Hoa Kỳ trừng phạt 11 quan chức Trung Cộng và Hồng Kông, hiệu quả lớn đến mức nào?
Gần đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông, bao gồm 11 quan chức Trung Cộng và Hồng Kông. Theo tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của 11 cá nhân này, hạn chế họ và người nhà của họ nhập cảnh, cấm công dân và các tổ chức của Mỹ cung cấp tiền, hàng hóa hay dịch vụ cho họ. Sự việc này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các giới. Vậy chế tài này rốt cuộc có hiệu quả to lớn đến đâu?
Đóng băng tài khoản ngân hàng
Trong thông báo ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết sẽ thực thi trừng phạt đối với 11 quan chức gần đây đã phá hoại và làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông, trong đó có Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Giám đốc văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Hạ Bảo Long, Giám đốc văn phòng liên lạc Hông Kông Lạc Huệ Ninh.
Bộ Tài chính tuyên bố, những quan chức này phải chịu trách nhiệm cho những tổn hại về tự do và dân chủ ở Hồng Kông. Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản cũng như quyền và lợi ích liên quan đến tài sản của họ ở Hoa Kỳ, dù là công ty/tổ chức mà họ sở hữu (trực tiếp hay gián tiếp) trên 50% quyền và lợi ích, ở Hoa Kỳ hay do người Hoa Kỳ khác nắm giữ hoặc kiểm soát, đều bị phong tỏa, đồng thời phải báo cáo với Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Hơn nữa, trừ phi được các cơ quan chức năng Mỹ cho phép, không một cơ quan của bất kỳ địa phương nào được phép giao dịch kinh doanh, cung cấp tiền bạc, hàng hóa, hay dịch vụ cho những đối tượng đang bị chế tài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng công bố thông tin chi tiết về ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số căn cước công dân, địa chỉ cư trú của 11 cá nhân bị trừng phạt.
Chế tài này đã thu hút sự quan tâm cao độ của đông đảo các giới. Là lãnh đạo cấp cao nhất trong số 11 đối tượng áp dụng của lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đáp trả động thái này của Hoa Kỳ qua Facebook, bà không có hứng thú với nước Mỹ, và sẽ chủ động hủy bỏ thị thực có giá trị đến 2026 mà Hoa Kỳ đã cấp cho bà. Nhân vật đứng thứ hai trong danh sách là Giám đốc Văn phòng liên lạc Hồng Kông Lạc Huệ Ninh. Ông Lạc nói bản thân không có một xu nào ở nước ngoài, và có thể ông ta sẽ gửi 100 đô-la sang Mỹ để đóng băng. Sự đáp trả này tỏ ý rằng lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ không có hiệu quả với họ.
Giám đốc điều hành của Radio Media Vancouver Hà Lương Mậu (He Liangmao) cho hay, với tư cách là nhân vật chính trị quan trọng nhất ở Hồng Kông, bà Lâm lại dùng những ngôn từ như của học sinh tiểu học đang giận dỗi để phản ứng lại lệnh trừng phạt, hoàn toàn không có sự rộng lượng và hòa nhã mà nhà quản lý của trung tâm tài chính cần có khi đối mặt với thế giới.
Theo ông Hà, phát ngôn của Lạc Huệ Ninh càng khôi hài hơn, hoàn toàn không logic, không có khái niệm về giá trị phổ quát và hiểu biết căn bản mang tính quốc tế.
Ông Hà chỉ ra: “Thứ nhất, bạn gửi 100 đô-la đến Mỹ bằng cách nào? Nếu gửi tiền mặt qua đường bưu điện thì chính là hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai, nếu không có tài khoản ở Mỹ thì làm cách nào để có thể viết séc? Đúng không? Hoàn toàn không có chút logic nào hết”.
Ông Đổng Lập Văn, thành viên cố vấn chiến lược của Đài Loan cho rằng, các quan chức Trung Cộng và Hồng Kông đã không khôn ngoan khi có thái độ thách thức Tổng thống Trump vào thời điểm này. Bởi lẽ, sự khiêu khích đó sẽ càng thúc đẩy Hoa Kỳ thuyết phục Liên minh tình báo Five Eyes, thậm chí, càng nhiều đồng minh tham gia hành động. Việc bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu thông qua nước đồng minh chính là một ví dụ cho việc này.
Ông Đổng bày tỏ: “Các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump có sức răn đe vô cùng to lớn đối với Trung Cộng. Nói đơn giản, Trung Cộng luôn đáp trả rằng hành động này của Mỹ chỉ là bắn súng không đạn, và không có lực sát thương. Trên thực tế, chính quyền Trump sẽ làm mọi thứ có thể để mở rộng phạm vi trừng phạt của mình”.
Uy lực của Mỹ khi ra chế tài trừng phạt
Ngày 8/8, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), từng giữ chức Tổng thư ký của đảng dân chủ Demosistō (Hương Cảng chúng chí), đã liên tiếp đăng tải trên Facebook cá nhân hai bài viết liên quan tới việc các quan chức Hồng Kông có quốc tịch hoặc tài sản ở nước ngoài. Trong đó, Hoàng Chi Phong dự đoán việc Mỹ tuyên bố áp lệnh trừng phạt sẽ gây ra “hiệu ứng domino” giữa các quốc gia, tức là các quốc gia khác sẽ tiếp nối Mỹ áp chế tài. Anh cũng đăng tải danh sách gồm hơn 10 quan chức cao cấp của Hồng Kông có quốc tịch hoặc tài sản ở nước ngoài.
Nhiều kênh truyền thông Hồng Kông cũng đưa tin, chồng và hai con trai của bà Lâm đều mang quốc tịch Anh, và con trai thứ của bà hiện vẫn đang học tiến sĩ toán học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ; mặt khác, chồng của Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa đang kinh doanh một công ty xây dựng lớn, có các đơn đặt hàng và cổ phần của công ty Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhân vật quan trọng trong giới chính trị của Anh và Mỹ. Ông Cory Gardner, Chủ tịch Ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rubio, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pat Toomey đều hoan nghênh chế tài này của chính phủ Trump.
Ông Benedict Rogers, lãnh đạo đương nhiệm đảng Bảo thủ kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Anh, cũng biểu thị sự tán thành và ủng hộ động thái này của Mỹ trên Twitter, và bày tỏ quan điểm: “Nước Anh cũng nên viện dẫn các biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky”.
Ông Đổng Lập Văn cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ có tác dụng răn đe đối với các quan chức bị chế tài mà còn có tác dụng răn đe đối với Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Cộng, thậm chí còn thúc đẩy sự chia rẽ nội bộ của họ.
Ông Đổng nói thêm: “Dù là vấn đề Trung-Mỹ hay vấn đề Hồng Kông, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tập Cận Bình. Với lệnh trừng phạt này, những quan chức hành pháp bị chế tài, còn những quan chức ra quyết định lại không bị chế tài, điều này sẽ hối thúc các quan chức của Trung Cộng và tất cả mọi người cần phải cân nhắc xem có nên cắt đứt với Tập Cận Bình hay không. Tôi thấy đây là một hiệu ứng khác, một hiệu ứng tương đối quan trọng”.
Về vấn đề này, La Quán Thông (Nathan Law), cựu chủ tịch đảng Demosistō, đang sống lưu vong ở Anh nói rằng hiệu lực của biện pháp trừng phạt của Mỹ hoàn toàn không thể chỉ dùng một câu “Tôi không có tài sản ở Mỹ” là có thể nhẹ nhàng thoát được. Anh tin rằng những quan chức bị trừng phạt sẽ bị thiệt hại không nhỏ, nhẹ thì bị đóng băng tài sản ở tất cả các ngân hàng, nặng thì không một ngân hàng/tổ chức tài chính nào phục vụ họ.
Điểm chú ý nhất là khi Mỹ thực hiện bước thứ hai của “Đạo luật Tự trị Hồng Kông”, chế tài ngân hàng. Ông Trump ký “Đạo luật Tự trị Hồng Kông” hôm 14/7, trong đó yêu cầu trong 90 ngày Ngoại trưởng Mỹ phải đưa ra danh sách chế tài cá nhân, nhưng chỉ trong 3 tuần thì đã có danh sách đầu tiên, so với dự kiến còn nhanh hơn nhiều. Trong đạo luật quy định sau khi danh sách chế tài cá nhân đầu tiên được đưa ra, trong 60 ngày phải đưa ra danh sách các ngân hàng có liên quan tới những cá nhân hoặc cơ cấu bị chế tài, không cho những ngân hàng này có giao dịch với hệ thống tài chính của Mỹ. Hiện giờ có thể sẽ không cần đến 60 ngày.
Mặc dù Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Lạc Huệ Ninh hiện giờ vẫn còn nói cứng, rằng chúng tôi không có tài sản ở Mỹ, không có gì mà đóng băng. Không biết rốt cuộc họ có bao nhiêu tài sản ở nước ngoài, họ không có tài sản ở nước Mỹ cũng không sao, bước thứ hai của Mỹ mới là chiêu lớn. Nếu họ có tài sản ở Singapore, Anh Quốc, Australia cũng đủ rồi. Bởi vì các ngân hàng ngoài nước Mỹ làm ăn với các vị cũng có thể sẽ bị nước Mỹ chế tài, nên cũng sẽ gạt họ ra ngoài. Cho dù họ để tiền ở ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, chỉ cần họ cần dùng đến giao dịch USD, là nước Mỹ có thể chế tài được họ. Trên phương diện tài chính này thì ngay cả tổ quốc của họ cũng không làm hậu thuẫn cho họ được, cũng sẽ đẩy họ ra, làm vật hy sinh cho quốc gia.
Do vậy sau này họ chỉ có thể dùng tiền mặt để giao dịch. Bởi vì không chỉ ngân hàng, ngay cả Paypal, thẻ Visa, thẻ Master 2 cũng không dùng được, vì nếu những dịch vụ này có giao dịch tài chính với họ, thì cũng có thể chịu chế tài nếu Mỹ tra ra được. Do vậy đối với tất cả tài sản còn chưa bị đóng băng, nếu muốn tìm một nơi nào đó để tồn trữ, thì chỉ có thể đi đến Iran, Bắc Hàn mà mua nhà, hoặc là đào hầm trong nhà mà chôn tiền xuống.
Sức tấn công tài chính của Mỹ so với sức tấn công quân sự của họ đều là có thể bao phủ toàn cầu. Khi họ chế tài tài chính thì mới cho thấy uy lực của họ, mà bước này có thể nói rất có khả năng sẽ đến sớm.
Biên dịch: Hạo Nhiên