Hoa Kỳ tiếp nhận tòa nhà Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Ngày 24/7, các tình báo liên bang Hoa Kỳ và cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã tiến vào tòa nhà lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston thuộc bang Texas, ngay sau thời hạn mà chính quyền TT Trump đã ban hành để đóng cửa cơ quan này. Sáng sớm cùng ngày, Bắc Kinh cũng ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, như một hành động trả đũa rõ rệt.
Việc trục xuất diễn ra khi các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng quyết định ra lệnh đóng cửa cơ quan ngoại giao Trung Cộng ở Houston là “không phải ngẫu nhiên”.
Trước thời hạn trục xuất, cảnh sát Houston đã dựng rào chắn để đóng các con đường gần tòa nhà, tờ Chronicle cho hay.
The Associated Press đưa tin các nhân viên lãnh sự đã rời khỏi tòa nhà trong những chiếc xe van mang biển ngoại giao trước 4 giờ chiều. Ngay sau đó, các tình báo liên bang đã kiểm tra những cánh cửa bị khóa của lãnh sự quán, và một thợ khóa đã bắt tay vào việc phá khóa.
Trong khi đó, Reuters đưa tin một nhóm khoảng 100 người biểu tình phản đối Trung Cộng đã tập trung trên đường phố vào lúc diễn ra vụ trục xuất.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus, tuyên bố hôm 22/7 rằng lệnh đóng cửa lãnh sự quán là “để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Hoa Kỳ”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, TNS Marco Rubio, đã gọi cơ quan này là một “trung tâm gián điệp khổng lồ” của Trung Cộng, trong khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ- Mike Pompeo cáo buộc đây là “một trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ”.
Lo ngại về an ninh quốc gia, vụ việc ở Houston “không phải là điều ngẫu nhiên”
Một quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã trao đổi với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 24/7 rằng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có liên quan đến cuộc điều tra gian lận tại một tổ chức nghiên cứu ở Texas, và rằng quyết định của Hoa Kỳ “không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên”, khi nhắm trực tiếp vào lãnh sự quán này.
Quan chức DOJ này cho hay, “Các quan chức lãnh sự quán … đã trao đổi trực tiếp với các nhà nghiên cứu và hướng dẫn họ những thông tin cần thu thập”, đồng thời nói thêm rằng lãnh sự quán Houston nằm trong các tổ chức hỗ trợ thành viên của “kế hoạch ngàn nhân tài” của Trung Cộng, nhằm thúc đẩy việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là nơi chứa chấp các gián điệp Trung Quốc đang cố gắng đánh cắp dữ liệu từ các cơ sở ở Texas, bao gồm hệ thống y tế Texas A&M và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson của Đại học Texas ở Houston.
Quan chức DOJ nói rằng việc đóng cửa một lãnh sự quán “mà không đóng cửa mọi cơ sở” có dụng ý “truyền tải thông điệp tới các quan chức Trung Cộng khác rằng họ nên dừng ngay các hành động đó lại”.
“Các hoạt động gián điệp và thao túng vượt khỏi phạm vi của một lãnh sự quán rốt cuộc có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng ta”, quan chức DOJ này phát biểu. Sau đó bổ sung rằng “đã có sự gia tăng các hoạt động chống phá, tình báo trong suốt thời gian dài, cho đến khi giọt nước tràn ly, cũng là lúc ta phải chỉ ra kẻ tội đồ” và “chắc chắn không ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn lãnh sự quán Houston”.
Một quan chức tình báo cao cấp nói rằng hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ đang là mối quan tâm trọng yếu hiện nay.
“Chúng tôi thấy loại hành vi này đang diễn ra khắp nơi. Tuy nhiên cụ thể ở Houston, các hành vi trộm cắp khoa học và công nghệ của họ là đặc biệt quá trớn và đặc biệt thành công. Tôi cho rằng đó cũng là lý do vì sao chúng tôi lại nhắm vào Houston”, quan chức tình báo này nói với các phóng viên.
Trước đó, ngày 23/7, DOJ đã cáo buộc bốn nhà nghiên cứu Trung Quốc về hành vi cố tình che giấu mối quan hệ của họ với quân đội Trung Cộng.
Quan chức cao cấp DOJ nói rằng các cáo buộc trên chỉ ở mức “vi mô” so với một “mạng lưới rộng lớn các cá nhân đang hoạt động tại hơn 25 thành phố”.
“Mạng lưới đó được hỗ trợ thông qua các lãnh sự quán tại đây. Các lãnh sự quán đã và đang chỉ đạo các thành viên trong mạng lưới cách trốn tránh và cản trở cuộc điều tra của chúng tôi”, vị quan chức nói.
Quan chức DOJ đã công bố vào ngày 21/7 rằng hai tin tặc Trung Quốc đã bị truy tố vì hành vi đánh cắp các bí mật thương mại trị giá hàng triệu USD, các thông tin nhạy cảm khác từ các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, và hành vi cố ý đánh cắp các nghiên cứu về COVID-19.
Khoảng 80% các vụ truy tố gián điệp kinh tế mà DOJ đưa ra đều là những hành vi phạm tội nhằm phục vụ lợi ích cho Trung Cộng. Theo DOJ, bằng cách này hay cách khác, Trung Cộng có liên quan đến khoảng 60% tổng số các vụ trộm cắp bí mật thương mại.
Ivan Pentchoukov, Frank Fang và The Associated Press đã đóng góp cho bản tin này.
Tác giả: Mimi Nguyen Ly