Hoa Kỳ thu hút ánh đèn dư luận vào báo cáo ngăn ngừa tội ác diệt chủng ở Tân Cương
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý đến “tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người” đang tiếp diễn của Bắc Kinh ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc trong một báo cáo thường niên của Quốc hội được công bố hôm thứ Hai (12/07).
Báo cáo năm 2021 về ngăn ngừa tội diệt chủng và các hành vi tàn bạo nhấn mạnh Trung Quốc cộng sản là “Quốc gia Đặc biệt Đáng lo ngại” về “tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ, vốn chủ yếu là người Hồi giáo, và các thành viên của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác ở Tân Cương.”
Báo cáo này cho biết: “Các tội ác chống lại loài người bao gồm giam giữ, tra tấn, cưỡng bức triệt sản và bức hại.”
Báo cáo Quốc hội căn cứ theo Đạo luật Ngăn ngừa Diệt chủng và Các Hành vi Tàn bạo Elie Wiesel năm 2021 đã được Ngoại trưởng Antony Blinken công bố.
Lần đầu tiên, báo cáo năm nay nêu chi tiết về sáu quốc gia cụ thể đã xảy ra nạn diệt chủng, trong đó có Miến Điện, Ethiopia, Trung Quốc và Syria.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (12/07), Quyền Trợ lý Bộ trưởng Cục Điều hành Xung đột và Ổn định Robert Faucher cho biết, “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là … phanh phui những hoạt động này. Đó là một trong những cách tốt nhất để ngăn chúng tái diễn trong tương lai. Và do đó, báo cáo này nhằm đưa những hành vi bất hảo ra ánh sáng mà chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn được.”
Báo cáo cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những tội ác này thông qua kiểm soát xuất cảng, hạn chế thị thực và các biện pháp trừng phạt.
Hồi tháng 07/2020, hai tổ chức chính phủ và sáu quan chức chính phủ đương nhiệm hoặc cựu quan chức đã bị trừng phạt vì dính líu đến vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương. Hồi tháng 03/2021, hai quan chức khác đã được thêm vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Anh Quốc và Canada.
Hoa Kỳ đã đặt thêm các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Trung Cộng “được tin là chịu trách nhiệm cho, hoặc đồng lõa trong” các tội ác đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.
Báo cáo đề cập rằng Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng sáu loại hàng hóa từ Tân Cương vì sử dụng lao động cưỡng bức, cấm “nhập cảng tất cả các sản phẩm bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) cũng như tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương.”
24 tổ chức Trung Quốc có liên can đến vi phạm nhân quyền đã được thêm vào Danh sách Tổ chức của Bộ Thương mại, phải tuân theo các yêu cầu giấy phép cụ thể đối với việc xuất cảng, tái xuất cảng và/hoặc chuyển giao (trong nước) các mặt hàng cụ thể.
“Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ mà chúng tôi hiện có, bao gồm ngoại giao, hỗ trợ ngoại quốc, các cuộc điều tra trong các nhiệm vụ tìm hiểu sự thật, các công cụ và cam kết tài chính, cũng như các báo cáo như thế này, vốn giúp nâng cao nhận thức và cho phép chúng tôi tạo ra áp lực và sự ứng phó phối hợp của quốc tế,” ông Blinken nói về bản báo cáo được phát hành hôm thứ Hai.
Đạo luật Ngăn ngừa Diệt chủng và Các Hành vi Tàn bạo Elie Wiesel đã được thông qua dưới thời chính phủ ông Trump vào năm 2018 với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, xác định việc phòng chống và ứng phó với hành vi tàn bạo là một lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ nhằm thể chế hóa sự phối hợp liên ngành.
Hôm 07/07, ông Blinken đã nói chuyện với một nhóm người Duy Ngô Nhĩ trong một cuộc họp trực tuyến để lắng nghe những câu chuyện trực tiếp “về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Tân Cương.”
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung, được chế độ cộng sản này mô tả là “trường đào tạo nghề.” Trung Cộng đã có những nỗ lực dài hơi để gây khó khăn cho việc tiến hành các cuộc điều tra độc lập.
Do Dorothy Li thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: