Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc chấm dứt lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thực hiện các bước để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và tôn giáo ở Tân Cương được xác định trong một báo cáo thường niên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Theo báo cáo năm 2022 do Ủy ban Chuyên gia của ILO về việc Áp dụng các Công ước và Khuyến nghị công bố hôm 10/02, Trung Quốc đang sử dụng các trung tâm dạy nghề và phục hồi chức năng để “cải tạo chính trị” dựa trên việc giam giữ hành chính. Điều này đã nêu bật “một chương trình mở rộng và có hệ thống” liên quan đến việc sử dụng rộng rãi lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác cho nông nghiệp và các hoạt động công nghiệp trên khắp khu vực Tân Cương.
Trong khi làm việc bên ngoài khu vực này, “các công nhân [người Duy Ngô Nhĩ] không được tự do đi lại, bị giam giữ trong các ký túc xá, và phải sử dụng phương tiện vận chuyển có giám sát đến và đi từ nhà máy đó. Họ phải tuân theo các kỳ vọng sản xuất không thể thực hiện được và thời gian làm việc kéo dài,” báo cáo này viết.
“Về vấn đề trả lương, họ thường bị khấu trừ khiến cho tiền lương gần như chẳng còn gì,” ILO cho biết, khi trích dẫn một tổ chức công đoàn toàn cầu. Tổ chức này cũng đã kêu gọi Trung Quốc “xem xét, bãi bỏ, và sửa đổi các luật và các hành vi phân biệt đối xử về việc làm đối với các nhóm thiểu số chủng tộc và tôn giáo ở Tân Cương.”
Trong một thông cáo báo chí hôm 10/02, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hoan nghênh việc ban hành và thúc giục Trung Quốc thực hiện các bước theo yêu cầu của Ủy ban Chuyên gia này, khi nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt chế độ diệt chủng và các hành vi ngược đãi khác bao gồm lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương.
Báo cáo dài 870 trang (pdf) đã nêu chi tiết về các quan sát từ Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (ITUC) có trụ sở tại Brussels trong vài năm qua, và cáo buộc các vi phạm trên thực tế về quyền nghiệp đoàn ở một cấp độ quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.
Báo cáo này cho biết: “Khoảng 13 triệu thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tân Cương đang bị nhắm mục tiêu trên cơ sở dân tộc và tôn giáo của họ với mục đích kiểm soát xã hội và đồng hóa văn hóa và bản sắc của họ.”
Theo ITUC, Trung Quốc đã gọi hành động đàn áp của họ, tại các trại lao động cưỡng bức, nơi giam giữ khoảng 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người khác trong khu vực này là “xóa đói giảm nghèo,” “đào tạo nghề,” “cải tạo thông qua lao động,” và “xóa bỏ cực đoan.”
Bắc Kinh gọi người Duy Ngô Nhĩ là “những kẻ khủng bố cực đoan” và nhấn mạnh rằng những cáo buộc này đều mang tính “động cơ chính trị”.
Các phát hiện cho thấy những trại lao động như vậy đều là “trọng tâm của một chương trình nhồi sọ tập trung vào việc tách biệt và ‘thanh lọc’ các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khỏi văn hóa, tín ngưỡng, và tôn giáo của họ.” Chúng cũng “được đặc trưng bởi điều kiện sống khó nhọc, thiếu tự do đi lại, bị tra tấn về thể chất và tâm lý, đào tạo nghề bắt buộc, và lao động cưỡng bức trên thực tế.”
Theo ITUC, việc du lịch ngoại quốc, xin hộ chiếu, giao tiếp với những người ở ngoại quốc, hoặc thường xuyên cầu nguyện đều có thể dẫn đến việc đi tù.
Ngoài các trại giam, thì các nơi làm việc trên khắp Tân Cương và các vùng khác của đất nước này đã chứng kiến sự đối xử bất công đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm việc giám sát liên tục về thể chất và trực tuyến, thời gian làm việc kéo dài, thắt chặt tiền lương, và thiếu các quyền tự do lựa chọn.
Theo báo cáo này, đã có ít nhất 80,000 người Duy Ngô Nhĩ và những người lao động dân tộc thiểu số khác đã bị buộc phải di dời đến các nhà máy ở miền đông và miền trung Trung Quốc theo một kế hoạch chính thức có tên “Viện trợ Tân Cương.” Những người này bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, nếu không họ hoặc gia đình của họ sẽ bị trừng phạt bằng cách giam giữ.
Báo cáo này cho biết khi trích dẫn từ ITUC: “Nếu không có những chuyến lưu chuyển được sắp xếp một cách cưỡng chế này, thì người Duy Ngô Nhĩ sẽ không tìm được việc làm bên ngoài vùng Tân Cương, bởi vì ngoại hình của họ sẽ dẫn đến các cuộc điều tra của cảnh sát.”
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình này, Chính quyền này ưu đãi và miễn thuế cho các doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng những người bị giam giữ; tiền trợ cấp được cấp để khuyến khích các công ty do Trung Quốc làm chủ đầu tư và xây dựng các nhà máy ở gần hoặc nằm trong các trại tập trung; và tiền bồi thường được cung cấp cho các công ty để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển và tuyển dụng lao động người Duy Ngô Nhĩ ở bên ngoài Khu vực của người Duy Ngô Nhĩ.”
Chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị các quốc gia và nhóm nhân quyền, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ trước đây và hiện tại, và các nghị viện của Anh Quốc, Canada, Hà Lan, Lithuania, Bỉ, và Cộng hòa Séc, định danh là một “tội diệt chủng”.
The Epoch Times đưa tin, tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã “đặt ra các hạn chế thương mại và đầu tư đối với hàng chục tổ chức của Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc vũ khí hóa công nghệ sinh học và các cải tiến khác của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ quân đội Trung Quốc và nâng cao tình trạng vi phạm nhân quyền của họ.”
Theo tuyên bố hôm thứ Năm (10/02), Hoa Thịnh Đốn sẽ sát cánh và làm việc với các đồng minh của mình để chấm dứt nạn lao động cưỡng bức và tăng cường hành động quốc tế để lên án tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra ở vùng Tân Cương.
Ủy ban của ILO, một cơ quan độc lập bao gồm 20 chuyên gia pháp lý cao cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế, đang xem xét việc áp dụng các Công ước của ILO, các Nghị định thư, và Khuyến nghị của các quốc gia thành viên.
Năm 19194, Trung Quốc đã gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc này với tư cách là một trong những quốc gia thành viên sáng lập.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: