Hoa Kỳ, Trung Quốc đạt thỏa thuận nới lỏng hạn chế thị thực cho ký giả
Hôm 16/11, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo, chính quyền Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với các phóng viên từ hai quốc gia tương ứng của họ.
Vị phát ngôn viên này nói với The Epoch Times trong một bản tuyên bố, thỏa thuận này đã đạt được sau khi Bộ Ngoại giao “thúc ép” Bắc Kinh trong nhiều tháng về các vấn đề song phương mà xưa nay vốn là “những rào cản lâu đời” cũng như “những mối quan tâm tồn tại từ lâu” đối với Hoa Kỳ, chẳng hạn như tiếp cận phương tiện truyền thông và vấn đề thị thực.
Cả hai bên đã đồng ý cấp thị thực dài hạn cho các ký giả của họ. Trung Quốc đã cam kết cấp thị thực cho “một nhóm phóng viên của Hoa Kỳ”, đồng thời Hoa Kỳ sẽ đáp lại bằng cách cấp thị thực cho các ký giả của Trung Quốc, những người “đủ điều kiện cấp thị thực theo luật pháp Hoa Kỳ”.
Phát ngôn viên này cho biết, “CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] cam kết cho phép các ký giả Hoa Kỳ từng ở CHND Trung Hoa được tự do khởi hành và trở về, điều mà trước đây họ không thể làm được. Chúng tôi đang có kế hoạch tạo điều kiện cho việc đối đãi tương tự.”
Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về khả năng tiếp cận truyền thông bắt nguồn từ cách Bắc Kinh nhìn nhận báo chí khác với Hoa Kỳ. Bên trong Trung Quốc, môi trường truyền thông bị hạn chế, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) luôn gây áp lực buộc các phóng viên và các hãng thông tấn phải tự kiểm duyệt để ủng hộ cho nhà nước độc đảng này vì cái gọi là ổn định xã hội. Các cơ quan truyền thông do nhà nước Trung Quốc điều hành vẫn chịu ơn Đảng này khi hoạt động bên ngoài Trung Quốc.
Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc đã trục xuất ba phóng viên của Wall Street Journal vào tháng 02/2020, một quyết định được đưa ra nhằm trả đũa một chuyên mục trong ấn phẩm có tiêu đề “Trung Quốc Thực chất Chính Là Á Châu Bệnh Phu”.
Một tháng sau, nhà cầm quyền cộng sản này đã thông báo rằng họ sẽ trục xuất nhiều ký giả Hoa Kỳ hơn, sau quyết định của chính phủ cựu Tổng thống Trump chỉ định ra 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là “phái bộ ngoại giao”, xác định họ là cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng. Đến cuối tháng 10/2020, có thêm 10 cơ quan truyền thông của Trung Quốc do nhà nước điều hành đã bị lật tẩy.
Phát ngôn viên này cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các cơ sở bị ảnh hưởng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự, và chúng tôi rất vui vì các thông tín viên của họ sẽ có thể trở lại CHND Trung Hoa để tiếp tục công việc quan trọng của họ.”
Vào tháng 09/2020, Trung Quốc đã leo thang các hành động trả đũa của mình, khi họ áp đặt các hạn chế mới đối với nhiều ký giả của Hoa Kỳ hơn bằng cách trì hoãn việc gia hạn thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng của họ.
Vào tháng Ba, Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc của Trung Quốc đã đưa ra một báo cáo nêu rõ rằng năm 2020, Bắc Kinh đã sử dụng một số chiến thuật, bao gồm cả đe dọa và thắt chặt thị thực, để hạn chế việc đưa tin ra ngoại quốc.
Một ví dụ gần đây về việc hạn chế thị thực đã xảy ra hồi đầu tháng này ở Hồng Kông, khi các nhà chức trách của thành phố này từ chối gia hạn thị thực của cô Hoàng Thục Lâm (Sue-lin Wong), một phóng viên làm việc cho tờ báo The Economist.
Đáp lại, Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc của Hồng Kông đã đưa ra một tuyên bố, kêu gọi chính quyền Hồng Kông “đưa ra những bảo đảm cụ thể rằng các đơn xin thị thực lao động và gia hạn thị thực sẽ được xử lý kịp thời … và rằng quy trình cấp thị thực cho các ký giả sẽ không bị chính trị hóa hoặc vũ khí hóa.”
Một ký giả ngoại quốc hiện đang héo mòn tiều tụy ở trong nhà tù của Trung Quốc là cô Thành Lôi (Cheng Lei), người đã bị bắt vào tháng 08/2020 vì bị tình nghi là gây nguy hiểm đến “an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Cô Thành là người gốc Hoa, nhập quốc tịch Úc và là một người đưa tin cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước điều hành.
Tổ chức vận động truyền thông Phóng viên Không Biên giới xếp Trung Quốc đứng thứ 177 trong số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí thế giới. Tính đến hôm 03/11, đã có ít nhất 122 ký giả bị giam giữ bên trong Trung Quốc.
China Daily – cơ quan truyền thông do nhà nước điều hành – là bên đầu tiên đưa tin về thỏa thuận này. Theo trích dẫn từ các nguồn tin ẩn danh tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, China Daily cho biết thỏa thuận này đã đạt được trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hai nhà lãnh đạo này đã không đạt được bất kỳ đột phá nào về các vấn đề liên quan đến cả hai nước này. Sau hội nghị thượng đỉnh đó, một quan chức chính quyền cao cấp cho biết trong một cuộc họp báo rằng hai nhà lãnh đạo này “đã không thảo luận về vấn đề thị thực dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bài báo này.
Phát ngôn viên này nói thêm, “Chúng tôi hoan nghênh bước tiến triển này, nhưng cứ đơn giản xem đó như là những bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới việc mở rộng khả năng tiếp cận và cải thiện môi trường cho giới truyền thông của Hoa Kỳ cũng như giới truyền thông của các nước khác, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho tự do truyền thông như một sự phản ánh các giá trị dân chủ của chúng tôi.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: