Hoa Kỳ: Trung Quốc tiếp tục không đạt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Hôm 27/04, Hoa Kỳ đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì tiếp tục không thực hiện cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP).
Một báo cáo thường niên (pdf) của Văn phòng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) nêu rõ: “Trung Quốc cần hoàn thành toàn bộ các thay đổi căn bản cần thiết để cải thiện bối cảnh sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc cần giải quyết các kênh thực thi yếu kém cũng như sự thiếu minh bạch và độc lập về Tư pháp.”
Báo cáo này đã được đưa ra sau khi các quan chức thương mại Hoa Kỳ liên tục chỉ trích Bắc Kinh không đáp ứng một loạt các cam kết thương mại, bao gồm cả các cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” năm 2020. Tháng trước (03/2022), USTR Katherine Tai cho biết Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách “điều chỉnh lại” chính sách thương mại của văn phòng bà đối với Trung Quốc, nhưng chính phủ vẫn chưa nêu rõ cách tiếp cận cụ thể với Bắc Kinh và phần lớn vẫn tiếp tục các chính sách của chính phủ ông Trump.
Do Trung Quốc thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách lỏng lẻo, nên báo cáo của USTR đã đưa Bắc Kinh vào một “danh sách ưu tiên theo dõi” về các quốc gia gây tổn hại nhiều nhất cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Hành vi trộm cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ do nhà nước bảo trợ là một vấn đề cốt lõi khiến Hoa Thịnh Đốn phải bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính phủ ông Trump.
Một cuộc điều tra năm 2018 của USTR cho thấy Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành vi có hại và không công bằng, bao gồm cưỡng ép chuyển giao công nghệ và các cuộc tấn công mạng do nhà nước tài trợ để đánh cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến thương mại này đã chứng kiến việc chính phủ ông Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá gần 370 tỷ USD từ Trung Quốc, phần lớn trong số đó vẫn được giữ nguyên.
Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Bắc Kinh đã hứa sẽ tăng cường bảo vệ bản quyền, bí mật thương mại và các hình thức sở hữu trí tuệ khác của ngoại quốc.
Kết quả là trong năm 2021, Trung Quốc đã ban hành các sửa đổi đối với luật và quy định cũng như các biện pháp khác nhằm giải quyết vấn đề bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, theo báo cáo của USTR.
Tuy nhiên, văn phòng thương mại này lưu ý rằng các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục “đề cập đến những lo ngại về tính đầy đủ của các biện pháp này và việc thực thi hiệu quả của chúng, cũng như về các vấn đề lâu dài như [đăng ký] nhãn hiệu với dụng ý xấu, hàng giả, và vi phạm bản quyền trực tuyến.”
USTR cũng nhấn mạnh rằng, “Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế có nguồn hàng giả và hàng nhái lớn nhất,” chiếm hơn 83% các vụ bắt giữ của Hoa Kỳ.
Báo cáo này cho biết, cụ thể, “việc sản xuất, phân phối, và bán thuốc, phân bón, thuốc trừ sâu, và các thành phần dược phẩm giả được quản lý yếu kém vẫn phổ biến ở Trung Quốc.”
USTR cũng nêu lên mối lo ngại về các tuyên bố của các quan chức Trung Quốc về việc ràng buộc quyền sở hữu trí tuệ với nhu cầu phát triển theo định hướng đổi mới của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng sự ràng buộc này sẽ hạ cấp hơn nữa việc áp dụng hợp lý sự bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ngoại quốc ở Trung Quốc.
Tài liệu này đã được công bố hôm thứ Tư (27/04) dựa trên một bản đánh giá kết quả hoạt động của hơn 100 đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Cùng nằm trong “danh sách theo dõi ưu tiên” của USTR còn có Argentina, Chile, Ấn Độ, Indonesia, và Venezuela.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: