Lithuania, và Anh Quốc nằm trong số các quốc gia đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với cuộc tranh tài này. Hoa Kỳ vẫn sẽ cử các vận động viên của mình tham dự Thế vận hội, nhưng không cử một phái đoàn chính thức.
Tháng 12/2021, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã bị chỉ trích vì nhận lời mời từ Ủy ban Olympic Quốc tế để tham dự Thế vận hội Bắc Kinh. Một liên minh gồm 250 nhóm xã hội dân sự, tên là Nói Không với Bắc Kinh 2022, đang kêu gọi ông Guterres xem xét lại quyết định của mình, theo một tuyên bố chung hôm 14/01.
“Sự tham gia của ông sẽ làm suy yếu nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm và đi ngược lại các nguyên tắc cốt lõi được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các hiệp ước liên quan,” nhóm này viết. “Với tư cách là đại diện cao nhất của Liên Hiệp Quốc, sự tham gia của ông sẽ được coi như công nhận việc Trung Quốc ngang nhiên coi thường luật nhân quyền quốc tế và có tác dụng cổ súy cho các hành động của chính quyền Trung Quốc.”
Anh Ivan đã đưa tin cho The Epoch Times về nhiều chủ đề khác nhau kể từ năm 2011.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: