Hoa Kỳ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc sau khi ông Tập cảnh báo chống lại ‘tâm lý chiến tranh lạnh’
Tòa Bạch Ốc đã phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc để đáp lại bài diễn văn trước đó của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kêu gọi các nước gạt bỏ “định kiến về ý thức hệ” và “loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời” trong nỗ lực chống lại các thách thức toàn cầu.
“Những lời bình luận đó chẳng thay đổi được điều gì,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo hôm 25/01. “Cách tiếp cận của chúng tôi đối với Trung Quốc vẫn như những tháng trước, nếu không muốn nói là lâu hơn.”
Bà cho biết chính phủ mới sẽ tìm cách đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc bằng các biện pháp của riêng mình và nói thêm rằng việc này nhằm mục đích “đóng vai trò phòng thủ tốt hơn,” bao gồm cả việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng của nước này, cùng với bảo vệ dữ liệu và duy trì lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ.
“Những gì chúng ta đã chứng kiến trong vài năm vừa qua là Trung Quốc đang trở nên ngày càng độc tài hơn ở trong nước và cứng rắn hơn trên trường quốc tế, và giờ đây Bắc Kinh đang thách thức nền an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta theo những cách thức nghiêm trọng đòi hỏi một cách tiếp cận mới từ Hoa Kỳ,” bà nói.
Trong một bài phát biểu tại sự kiện trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trước đó hôm 25/01, ông Tập—trong lần phát biểu đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức—đã báo hiệu rằng Bắc Kinh không có ý định thay đổi đường lối ngoại giao trong tương lai gần, bất kể áp lực từ bên ngoài như thế nào.
Mặc dù ông Tập đã đưa ra những tuyên bố chung chung, không đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng các bình luận của ông dường như xoay quanh các chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc được thiết lập dưới thời chính phủ tiền nhiệm của cựu TT Trump, bao gồm chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt được áp đặt để giải quyết vấn đề trộm cắp công nghệ của Trung Quốc và lời kêu gọi giảm thiểu sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nền sản xuất của nước này từ các quan chức xứ sở cờ hoa.
“Việc đối đầu sẽ dẫn chúng ta vào ngõ cụt,” ông Tập nói và nhấn mạnh rằng hai bên “không nên quay lại con đường của quá khứ.” Ông cũng kêu gọi cam kết đa phương, nói rằng các quốc gia phải “tránh can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác” và ưu tiên cho các vấn đề như phục hồi từ ảnh hưởng của đại dịch và biến đổi khí hậu.
“Xây dựng các vòng quan hệ nhỏ hoặc bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, từ chối, đe dọa hoặc uy hiếp nước khác; cố tình áp đặt việc tách riêng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt; và tạo ra sự cô lập hoặc xa lánh sẽ chỉ đẩy thế giới đến chia rẽ và thậm chí là đối đầu.”
Giới chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục gán cho Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây là có tâm lý “chiến tranh lạnh” vì các chính sách gây bất lợi cho chế độ này.
Ông Tập đã không cố gắng đáp lại những lời chỉ trích ngày càng gia tăng của quốc tế về vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng và sự thiếu minh bạch của đảng này trong việc xử lý đại dịch COVID-19.
Theo nhà phân tích Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhận xét “trịch thượng” của ông Tập đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt so với thời TT Trump, thời điểm mà chế độ này thường sử dụng giọng điệu ôn hòa hơn. Ông Đường cho rằng điều này cho thấy Trung Cộng coi chính phủ TT Biden là một “đối thủ cạnh tranh yếu hơn.”
Thông qua những lời kêu gọi chủ nghĩa đa phương và “ủng hộ luật pháp quốc tế,” ông Tập đang cố gắng thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong trật tự quốc tế, ông Đường nói.
Ông Đường lưu ý rằng hôm 20/01, chỉ vài phút sau khi TT Biden nhậm chức, Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 28 quan chức của cựu TT Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Chế độ này cũng tiếp tục gây hấn quân sự đối với quốc đảo Đài Loan tự trị, xâm phạm khu vực phòng thủ của nước này bằng cách cử đi hàng chục chiến đấu cơ vào hôm 23/01 và 24/01—đây là cuộc xâm nhập quân sự có quy mô lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã nhiều lần đe dọa sẽ dùng vũ lực quân sự để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của Trung Cộng.
Trong khi chính phủ mới của Hoa Kỳ chỉ trích các hành động thù địch của Trung Quốc, thì ngôn từ trong lời tuyên bố mà theo đó ủng hộ “một giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển” lại truyền tải một thông điệp nhẹ nhàng hơn, ông Đường nhận định.
Ông Đường nói: “Truyền thông Đài Loan đã nói về điều gì trong suốt thời kỳ của cựu TT Trump? Đó là về việc khi nào Hoa Kỳ sẽ thiết lập quan hệ với Đài Loan. Còn bây giờ thì họ đang thảo luận về điều gì? Đó là về việc liệu Hoa Kỳ có đem lại sự bảo vệ [cho quốc đảo này] nữa hay không?—có một sự khác nhau một trời một vực” trong cảm xúc của mọi người [trước và sau thời chính phủ mới].
Eva Fu
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: