Hoa Kỳ trừng phạt 24 quan chức Trung Cộng, Hồng Kông trước các cuộc hội đàm
Hoa Kỳ đã trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Cộng và Hồng Kông về việc chế độ Bắc Kinh tiếp diễn việc đàn áp các quyền tự do chính trị ở thành phố bán tự trị, ngay trước cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của chính phủ TT Biden với Trung Cộng.
Bước đi phản ánh “mối quan tâm sâu sắc” của Hoa Thịnh Đốn về sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông sau những thay đổi đối với hệ thống bầu cử được cơ quan lập pháp nghi thức của Trung Cộng xác nhận vào tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 17/03.
Bộ Ngoại giao cho biết các tổ chức tài chính nước ngoài giao dịch với 24 quan chức đó cũng sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Những thay đổi theo kế hoạch đối với luật bầu cử của Hồng Kông mang lại cho ủy ban thân Bắc Kinh quyền bổ nhiệm nhiều nhà lập pháp Hồng Kông hơn. Động thái này sẽ làm giảm tỷ lệ những người được bầu trực tiếp và bảo đảm rằng chỉ những người được xác định là thực sự trung thành với Bắc Kinh mới được phép tranh cử-loại bỏ một cách hiệu quả các nhân vật đối lập ra khỏi tiến trình chính trị.
Thông báo của Hoa Kỳ được đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều cảnh giác trước sức mạnh kinh tế, quân sự, và chính trị ngày càng tăng của Trung Cộng.
Trong khi ở Tokyo, hai quan chức đã đưa ra một tuyên bố chung với những người đồng cấp Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người dân tộc thiểu số ở khu vực phía tây Tân Cương và quyết tâm của Trung Cộng trong việc thay đổi hiện trạng của một nhóm đảo nhỏ bỏ hoang do Tokyo quản lý nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Hai người đã đến Seoul vào hôm 17/03 để hội đàm.
Hôm 18/03, Ngoại trưởng Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dự kiến gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Chủ nhiệm Ủy ban công tác ngoại sự của Trung Cộng, Dương Khiết Trì, tại Anchorage, tiểu bang Alaska.
Hoa Kỳ cho biết đây sẽ là cơ hội bước đầu để giải quyết những bất đồng gay gắt về thương mại và nhân quyền ở Tây Tạng, Hồng Kông, và Tân Cương cũng như đại dịch coronavirus.
Chính phủ TT Biden dường như cam kết giữ lập trường cứng rắn đối với những vấn đề đó.
Trung Cộng đã bác bỏ mọi chỉ trích về các chính sách của họ đối với Hồng Kông, cáo buộc các chính phủ nước ngoài can thiệp và nói rằng việc thắt chặt chính trị là cần thiết sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm 2019.
Tháng Sáu năm ngoái, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với thành phố và chính quyền Hồng Kông đã bắt giữ hầu hết những người ủng hộ dân chủ nổi tiếng và những người chỉ trích thẳng thắn. Nhiều người khác đã trốn ra nước ngoài và trong tuần này đã tái kêu gọi các thành viên của cộng đồng người Hồng Kông tiếp tục cuộc chiến đấu giành các quyền tự do được cam kết đối với thành phố sau khi chấm dứt chế độ thuộc địa Anh vào năm 1997.
Trong số những người bị đưa vào lệnh trừng phạt có ông Vương Thần (Wang Chen), một ủy viên của Bộ Chính trị gồm 25 thành viên ưu tú của Trung Cộng và ông Đàm Diệu Tâm (Tam Yiu-chung), đại biểu Hồng Kông trong ủy ban thường vụ quốc hội Trung Cộng, người đã soạn thảo luật an ninh quốc gia.
Một số viên chức thuộc Sở An ninh Quốc gia của Hồng Kông cũng nằm trong diện trừng phạt, bao gồm ông Lý Quế Hoa (Li Kwai-wah), một giám đốc cao cấp, cũng như bà Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau), một phó ủy viên của lực lượng cảnh sát Hồng Kông và là giám đốc sở.
Bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ đã trừng phạt 10 quan chức bao gồm lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming). Lệnh trừng phạt cấm họ đến Hoa Kỳ và chặn các giao dịch của họ với các tổ chức tài chính Hoa Kỳ.
Bà Lâm cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 11 năm ngoái rằng lệnh trừng phạt có nghĩa là bà nhận lương bằng tiền mặt và có “hàng đống tiền mặt” ở nhà vì bà bị cắt các dịch vụ ngân hàng ở Hồng Kông.
Các quan chức Trung Cộng đã coi thường tác động của các lệnh trừng phạt, một số người gọi việc họ bị nêu tên là một niềm tự hào về điều mà họ coi là nỗ lực làm suy yếu quyền kiểm soát của Trung Cộng ở Hồng Kông và sự nổi lên của Trung Cộng với tư cách là một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Do The Association Press thực hiện
Với sự đóng góp của The Epoch Times
Trường Lê biên dịch
Xem thêm: