Hoa Kỳ: Tòa án hạn chế khả năng đệ đơn kiện chống lại các bản đồ địa hạt bầu cử Quốc hội dựa trên chủng tộc
Một tòa phúc thẩm liên bang đã giáng một đòn mạnh vào khả năng khởi kiện của các cá nhân và nhóm tư nhân đối với các bản đồ địa hạt bầu cử Quốc hội sử dụng lý do phân biệt chủng tộc.
Một tòa phúc thẩm liên bang đã ban hành một phán quyết quan trọng, cấm các công dân và tổ chức tư nhân đệ đơn kiện theo một mục của Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA) đã được sử dụng rộng rãi để đặt ra những thách thức pháp lý đối với các quy trình tái phân chia địa hạt bầu cử với lý do phân biệt chủng tộc.
Trong một phán quyết có tỷ lệ 2 phiếu thuận-1 phiếu chống, Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 8 đã ra phán quyết hôm 20/11 rằng chỉ chính phủ liên bang mới có thể đệ trình các khiếu kiện pháp lý theo Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử, giữ nguyên phán quyết trước đó của thẩm phán tiểu bang Arkansas rằng các công dân đơn lẻ hoặc các nhóm dân quyền không thể khởi kiện theo Mục 2.
Phần lớn các vụ kiện cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc được đệ trình theo Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử được thực hiện bởi các cá nhân và nhóm tư nhân không đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ.
Về mặt pháp lý, khả năng khởi kiện của các tổ chức phi chính phủ được gọi là “quyền hành động tư nhân”, hay còn được gọi là “lý do hành động tư nhân.”
Tháng 02/2022, Thẩm phán Địa hạt liên bang Lee Rudofsky, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã ra phán quyết rằng chỉ Bộ Tư pháp (DOJ) mới có thể đệ trình các vụ kiện theo Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử. Đó là các vụ kiện mà các cơ quan tư nhân đã đệ trình trong nhiều thập niên với tiền đề là các hành động như tái phân chia địa hạt bầu cử hoặc các quy trình bầu cử khác tước quyền bầu cử của cử tri người Mỹ gốc Phi Châu.
Phán quyết của ông Rudofsky đã bị kháng cáo, dẫn đến phán quyết được ban hành hôm 20/11 nhằm cấm “quyền hành động tư nhân” liên quan đến Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử ở bảy tiểu bang thuộc thẩm quyền của Tòa Phúc thẩm Khu vực 8.
“Trong phần lớn nửa thế kỷ qua, các tòa án đã cho rằng [Mục 2] có thể được thi hành gho tư nhân. Một nghiên cứu sâu hơn đã tiết lộ rằng giả định này dựa trên nền tảng yếu ớt,” Thẩm phán David Stras, một người được ông Trump bổ nhiệm, đã viết bản ý kiến đa số. Sau đó Thẩm phán Raymond Gruender, người được cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm đã cùng quan điểm với ông.
Chánh án Tòa Khu vực, ông Lavenski Smith, cũng là người được ông Bush bổ nhiệm, đã có quan điểm bất đồng với quan điểm trên.
“Cho đến khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết hoặc Quốc hội sửa đổi quy chế, tôi sẽ tuân theo tiền lệ hiện hành để cho phép công dân tìm kiếm biện pháp tư pháp. Các quyền căn bản đối với quyền tự quản và quyền công dân không nên chỉ phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chính phủ hoặc khả năng được bảo vệ sẵn có của họ,” ông Smith viết.
Trong khi toàn bộ khu vực thứ 8 có thể được yêu cầu xem xét lại phán quyết của ba vị thẩm phán này, một số nhà quan sát pháp lý kỳ vọng rằng vụ kiện sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Những thông tin khác
Vụ việc bắt nguồn từ một thách thức pháp lý được chi nhánh Arkansas của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người Mỹ gốc Phi Châu (NAACP) và Ban Chính sách công Arkansas về bản đồ địa hạt bầu cử Hạ viện tiểu bang Arkansas đưa ra vào năm 2021, trong đó các nguyên đơn lập luận rằng kế hoạch tái phân chia địa hạt bầu cử do Đảng Cộng Hòa đề ra đã làm suy yếu quyền bầu cử của người Mỹ gốc Phi Châu.
Các tuyên bố về việc làm loãng phiếu bầu do chủng tộc thường được đưa ra dựa trên tiền đề rằng những người vẽ bản đồ bầu cử đã gộp số lượng các cử tri thiểu số của một tiểu bang nhất định thành một con số nhỏ của các địa hạt và sau đó lại đưa con số này vào trong tổng số chung với các địa hạt khác nhằm làm suy yếu quyền bỏ phiếu nói chung của nhóm cử tri thiểu số này.
Trong vụ kiện ở Arkansas, các nguyên đơn tuyên bố rằng có thể rút đi thêm năm địa hạt bầu cử Hạ viện có đa số người Mỹ gốc Phi Châu trên toàn tiểu bang để phản ánh chính xác hơn dân số người Mỹ gốc Phi Châu của tiểu bang này.
Cụ thể, vụ kiện này trích dẫn dữ liệu điều tra dân số năm 2020 cho thấy 16.5% dân số Arkansas là người Mỹ gốc Phi Châu nhưng chỉ có 11 trong số 100 địa hạt bầu cử Hạ viện của tiểu bang này trong kế hoạch tái phân chia địa hạt bầu cử do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo là các địa hạt có đa số là người Mỹ gốc Phi Châu.
Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử, nhằm bảo vệ chống lại việc làm loãng phiếu bầu dựa trên chủng tộc, đã được các cá nhân và nhóm tư nhân tận dụng rộng rãi để chống lại các bản đồ địa hạt bầu cử liên bang, tiểu bang, và địa phương.
Nhưng với phát quyết hôm 20/11, Tòa án khu vực 8 đã phán quyết rằng không có “quyền hành động tư nhân” đối với Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử.
Phán quyết này đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều, trong đó một số người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống lên X để kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử. Một số người lập luận rằng điều khoản này được áp dụng vì lợi ích của mọi chủng tộc ngoại trừ người da trắng.
Những người khác, trong đó cả nhóm thiên tả Democracy Docket, đã bày tỏ sự phản đối đối với phán quyết hôm 20/11 chống lại “quyền hành động tư nhân” này.
“Đây là một phán quyết tệ hại và sẽ ảnh hưởng đến khả năng của các tổ chức trong việc sử dụng Mục 2 để bảo vệ cử tri khỏi sự phân biệt chủng tộc khi cử tri đi bỏ phiếu ở tất cả các tiểu bang thuộc quyền tài phán của Tòa Khu vực 8 như Arkansas, Iowa, Minnesota, Missouri, Nebraska, North Dakota, và South Dakota,” tài khoản của Democracy Docket viết trong một bài đăng trên X.
Ông Nicholas Stephanopoulos, giáo sư Trường Luật Harvard, cũng phản đối phán quyết này.
“Sự trắng trợn của phán quyết này đã đạt đến một cấp độ hoàn toàn khác,” ông viết trong một bài đăng trên X. “Thế còn hàng ngàn đương sự đã đệ trình các vụ kiện theo Mục 2? Và hàng ngàn tòa án đã phán quyết những vụ kiện này thì sao? Bằng cách nào đó, tất cả họ đều bỏ sót điều mà hai thẩm phán này cuối cùng đã nhìn thấy một cách xuẩn ngốc.”
Vụ kiện dự kiến sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, nơi gần đây đã ra phán quyết ủng hộ vụ kiện Mục 2 do các cơ quan tư nhân đưa ra nhằm thách thức pháp lý đối với bản đồ địa hạt bầu cử của Alabama.
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết vào ngày 08/06 để khẳng định phán quyết của tòa án địa hạt rằng bản đồ địa hạt bầu cử của Alabama được hoạch định vào năm 2021 có thể vi phạm Mục 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử, yêu cầu tiểu bang này hoạch định lại bản đồ địa hạt bầu cử của mình để thêm một địa hạt có đa số người Mỹ gốc Phi Châu.
Đồng thời, Tối cao Pháp viện bác bỏ cách tiếp cận “trung lập về chủng tộc” của Alabama đối với vụ kiện Mục 2, về căn bản khẳng định rằng chủng tộc có thể được xem xét trong quá trình tái phân chia địa hạt bầu cử.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times