Hoa Kỳ tiếp tục xem Việt Nam là ‘nền kinh tế phi thị trường’
Hôm 02/08, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng nhà nước Việt Nam vẫn can thiệp sâu vào mọi phương diện của nền kinh tế.
Quyết định này được xem là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất cảng sang Mỹ, vốn là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam cho biết “lấy làm tiếc” về quyết định này của phía Hoa Kỳ.
Hiện nay, có 12 quốc gia được Hoa Kỳ xem là ‘nền kinh tế phi thị trường.’
Trước đó, từ năm 2002, Hoa Kỳ phân loại nền kinh tế Việt Nam là ‘phi thị trường’ do sự can thiệp của nhà nước vào thương mại, giá cả, và tiền tệ.
Và trong suốt 20 năm qua, Việt Nam vẫn chưa ra khỏi danh sách này. Do đó, Việt Nam phải chịu những biện pháp thuế quan chống bán phá giá, cùng các rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói rằng nếu Tòa Bạch Ốc không cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam thì “sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết trong một tuyên bố, rằng việc phân loại Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường không mang tính trừng phạt. Việc duy trì nguyên trạng đối với các vụ kiện chống bán phá giá chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% hàng xuất cảng của Việt Nam sang nước này.
Và Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục tham gia vào các bước mà Việt Nam có thể thực hiện trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đạt được quy chế theo luật pháp Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục thuyết phục Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quyết định này.
Băng Băng tổng hợp