Hoa Kỳ, Trung Quốc đưa ra kế hoạch chung để thúc đẩy hợp tác về biến đổi khí hậu
Hôm 10/11, hai quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới đã cam kết cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi các nhà lãnh đạo toàn cầu khép lại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 kéo dài trong hai tuần ở Glasgow.
Khuôn khổ [hợp tác] này được đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ là ông John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc là ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) công bố hai ngày trước khi bế mạc hội nghị, đã được cả hai bên đánh giá là một cách để giúp hội nghị thượng đỉnh này đạt được thành công.
Ông Giải Chấn Hoa chuyển lời qua một thông dịch viên tại phòng họp báo của hội nghị, “Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu này, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều sự hòa hợp hơn là bất đồng, khiến vấn đề này trở thành một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác rất lớn.”
Ông nói rằng hiệp định chung này “một lần nữa cho thấy rằng hợp tác chính là sự lựa chọn duy nhất cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Kế hoạch này đã ấn định về năm lĩnh vực hợp tác nhưng còn mơ hồ về các mục tiêu cụ thể, nhấn mạnh rằng các quốc gia đã “phân biệt trách nhiệm” tùy theo “hoàn cảnh quốc gia khác nhau”, một khái niệm mà ông Giải Chấn Hoa đã nhấn mạnh trong suốt cuộc họp báo này.
Ông Giải đã không ký vào bản Cam kết về Khí Methane Toàn cầu (đồng nghĩa với Trung Quốc không cam kết giảm khí methane), vốn có được chữ ký của 104 quốc gia trong hội nghị này với hứa hẹn sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane của họ trong giai đoạn 5 năm tính từ năm 2025 đến năm 2030.
Hồi đầu hội nghị thượng đỉnh này, ông Giải cũng đã biện hộ cho việc phụ thuộc vào than đá của Trung Quốc – vốn đáp ứng khoảng 60% nguồn cung cấp điện của nước này — nói rằng Bắc Kinh đang “ở trong một giai đoạn phát triển đặc biệt” và đã “nỗ lực hết sức có thể để khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu”.
Trong bản tuyên bố chung này, Bắc Kinh hứa sẽ giảm dần tiêu thụ than trong thập niên tới đồng thời hợp tác với Mỹ quốc nhằm thúc đẩy [việc sử dụng] năng lượng sạch. Hai nước này cũng sẽ chia sẻ đổi mới công nghệ hướng tới mục đích giảm tốc quá trình biến đổi khí hậu. Tuyên bố này cho biết, trong nửa đầu năm 2022, [hai nước] sẽ triệu tập một cuộc họp song phương về cắt giảm khí methane, nguồn khí nhà kính lớn thứ hai sau khí carbon dioxide.
Ông Kerry cho biết tuyên bố này là “lộ trình cho sự hợp tác hiện tại và tương lai của chúng ta” về khí hậu.
Ông nói với các phóng viên rằng, “Chúng ta đều biết một câu thành ngữ đó là: ‘Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ’ (hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân). Chà, hiện giờ thì mỗi một bước đi đều quan trọng, và chúng ta còn cả một hành trình dài ở phía trước.”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh bản hiệp định giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ này.
Ông viết trên Twitter như sau: “Việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu luôn đòi hỏi phải có sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, và đây là một bước đi đúng hướng quan trọng.”
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh COP26, trở thành nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có bài diễn văn qua tuyên bố bằng văn bản, trong đó ông yêu cầu các quốc gia giàu có hơn nên dẫn đầu nỗ lực về khí hậu và hỗ trợ các quốc gia kém phát triển hơn. Ông đã không đưa ra những cam kết mới.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Hoa Thịnh Đốn làm dịu các chính sách với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc hợp tác khí hậu. Hôm 02/11, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng “các vị không thể yêu cầu Trung Quốc cắt giảm sản lượng than, mặt khác lại đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp quang điện của Trung Quốc”, một [câu nói] ám chỉ đến việc [Hoa Kỳ] đã đưa một số nhà sản xuất các bộ phận tấm quang năng của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trong tháng Sáu, vốn được cho là đã sử dụng lao động cưỡng bức từ những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của nước này.
Ông Kerry, người trước đây từng nói rằng “cuộc đời này luôn đầy rẫy những lựa chọn khó khăn” khi hồi đáp một câu hỏi của phóng viên về các hành vi lạm dụng của Bắc Kinh ở Tân Cương, hôm thứ Tư đã nói lại rằng việc đòi hỏi thúc bách Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền đang nằm trong tầm quan sát của ông.
Ông Kerry nói với các phóng viên, “Chúng tôi vẫn đang thẳng thắn về sự khác biệt này. Tất nhiên chúng tôi biết những điều đó là gì và chúng tôi đã nói rõ vấn đề ấy. Nhưng chuyên môn của tôi không phải là ở chỗ này. Công việc của tôi là trở thành nhà khí hậu học và luôn chuyên tâm cố gắng đưa nghị trình khí hậu này tiến lên.”
Một số chuyên gia về Trung Quốc nhận định rằng nhà cầm quyền của nước này đã không thành khẩn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà chỉ đơn thuần là đang giải quyết vấn đề có lợi cho mình mà thôi.
Bà Katie Tubb, một nhà phân tích chính sách kinh tế tại tổ chức tư vấn Heritage Foundation, cho rằng những nỗ lực như vậy được thúc đẩy bởi một nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng, ngay cả khi Trung Quốc đang mở rộng năng suất của [năng lượng] gió và mặt trời.
“Họ sẵn sàng nạp thêm năng lượng ở bất cứ đâu mà họ có thể lấy được,” bà nói với The Epoch Times.
Trung Quốc đã đưa ra một mục tiêu dài hạn để đạt được trung lập carbon vào năm 2060, chậm hơn 10 năm so với thời hạn mà các nước phát triển đưa ra. Theo quan điểm của bà Tubb, đó là một quyết định chiến lược để cho nhà cầm quyền này quan sát được quá trình theo đuổi công nghệ xanh của phương Tây và có khả năng hưởng trọn thành quả từ lĩnh vực này.
Bà nói rằng, “Họ đang đi nước đôi.”
Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cố vấn hàng đầu về chính sách Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết việc có được sự hợp tác của Trung Quốc về khí hậu là một nhiệm vụ “rất khó khăn”.
“Thực sự sâu thẳm bên trong, Trung Quốc không quan tâm nhiều đến các vấn đề như biến đổi khí hậu giống như chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ đang làm,” ông Dư nói với The Epoch Times hồi cuối tháng Mười.
Ông Dư cho biết, biến đổi khí hậu không phải là “ưu tiên chiến lược hàng đầu của Trung Quốc” mà là đòn bẩy tiềm năng để Bắc Kinh có được sự khoan nhượng trong các vấn đề như nhân quyền và thương mại.
“Họ tập trung vào nỗ lực căn bản này để [có được] sức mạnh kinh tế bằng mọi giá, ngay cả với cái giá phải trả của hệ sinh thái toàn cầu này.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: