Hoa Kỳ trừng phạt 6 quan chức nước ngoài vì các vụ bắt giữ hàng loạt gần đây ở Hồng Kông
Hoa Kỳ đã trừng phạt sáu quan chức Trung Cộng và Hồng Kông để đáp lại các vụ bắt giữ hàng loạt các nhân vật ủng hộ dân chủ ở thành phố này hồi tuần trước – hôm 15/01.
Trong số những người bị trừng phạt có một quan chức cao cấp của Trung Cộng, người đứng đầu cơ quan Đảng giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài, ông Vưu Quyền.
Nhà chức trách Hồng Kông đã bắt giữ 53 chính trị gia và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ vào hôm 06/01 vì nghi ngờ sẽ “lật đổ chính quyền” theo luật an ninh quốc gia, luật mà Bắc Kinh áp đặt lên thành phố này hồi mùa hè năm ngoái (2020). Hầu hết những người bị bắt đều tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức cho cuộc bầu cử lập pháp mà sau đó đã bị hoãn lại. Ông John Clancey, một luật sư Hoa Kỳ nằm trong số những người bị bắt.
Mô tả chuỗi sự kiện này là một “cuộc đàn áp kinh hoàng,” Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một tuyên bố rằng những vụ bắt giữ đó còn là “một ví dụ rõ ràng khác về các quyền tự do và quy trình dân chủ của Hồng Kông đang bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phá hoại về cơ bản.”
Ngoại trưởng Pompeo cũng kêu gọi chế độ cộng sản này và nhà cầm quyền Hồng Kông “thả ngay lập tức” những người đã bị luật an ninh quốc gia nhắm tới và huỷ bỏ các cáo buộc chống lại họ.
Ông cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ sẵn có của chúng tôi để buộc những người đó phải chịu trách nhiệm.”
“Chúng tôi lên án các hành động làm xói mòn các quyền tự do và quy trình dân chủ Hồng Kông của CHND Trung Hoa,” ông Pompeo nói.
Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên bốn quan chức Hồng Kông, bao gồm cả các quan chức cảnh sát và hai quan chức Trung Cộng, trong đó có ông Quyền, Phó Chủ tịch Nhóm Lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Trung Cộng.
Ông Quyền cũng là Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương của Đảng này. Mặt trận Thống nhất có nhiệm vụ điều phối hàng nghìn nhóm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho Trung Cộng.
Hoa Kỳ trước đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 29 quan chức Trung Cộng và Hồng Kông, bao gồm cả Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), vì vai trò của họ trong việc phá hoại các quyền tự do của thành phố này.
Các vụ bắt giữ hồi tuần trước đã thu hút sự lên án của quốc tế.
Trong một tuyên bố chung hôm 10/01, chính phủ các nước Úc, Vương quốc Anh, Canada, và Hoa Kỳ cho biết luật an ninh quốc gia là một “sự vi phạm rõ ràng” Tuyên bố chung Trung-Anh và “được sử dụng để loại bỏ sự bất đồng chính kiến và các quan điểm chính trị trái chiều.” Trong Tuyên bố chung, một hiệp ước năm 1984 quy định việc chuyển giao Hồng Kông từ quyền cai trị của Anh sang cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa cho cư dân thành phố này quyền tự trị và quyền tự do mà những người ở đại lục không được hưởng, theo khuôn khổ được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống.”
Cathy He
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: