Hoa Kỳ thêm 58 tổ chức có liên kết với quân đội Trung Quốc vào danh sách đen thương mại mới
Hoa Kỳ đã đưa 103 công ty và tổ chức của Trung Quốc và Nga vào danh sách đen thương mại mới, cấm họ mua công nghệ của Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại đã công bố danh sách “Người dùng quân sự đầu cuối” (MEU) mới hôm 21/12, cáo buộc rằng 58 tổ chức Trung Quốc và 45 tổ chức Nga có quan hệ với quân đội hai nước. Các công ty Hoa Kỳ giờ đây sẽ cần phải có giấy phép của chính phủ trước khi họ có thể “xuất cảng, tái xuất cảng, hoặc chuyển giao” hàng hóa cho các tổ chức nằm trong danh sách đen này.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố hôm 21/12 rằng, “Bộ nhận ra tầm quan trọng của việc tận dụng liên hệ đối tác của mình với các công ty Hoa Kỳ và toàn cầu để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm chuyển hướng công nghệ Hoa Kỳ sang các chương trình quân sự gây bất ổn của họ, bao gồm cả việc coi trọng các chỉ số đáng báo động như các tổ chức có liên quan đến các công ty quân sự của Trung Cộng được Bộ Quốc phòng (Hoa Kỳ) xác định.”
Nhiều công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen thuộc các lĩnh vực hàng không và vũ trụ, chẳng hạn như công ty Gia công Chính xác Hàng không vũ trụ Hà Nam (HAPM).
Bảy viện trực thuộc của doanh nghiệp quốc phòng nhà nước là Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc (AVIC) và tám viện trực thuộc của nhà sản xuất hàng không vũ trụ quốc doanh Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) cũng bị đưa vào danh sách đen.
Năm nay, AVIC là một trong 35 công ty Trung Quốc được Ngũ Giác Đài xác định là có liên kết với quân đội Trung Cộng, hay còn có tên gọi chính thức là Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Danh sách này được đưa ra theo yêu cầu của mục 1237 (b) của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), là dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm. Các công ty khác được Ngũ Giác Đài xác định bao gồm công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei, nhà sản xuất xe lửa CRRC và nhà sản xuất vi mạch bán dẫn SMIC.
Danh sách MEU là một phần trong nỗ lực ngày càng gia tăng của chính phủ TT Trump nhằm giải quyết các mối đe dọa do Trung Cộng gây ra thông qua chính sách “hợp nhất quân sự – dân sự” [của Đảng này]. Một cơ quan chính quyền Trung Cộng có tên là Ủy ban Phát triển Quân sự – Dân sự Hợp nhất Trung ương đã được thành lập vào năm 2017 để giám sát sự hợp tác giữa quân đội và lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy các đổi mới về công nghệ.
Bộ Ngoại giao đã cảnh báo trên trang web của mình rằng chiến lược của Trung Cộng có liên quan đến trộm cắp tài sản trí tuệ để “đạt được ưu thế quân sự.”
Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn SMIC cũng bị nêu tên vì tham gia vào kế hoạch hợp nhất quân sự – dân sự của Trung Cộng, khi công ty này và 10 tổ chức liên quan nằm trong số 59 công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại liệt kê vào danh sách tổ chức bị trừng phạt hồi tuần trước (14-20/12).
Bộ Thương mại tuyên bố rằng nhiều tổ chức hơn có thể được thêm vào danh sách MEU trong tương lai, và các hạn chế đối với 103 tổ chức sẽ có hiệu lực vào ngày 22/12 sau khi danh sách được công bố trong Sổ đăng ký Liên bang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng cảnh báo rằng các công ty Hoa Kỳ nên tiến hành “thẩm định bổ sung”; chỉ vì một công ty hiện không có trong danh sách, “không có nghĩa là… [họ] được miễn các lệnh cấm theo quy định.”
Ví dụ, các công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội được Ngũ Giác Đài nêu tên nhưng không có trong danh sách MEU có thể bị hạn chế, bộ này cho hay.
Trả lời về danh sách MEU trong cuộc họp giao ban hôm 22/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, ông Uông Văn Bân, nói rằng Hoa Kỳ nên “ngay lập tức ngừng phạm sai lầm.” Ông Uông cũng nói rằng Trung Cộng sẽ đáp trả bằng cách thực hiện “các biện pháp cần thiết.”
Thời báo Global Times, một cơ quan ngôn luận của Trung Cộng ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn, cho rằng danh sách MEU là “vô nghĩa” trong một bài báo đăng hôm 22/12, khi tờ báo này trích lời tổng biên tập của một tạp chí hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Danh sách MEU cũng bao gồm các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm Viện Hải dương học Thứ hai (SIO), một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc. SIO đã viết trên trang web của mình rằng một trong những nhiệm vụ chính của viện là tiến hành nghiên cứu khoa học về chính sách hợp nhất quân sự – dân sự của Bắc Kinh.
Dịch vụ Hàng không Chính phủ (GFS), một cơ quan chính phủ Hồng Kông phụ trách hàng không dân dụng, cũng có tên trong danh sách. Theo trang web của GFS, đơn vị này sử dụng khoảng 300 công chức.
Truyền thông Hồng Kông cho biết GFS hiện bị cáo buộc làm việc với các giới chức Trung Cộng để hỗ trợ lực lượng tuần duyên Trung Cộng bắt giữ 12 nhà hoạt động Hồng Kông hồi tháng 8. 12 người trên đã bị bắt trên một chiếc thuyền, và họ được cho là đang cố gắng trốn sang Đài Loan để tị nạn chính trị.
12 nhà hoạt động, tuổi từ 16 đến 33, đang bị giam giữ tại thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đại lục và bị tòa án Trung Cộng chính thức truy tố vào đầu tháng này.
Hôm 21/12, gia đình của 12 nhà hoạt động Hồng Kông đã gửi một bức thư ngỏ tới các cơ quan chức năng ở Hồng Kông và Trung Quốc. Bức thư yêu cầu chính quyền Trung Cộng mở công khai phiên tòa xét xử 12 nhà hoạt động Hồng Kông sắp tới và phát sóng trực tuyến phiên tòa của họ trên web, đồng thời cho phép các luật sư do gia đình chỉ định bào chữa cho họ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã viết trong một tweet vào tuần trước rằng 12 người Hồng Kông này nên được trả tự do ngay lập tức, vì ‘tội ác’ duy nhất của họ chỉ là “chạy trốn khỏi chế độ chuyên chế.”
Ông Pompeo nói thêm rằng, “Ngày nay Trung Cộng đang biến Hồng Kông thành Đông Berlin của năm xưa, tích cực ngăn cản người dân của mình tìm kiếm tự do ở nơi khác.”
Frank Fang
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: