Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh vì lạm dụng nhân quyền
Hôm 06/12, Hoa Kỳ cho biết sẽ không cử phái đoàn chính thức đến Bắc Kinh tham dự Thế vận hội Mùa Đông năm 2022 để phản đối cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra tại Tân Cương của chính quyền Trung Quốc.
Hành động này sẽ không ảnh hưởng đến các vận động viên Hoa Kỳ, những người sẽ vẫn được phép thi đấu.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết “nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra” của chính quyền này nghĩa là Hoa Thịnh Đốn “không thể cứ coi mọi việc như bình thường.”
“Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc đại diện chính thức của Hoa Kỳ sẽ coi thế vận hội này là một việc bình thường khi đối mặt với những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và sự tàn bạo của CHND Trung Hoa ở Tân Cương, và chúng tôi chỉ đơn giản là không thể làm điều đó,” bà Psaki nói trong một cuộc họp báo thường nhật hôm 06/12, vài tuần sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết chính phủ ông đang xem xét một hành động như vậy.
“Như Tổng thống đã nói với Chủ tịch Tập, ủng hộ nhân quyền nằm trong DNA của người dân Hoa Kỳ, chúng tôi có một cam kết căn bản để thúc đẩy nhân quyền,” bà nói thêm, đề cập đến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trực tuyến lần đầu tiên vào ngày 15/11.
Chiến dịch đàn áp mở rộng của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi Giáo khác ở vùng Tây Tân Cương đã bị Hoa Kỳ và những nước khác coi là tội ác diệt chủng, và đang ngày càng thu hút sự lên án của quốc tế. Trước thực trạng này, các nhà hoạt động và nhà lập pháp trên khắp thế giới đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh ở nhiều mức độ khác nhau.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ thực hiện một cuộc tẩy chay thế vận hội là vào năm 1980. Tổng thống Jimmy Carter đương thời đã lãnh đạo hơn 60 quốc gia phản đối việc Liên Xô xâm lược Afghanistan và từ chối cử các vận động viên tham gia Thế vận hội Mùa Hè ở Moscow, tạo nên một cuộc tẩy chay lớn nhất trong lịch sử Olympic.
Bà Psaki nhấn mạnh, cuộc tẩy chay này không có nghĩa là “chấm dứt việc chúng tôi nêu lên những lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.”
Không giống như cuộc phản đối ngoại giao năm 1980, cuộc tẩy chay vào tháng Hai tới sẽ không ảnh hưởng đến các vận động viên tham dự.
“Chúng tôi không nghĩ rằng trừng phạt các vận động viên đã luyện tập, chuẩn bị cho thời khắc này là bước đi đúng đắn, chúng tôi cảm thấy mình có thể gửi một thông điệp rõ ràng bằng cách không cử một phái đoàn chính thức,” bà Psaki nói khi được hỏi tại sao Tòa Bạch Ốc không tiến một bước xa hơn bằng cách rút các vận động viên [khỏi thế vận hội].
Bà Psaki cho hay, “Chúng tôi ủng hộ hết mình các vận động viên trong Đoàn thể thao Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ ủng hộ họ 100% khi chúng tôi cổ vũ họ từ quê nhà.”
Cuộc tẩy chay này có khả năng sẽ chọc giận Bắc Kinh. Trong một cuộc họp báo hôm 06/12, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã cáo buộc Hoa Thịnh Đốn là “khua môi múa mép” và ám chỉ sẽ sử dụng “các biện pháp đáp trả kiên quyết” nếu cuộc tẩy chay ngoại giao diễn ra, mà không đi vào chi tiết.
Tuy nhiên, bà Psaki tỏ ra không hề bối rối trước một lời cảnh báo như vậy.
“Quan điểm của chúng tôi là đó không phải là cách chính xác để nhìn nhận hay định hình mối bang giao của chúng ta,” bà nói với các phóng viên. “Quan điểm của chúng tôi là việc hợp tác về các vấn đề xuyên quốc gia không phải là một ân huệ đối với chúng tôi, việc đó không phải là một giao dịch, CHND Trung Hoa nên hành động về các vấn đề để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng toàn cầu,” bà nói, sử dụng tên viết tắt của Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã làm rõ rằng các nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ tại Bắc Kinh sẽ có mặt tại Thế vận hội để ủng hộ các vận động viên và đoàn thể thao Hoa Kỳ.
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi một cuộc tẩy chay trong nhiều tháng. Sau tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Dân biểu Gregory Meeks (Dân Chủ-New York), người cũng là chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, đã khen ngợi chính phủ vì đã ra “quyết định hoàn toàn đúng đắn”.
“Cộng đồng quốc tế không nên giúp CHND Trung Hoa che giấu những hành động tàn bạo của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác,” ông Meeks nói trong một tuyên bố. “Với việc Hoa Kỳ hiện đang dẫn đầu bằng cách đưa ra lập trường rõ ràng,” ông cho rằng các quốc gia khác cũng nên tham gia để làm điều tương tự.
Ông nói: “Chúng ta cần phải có tiếng nói chung và làm rõ rằng im lặng không phải là một lựa chọn khi có bất kỳ quốc gia nào, cho dù quyền lực đến đâu, làm suy yếu mạnh mẽ nhân quyền toàn cầu.”
Tại cuộc họp, bà Psaki cho biết chính phủ đã thông báo cho các đồng minh về quyết định của mình và sẽ để các quốc gia đó tự quyết định họ muốn thực hiện như thế nào.
Nhưng một số người nói rằng hành động của Hoa Kỳ không đủ mạnh mẽ, trong đó có Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), người tin rằng tẩy chay ngoại giao không phải là cách hiệu quả để buộc chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm.
“Hết lần này đến lần khác, ông Biden chỉ làm điều tối thiểu khi phải giải quyết các vấn đề với Trung Quốc và điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được,” ông Scott nói trong một tuyên bố hôm 06/12, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ đã phớt lờ những lời kêu gọi liên tiếp từ ông và các nhóm nhân quyền về việc chuyển Thế vận hội sang một quốc gia khác.
“Sự lựa chọn yếu ớt của ông Biden cho một cuộc tẩy chay ngoại giao cũng CHẲNG CÓ TÁC DỤNG gì để bảo đảm an toàn cho các vận động viên Hoa Kỳ, những người chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu cho Trung Quốc Cộng Sản theo dõi và đánh cắp dữ liệu cũng như thông tin cá nhân.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: