Hoa Kỳ thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới cấm nhập cảng hàng xuất xứ từ Tân Cương
Hôm 16/12, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, do lo ngại về lao động cưỡng bức. Dự luật hiện đang được chuyển tới Tòa Bạch Ốc, nơi Tổng thống (TT) Joe Biden đã nói rằng ông sẽ ký thành luật.
Hành động này bổ sung cho một loạt hành động của chính phủ TT Biden nhằm buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hoạt động đàn áp của họ ở Tân Cương, mà Hoa Thịnh Đốn coi là tội ác diệt chủng. Toàn thể Thượng viện đã đồng thuận thông qua Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ hai ngày sau khi Hạ viện thống nhất thông qua dự luật này với một cuộc bỏ phiếu biểu quyết bằng lời.
Đạo luật này nhanh chóng được Quốc hội thông qua trong tuần này sau khi các nhà lập pháp đồng ý về một thỏa hiệp nhằm loại bỏ sự khác biệt giữa các phiên bản dự luật được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện.
Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ trong lưỡng viện đã tranh cãi về luật dành cho người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều tháng. Cuộc tranh cãi đã phức tạp hóa việc thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng thường niên và khiến Thượng viện chậm trễ trong việc xác nhận một số ứng cử viên đại sứ của TT Biden, bao gồm cả việc ông chọn ông Nicholas Burns làm đại sứ tại Trung Quốc.
Khi họ vượt qua các chướng ngại để chấp thuận đạo luật Duy Ngô Nhĩ vào ngày 16/12, các nhà lập pháp cũng đồng ý cho phép một cuộc bỏ phiếu vào cuối ngày đối với ít nhất một số ứng cử viên của TT Biden cho các vị trí ngoại giao, trong đó có ông Burns.
Đạo luật này tạo ra một “giả định có thể bác bỏ” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, điều này trên thực tế sẽ cấm tất cả các mặt hàng nhập cảng như vậy. Các sản phẩm từ khu vực này sẽ chỉ được phép vào Hoa Kỳ nếu chính phủ xác định rằng có “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng chúng không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
“Nhiều công ty đã thực hiện các bước để khôi phục lại đạo đức cho chuỗi cung ứng của họ. Và thẳng thắn mà nói, họ không nên lo ngại về luật này,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói tại Thượng viện. “Đối với những người chưa làm được điều đó, họ sẽ không còn có thể tiếp tục biến người Mỹ — nói thật ra là biến mỗi người trong chúng ta — trở thành đồng phạm một cách không tự biết trong những hành động tàn bạo, trong cuộc diệt chủng do Đảng Cộng Sản Trung Quốc thực hiện.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương vì lo ngại lao động cưỡng bức. Nhập cảng từ một số nhà sản xuất vật liệu pin năng lượng mặt trời ở Tân Cương cũng bị chính phủ TT Biden cấm sau khi có báo cáo rằng một số công ty trong khu vực đang sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Tân Cương cung cấp phần lớn nguyên liệu cho các tấm pin mặt trời trên thế giới.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã ca ngợi đạo luật này.
“Chúng ta có sự cấp bách về mặt kinh tế và đạo đức để loại bỏ thông lệ này khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng ta, bao gồm cả những chuỗi đi qua Tân Cương, Trung Quốc và lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác,” bà Tai nói trong một tuyên bố.
Hôm 16/12, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế về đầu tư và thương mại đối với hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả những công ty hỗ trợ cho hoạt động đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương và giúp đỡ quân đội Trung Quốc.
Đầu tháng này, TT Biden đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 để phản đối các hành động tàn bạo ở Tân Cương, một hành động khiến một số đồng minh, bao gồm cả Anh Quốc và Canada, cũng làm theo.
Bà Cathy He là một phóng viên tại New York, bà tập trung đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây bà từng là một luật sư chính phủ ở Úc. Bà bắt đầu làm việc với The Epoch Times hồi tháng 02/2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: