Hoa Kỳ tưởng nhớ 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/09
Hôm 11/09, người Mỹ trên khắp đất nước đã tụ họp để kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố 11/09 khiến gần 3,000 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương, và để lại vết sẹo không thể xóa nhòa trong tâm hồn của quốc gia này.
Các hoạt động kỷ niệm đã được lên kế hoạch trên khắp cả nước – từ việc đặt vòng hoa ở Portland, Maine, cho đến việc treo những lá cờ rủ tại Đài tưởng niệm Hoa Thịnh Đốn – được đánh dấu bằng một biển các bức tượng, các tấm bảng tưởng nhớ ngày 11/09, và những người Mỹ đau buồn thề không bao giờ quên hành động khủng bố gây thương vong nhất trên đất Hoa Kỳ.
Một buổi lễ tưởng nhớ tại địa điểm xảy ra vụ khủng bố ở Thành phố New York đã được tiến hành với một nhân viên ứng phó rung chuông bạc vào lúc 8 giờ 46 phút sáng, thời điểm chính xác khi chiếc phi cơ đầu tiên trong số hai chiếc phi cơ bị cướp đâm vào một trong hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Ông Mike Low, người có con gái tên Sara Low từng là một tiếp viên hàng không trên chiếc phi cơ đó cho biết: “Cảm giác như một bóng ma xấu xa giáng xuống thế giới của chúng ta, nhưng đó cũng là thời điểm mà nhiều người đã hành động vượt lên trên mức người thường.”
“Khi chúng ta tiếp tục hành trình 20 năm này, tôi thấy được nguồn sống trong sự cảm kích không ngừng đối với tất cả những ai đã vượt lên hơn cả những người bình thường,” người cha này nói với đám đông trong đó có cả Tổng thống Joe Biden và các cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton.
Tiếp theo là các thân nhân xướng lớn tên của 2,977 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới và sau đó nghệ sĩ Bruce Springsteen đã có màn trình diễn rung động lòng người khi thể hiện bài hát “I’ll See You In My Dreams.”
Theo truyền thống, không có chính trị gia nào diễn thuyết tại buổi lễ tưởng niệm ở Manhattan, nơi các tòa nhà sẽ được chiếu sáng bằng màu xanh và, vào lúc hoàng hôn, chùm ánh sáng tháp đôi sẽ chiếu xa bốn dặm (khoảng 6.4 km) lên bầu trời để phản chiếu hai tòa tháp đã sụp đổ.
“Trong lễ kỷ niệm 20 năm này, chúng ta sẽ chia sẻ lịch sử và những bài học kinh nghiệm với một thế hệ mới, dạy họ về những hậu quả đang diễn ra của các vụ tấn công 11/09, và truyền cảm hứng cho thế giới bằng những ký ức về lòng dũng cảm ngoan cường, sức mạnh, và sự kiên cường của chúng ta,” Bảo tàng & Đài tưởng niệm 11/09 đã viết trong một phần đặc biệt trên trang web của họ dành riêng cho các hoạt động kỷ niệm 20 năm.
Trong khi nhiều sự kiện lớn đang diễn ra trong và xung quanh Thành phố New York, người dân trên khắp đất nước đã lên kế hoạch cho các sự kiện để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và để giáo dục công chúng.
Tại Shanksville ở tây nam tiểu bang Pennsylvania, gia đình và các khách mời đã tập trung tại Đài tưởng niệm Quốc gia ở đó để vinh danh 40 người đã thiệt mạng khi Chuyến bay số hiệu 93 của United Airlines đâm sầm xuống một khu đất trống. Theo Báo cáo của Ủy ban 11/09, hành động của những hành khách đối mặt với những kẻ không tặc trên chiếc phi cơ đó cuối cùng đã dẫn đến việc chiếc phi cơ lao thẳng xuống một khu đất trống ở vùng nông thôn Pennsylvania thay vì rơi trúng mục tiêu đã định, có thể là Tòa Bạch Ốc hoặc Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, với lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ chắc chắn đã cứu mạng những người khác.
Cựu Tổng thống George W. Bush, người nhậm chức tám tháng trước các vụ tấn công, là một trong số những người diễn thuyết tại buổi lễ này.
“Trong những ký ức này, các hành khách và phi hành đoàn của Chuyến bay số hiệu 93 phải luôn có một vị trí vinh dự. Tại đây các mục tiêu đã định này lại trở thành những công cụ giải cứu. Và nhiều người hiện còn sống mang một món nợ lớn, không hay biết vì sự thách thức đã xuất hiện trên bầu trời phía trên khu vực này,” cựu tổng thống nói.
“Trong những giờ phút định mệnh đó, chúng ta cũng học được những bài học khác. Chúng ta thấy rằng người Mỹ dễ bị tổn thương, nhưng không mong manh – rằng họ có sức mạnh cốt lõi để sống sót qua điều tồi tệ nhất mà cuộc sống có thể mang lại,” cựu TT Bush nói. “Chúng ta học được rằng lòng dũng cảm phổ biến hơn chúng ta tưởng tượng, nổi bật lên với vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng một cách bất ngờ khi đối diện với cái chết.”
Ông Calvin Wilson, người có anh rể tên LeRey Homer là một trong những hành khách thiệt mạng khi Chuyến bay số hiệu 93 gặp nạn, đã nói trước buổi lễ.
“Chúng ta không tập trung vào thiệt hại. Chúng ta không tập trung vào sự thù ghét. Chúng ta không tập trung vào việc trả đũa. Chúng ta không tập trung vào việc báo thù. Chúng ta tập trung vào những điều tốt đẹp mà tất cả những người thân yêu của chúng ta đã làm,” ông nói.
Một buổi lễ tưởng niệm cũng được tổ chức tại Arlington, Virginia, nơi một chiếc phi cơ bị cướp khác — Chuyến bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines — lao vào Ngũ Giác Đài vào ngày 11/09/2001, cướp đi sinh mệnh của 125 người trong tòa nhà này cùng 59 hành khách và phi hành đoàn.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã vinh danh các nạn nhân trong một bài diễn văn.
“Tất cả các giá trị và nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp của chúng ta và trở thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã được trả bằng máu của những người đã ngã xuống nơi này vào lúc 9:37 sáng ngày 11/09/2001,” ông Milley nói tại buổi lễ, theo the New York Post. “Những lý tưởng đó đã và vẫn bị kẻ thù của chúng ta căm ghét: những kẻ phát xít, Đức quốc xã, cộng sản, al-Qaeda, ISIS, Taliban, những kẻ độc đoán, độc tài, và bạo chúa đủ loại. Họ ghét những lý tưởng đó. Họ ghét những giá trị đó.”
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng có bài diễn văn tại buổi lễ bên ngoài Ngũ Giác Đài.
“Trách nhiệm của chúng ta là phải ghi nhớ. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ nền dân chủ của mình,” ông Austin nói, theo hãng tin The Associated Press. “Chúng ta vẫn làm việc ở đây. Chúng ta vẫn ghi nhớ ở đây. Chúng ta vẫn giữ vững các giá trị của mình tại nơi đây. Với những cái đầu sáng suốt và trái tim không biết sợ hãi.”
Nhiều buổi lễ tưởng niệm khác đã được tổ chức trên khắp đất nước, với Fox News trích dẫn cơ quan đăng ký của Bảo tàng & Đài tưởng niệm 11/09 cho biết có ít nhất 1,190 đài tưởng niệm được đặt tại Hoa Kỳ.
Các sự kiện khác bao gồm Cuộc chạy thi 5K Tưởng niệm 11/09 và gây quỹ do sở cảnh sát và sở cứu hỏa của Arlington, Văn phòng Cảnh sát trưởng và Trung tâm Liên lạc Khẩn cấp phối hợp tổ chức; Cuộc thi Leo Cầu thang Tưởng niệm ngày 11/09 của Cảnh sát Cứu hỏa Missouri, được tiến hành vào thời điểm phát hành bản tin này; và một buổi lễ Tưởng niệm Quốc kỳ Vinh danh Ngày 11/09 trên Toàn Hoa Kỳ ở Arizona.
Mặc dù các hoạt động tưởng nhớ ngày 11/09 đã trở thành một truyền thống hàng năm, nhưng thứ Bảy này có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra sau 20 năm kể từ buổi sáng mà nhiều người coi như một bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông, cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ tác giả Roy Peter Clark: ‘Hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: