Hoa Kỳ ủng hộ Philippines phản đối ‘các hành động khiêu khích’ của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp
Hoa Kỳ đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Philippines sau khi Manila ra công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện bất hợp pháp của hơn 100 tàu Trung Quốc xung quanh khu vực lãnh thổ của Philippines ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef).
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (17/06), “Hoa Kỳ ủng hộ Philippines trong việc kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) chấm dứt các hành động khiêu khích của nước này và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.”
Tuyên bố trên nói rằng Hoa Thịnh Đốn chia sẻ mối lo ngại của Philippines liên quan đến “các hành động khiêu khích” của Trung Quốc ở Biển Đông và hàng loạt tàu của họ gần Đá Ba Đầu mà Manila gọi là Julian Felipe Reef.
Bộ Ngoại giao nói: “Những hành động này là một phần của xu hướng khiêu khích rộng lớn hơn của CHND Trung Hoa chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực.”
Những nhận xét của Hoa Thịnh Đốn được đưa ra sau khi Manila ra công hàm phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc hôm 09/06 về sự hiện diện “bất hợp pháp” của hơn 100 tàu Trung Quốc “trong và xung quanh” Julian Felipe Reef hồi tháng Tư.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các tàu Trung Quốc đã được phát hiện ở rạn san hô này chưa đầy một năm sau khi chính phủ Philippines phản đối sự hiện diện bất hợp pháp của 200 tàu Trung Quốc trong cùng khu vực hồi tháng 03/2021.
Bộ cho biết trong một tuyên bố: “Sự hiện diện trái phép kéo dài của các tàu đánh cá và hàng hải Trung Quốc không chỉ là bất hợp pháp, mà còn là nguồn gây bất ổn trong khu vực.”
Dưới thời chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, Philippines đã công bố hơn 300 công hàm kháng nghị các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, mà nước này gọi là Biển Tây Philippines.
Philippines là đồng minh trong hiệp ước của Hoa Kỳ theo Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, nhưng mối quan hệ đã trở nên căng thẳng dưới thời ông Duterte, người đã tìm kiếm mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2016.
Hôm 09/06, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Wendy R. Sherman đã gặp Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Marcos Jr. để thảo luận về quan hệ Mỹ-Philippines, quan hệ giao lưu giữa người dân hai nước, quan hệ kinh tế, và các cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của phần lớn Biển Đông theo cái gọi là “đường chín đoạn”. Năm 2016 Tòa án La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, nhưng Trung Quốc từ chối tuân theo phán quyết này.
Ông Marcos, người kế nhiệm của ông Duterte, đã cam đoan sẽ duy trì phán quyết năm 2016 của Tòa án La Hay và nói rằng chính phủ mới của ông sẽ đàm thoại với Trung Quốc “với một tiếng nói cứng rắn” về các vấn đề lãnh thổ.
Theo Philippine News Agency, hôm 26/05 ông cho biết, “Chúng tôi sẽ không cho phép một mét vuông nào, và thậm chí có thể làm cho nó nhỏ hơn, một milimet vuông nào vùng biển gần bờ của chúng tôi và cho đến quyền lợi 200 km bị chà đạp lên.”
Nhưng ông Marcos nói rằng một cuộc đối đầu với Trung Quốc là “điều cuối cùng chúng tôi cần ngay bây giờ”. Người con trai cùng tên của nhà cựu độc tài Philippines sẽ nhậm chức vào ngày 30/06.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.