Hoa Kỳ tìm cách kết nối Âu Châu và Á Châu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Theo cố vấn cao cấp khu vực Á Châu của Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực điều phối khuôn khổ kinh tế và khuôn khổ an ninh mới giữa các đối tác của họ tại các quốc gia Âu Châu và Á Châu trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự quyết đoán.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên đảm trách các vấn đề trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc cho biết: “Một trong những đóng góp quan trọng của cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và vững chắc là phối hợp một cách căn bản hơn với các đồng minh và đối tác.”
Ông Campbell đã trình bày tại một hội nghị chung về các cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn ra hôm 09/05 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng như Trung tâm Chiến lược, Ngoại giao và An ninh của Đại học Tự do Brussel chủ trì.
Đề cập đến tương lai của vấn đề hợp tác quốc tế trên toàn thế giới, ông Campbell nói rằng đã có một “sự bùng nổ đối thoại” giữa các đối tác cả trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và rằng các khuôn khổ mới đang được phát triển dựa trên “các quan điểm chiến lược chung.”
Cuối cùng, ông nói rằng các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách kết giao với Âu Châu, thậm chí là các quốc gia Âu Châu cũng đang tìm cách thu hút các đối tác mới trên khắp Á Châu, và giới lãnh đạo quốc tế ở khắp mọi nơi đang trao đổi thông tin về cuộc chiến ở Ukraine để giảm thiểu tốt hơn sự bùng nổ các cuộc khủng hoảng tương tự ở Thái Bình Dương.
Ông Campbell nói: “Tôi rất ấn tượng về mức độ quan tâm [từ] các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với các vấn đề liên quan đến Ukraine và Âu Châu.
“Những gì chúng ta đã đang chứng kiến không phải là những nỗ lực được điều phối hay được chỉ thị từ Hoa Kỳ. Họ là người bản địa và xét ở nhiều khía cạnh, họ đã sống cuộc đời của chính họ.”
Ông nói các nỗ lực đó bao gồm hợp tác thực thi các lệnh trừng phạt loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, và các biện pháp cung cấp các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế, cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.
Ông Campbell cho biết “các cuộc thảo luận sâu sắc” đang diễn ra nhằm tìm cách kết nối các nỗ lực của Âu Châu và Á Châu để tham gia cùng với các đối tác trên các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, và các vấn đề quân sự.
Ông nói, những nỗ lực như vậy ngày càng quan trọng trước những lo ngại về an ninh ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn hung hăng hơn khi họ cố gắng biến đổi khu vực này và trật tự quốc tế một cách rộng rãi hơn, để phù hợp hơn với khát vọng của chính họ.
Do đó, ông Campbell cho rằng Hoa Kỳ đang thảo luận với các đối tác trong khu vực liên quan đến thỏa thuận an ninh gần đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, cũng như nỗ lực duy trì hiện trạng với Đài Loan trong bối cảnh ĐCSTQ tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo này với Đại lục.
Ông nói: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đối với hòa bình và ổn định tại khu vực Eo biển Đài Loan.”
ĐCSTQ khẳng định rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc mặc dù Đài Loan đã độc lập từ năm 1949 và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Nhìn chung, ông Campbell xem cái gọi là sự xoay trục của Hoa Kỳ sang khu vực Thái Bình Dương, không phải là một chuyển động tách rời khỏi quan hệ với Âu Châu, mà là cùng với họ và hướng tới việc kiềm chế khả năng phóng chiếu sức mạnh ngày càng tăng của ĐCSTQ.
Để đạt được mục tiêu đó, gần đây, giới lãnh đạo NATO đã tuyên bố rằng khái niệm chiến lược sắp tới của họ, văn kiện có ảnh hưởng lớn thứ hai đối với liên minh ngoài hiến chương thành lập, lần đầu tiên sẽ xem “sự trỗi dậy của Trung Quốc” là một mối đe dọa chiến lược. Và sau đó, Tổng thống Joe Biden sẽ chuẩn bị để đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hoa Thịnh Đốn lần đầu tiên vào mùa Xuân tới.
Tất cả những điều này phản ánh niềm tin ngày càng tăng rằng khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương sẽ quyết định quỹ đạo của trật tự toàn cầu trong những thập niên tới, ông Campbell nói.
Ông trình bày thêm: “Những thách thức lớn hơn, căn bản hơn cho thế kỷ 21 thực sự nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
“Trách nhiệm lớn nhất của tôi là phải bảo đảm rằng các khuôn khổ chiến lược nhận được sự đồng thuận hơn từ giới lãnh đạo ở Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ.”
Hiện tại, dường như người dân Mỹ đang ủng hộ rộng rãi đối với sự đồng thuận này bởi vì cả giới lãnh đạo chính trị và công chúng nói chung đều không ưa gì chính quyền cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh nước này thực hiện vô số vụ gián điệp. Một dự luật gần đây được Hạ viện thông qua sẽ pháp điển hóa cáo buộc của Hoa Kỳ rằng ĐCSTQ đồng lõa với tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraine. Hơn nữa, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 82% người dân Mỹ không có cái nhìn thiện cảm đối với Trung Quốc.
Vì vậy, ông Campbell cho rằng “ý thức mạnh mẽ về cam kết của lưỡng đảng” trong việc phát triển các khuôn khổ mới cho việc can dự trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những năm tới đang hiện hữu. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là liệu sự hỗ trợ đó có thể được duy trì hay không, ông nói thêm.
Ông Campbell nói: “Việc thiết lập những khuôn khổ đó sẽ rất cần thiết theo thời gian.”
“Tôi nghĩ đây là một trong những thời điểm mà chúng ta có được sự đồng thuận hiếm hoi và điều quan trọng hơn hết là phải nắm lấy khoảnh khắc này.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: