Hoa Kỳ tìm cách giúp Đài Loan tham gia vào hệ thống LHQ, khi Bắc Kinh sắp sửa đánh dấu ngày kỷ niệm trọng thể
Hôm 22/10, Hoa Kỳ và Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp cao cấp về việc mở rộng sự tham gia của hòn đảo này tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, vài ngày trước khi Bắc Kinh dự định tổ chức đánh dấu lễ kỷ niệm 50 năm mà nhà cầm quyền này đại diện cho Trung Quốc tại cơ quan toàn cầu này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm 23/10 rằng cuộc họp trực tuyến ngày 22/10 với Bộ Ngoại giao Đài Loan tập trung vào việc “hỗ trợ cho năng lực tham gia một cách có ý nghĩa tại Liên Hiệp Quốc của Đài Loan”.
“Các đại diện của Hoa Kỳ nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đối với sự tham gia một cách có ý nghĩa của Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới và Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, đồng thời thảo luận về các phương thức để làm nổi bật khả năng của Đài Loan trong việc đóng góp vào các nỗ lực trong một loạt các vấn đề”, bản tuyên bố viết.
Đài Loan, sử dụng tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã rút lui khỏi Liên Hiệp Quốc vào ngày 25/10/1971, khi đó quốc gia này đã bị loại khỏi [Liên Hiệp Quốc] với tư cách là đại diện của Trung Quốc, thay vào đó LHQ đã khôi phục quyền lợi hợp pháp của chế độ cộng sản [Trung Quốc].
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) bắt đầu sự cai trị độc đảng của mình ở đại lục vào năm 1949, khi [Trung Cộng] giành được chiến thắng trong Nội chiến Trung Quốc, buộc chính phủ Quốc dân Đảng phải dời sang Đài Loan.
Trung Cộng kể từ đó đã tuyên bố hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình, sẽ bị chiếm lại bằng vũ lực nếu cần thiết. Nhà cầm quyền này cũng tuyên bố rằng họ có quyền độc nhất để đại diện cho Đài Loan trên trường quốc tế — một tư cách vốn đã bị Đài Bắc phản đối kịch liệt.
Do đó, chính quyền Trung Quốc đã ráo riết tìm cách loại trừ sự tham gia của Đài Loan khỏi các cơ quan quốc tế. Kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm Đài Loan tham gia với tư cách là quan sát viên trong cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Đài Loan đã bày tỏ lòng biết ơn đối với “cam kết và sự hỗ trợ lâu dài, vững như bàn thạch” của chính phủ Hoa Kỳ trong một tuyên bố khác được công bố vào hôm 24/10.
Mặc dù Hoa Kỳ không có liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng nước này là một trong những đồng minh trung thành nhất cũng như nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của hòn đảo này. Hoa Thịnh Đốn cũng có một chính sách lâu đời đối với hòn đảo này được gọi là “sự mơ hồ trong chiến lược”, có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ đã đang cố tình [tỏ ra] mập mờ về việc liệu họ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược hay không.
Chính sách này đã bị đặt nghi vấn khi Tổng thống Joe Biden nói với CNN tại một sự kiện tại tòa thị chính vào hôm 21/10 rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu chính quyền Trung Quốc tấn công.
Tòa Bạch Ốc đã làm rõ vào hôm 22/10 rằng TT Biden “không có ý định truyền đạt một sự thay đổi trong chính sách, cũng như không đưa ra quyết định thay đổi chính sách của chúng tôi”.
Lo ngại về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Cộng đã gia tăng trong tháng này, sau khi nhà cầm quyền này điều gần 150 phi cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong vòng bốn ngày liên tiếp.
Vào trước Ngày Độc lập của Đài Loan hôm 10/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái lập lời thề rằng Đài Loan “phải” và “dứt khoát” sẽ được “thống nhất” với đại lục.
Hôm 22/10, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cho hay ông Tập dự kiến sẽ có một bài diễn văn khác vào hôm 25/10 để đánh dấu 50 năm sự hiện diện của Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: