Hoa Kỳ: Thâm hụt mậu dịch giảm mạnh khi xuất cảng đạt mức cao kỷ lục
HOA THỊNH ĐỐN – Trong tháng Tư, thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đã thu hẹp nhiều nhất trong vòng 10 năm qua khi xuất cảng tăng cao kỷ lục. Điều này cho thấy thương mại đã có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong quý này.
Hôm thứ Ba (07/06), Bộ Thương mại cho biết thâm hụt mậu dịch giảm 19.1%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2012, xuống còn 87.1 tỷ USD. Xuất cảng hàng hóa và dịch vụ tăng 3.5% lên mức cao nhất mọi thời đại là 252.6 tỷ USD.
Ông Michael Pearce, nhà kinh tế cao cấp của Capital Economics ở New York, cho biết: “Thâm hụt mậu dịch giảm lượng lớn trong tháng Tư cho thấy thương mại ròng sẽ là một động lực lớn đối với tăng trưởng GDP quý 2/2022.”
Một khoản thâm hụt mậu dịch kỷ lục đã khiến tổng sản phẩm quốc nội trong quý 1/2022 giảm 3.23 điểm phần trăm, dẫn đến mức tăng trưởng GDP hàng năm giảm 1.5% sau khi tăng với tốc độ mạnh 6.9% trong quý 4/2021. Thương mại đã khiến GDP giảm 7 quý liên tiếp.
Các ước tính tăng trưởng trong quý hai ở mức 4.8% tỷ lệ tăng trưởng hàng năm.
Các lô hàng vật tư và vật liệu công nghiệp dẫn đầu mức gia tăng xuất cảng trên diện rộng, đạt mức cao kỷ lục trong khi giá trị xuất cảng khí đốt tự nhiên, kim loại quý, và các sản phẩm dầu mỏ tăng. Xuất cảng xăng dầu ở mức cao nhất được ghi nhận với 27.2 tỷ USD. Xuất cảng lương thực cũng đạt mức cao nhất với sản phẩm đậu nành được bán ra trị giá hơn 2.1 tỷ USD.
Xuất cảng tư liệu sản xuất tăng 1.2 tỷ USD đạt 47.5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 03/2019, với các lô hàng vận chuyển bằng phi cơ dân dụng tăng 1.3 tỷ USD.
Xuất cảng dịch vụ tăng 2.4 tỷ USD đạt 76.5 tỷ USD nhờ lợi nhuận của cả ngành du lịch và vận tải.
Nhập cảng hàng hóa và dịch vụ giảm 3.4% xuống còn 339.7 tỷ USD trong tháng Tư. Nhập cảng đã tăng nhanh chóng khi các doanh nghiệp bổ sung hàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu nội địa tăng mạnh.
Tuy nhiên, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để chống lạm phát, thì nhu cầu đang chậm lại. Hàng dự trữ của một số mặt hàng cũng về gần mức bình thường, khiến nhu cầu nhập cảng giảm. Nhập cảng giảm cũng có thể là do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc khi quốc gia này chiến đấu với các ca nhiễm COVID-19 mới.
Hàng tiêu dùng giảm 6.3 tỷ USD trong khi hàng dệt may và hàng gia dụng cũng như đồ chơi, trò chơi điện tử, và đồ thể thao sụt giảm. Các chế phẩm dược phẩm cũng giảm. Nhập cảng vật tư và vật liệu công nghiệp giảm 5.3 tỷ USD, trong đó kim loại thành phẩm giảm 5.6 tỷ USD.
Nhập cảng tư liệu sản xuất giảm 2.6 tỷ USD trong khi máy điện toán giảm 1.9 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập cảng xe có động cơ, phụ tùng và động cơ đã tăng 1.4 tỷ USD lên mức cao nhất mọi thời đại là 33.7 tỷ USD. Nhập cảng lương thực cũng ở mức cao nhất được ghi nhận.
Nhập cảng xăng dầu trong tháng Tư cao nhất kể từ tháng 10/2014. Dầu thô nhập cảng trung bình đạt 94.99 USD/thùng trong tháng Tư, mức cao nhất kể từ tháng 08/2014.
Giá dầu đã tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng khiến các mặt hàng khác tăng giá, trong đó có lúa mì và hoa hướng dương.