Hoa Kỳ: Tâm lý nông dân hụt hẫng khi chi phí đầu vào trang trại tăng vọt
Một cuộc khảo sát cho thấy chi phí sản xuất dự kiến sẽ tăng ít nhất 30% trong năm nay, báo hiệu lạm phát lương thực nhiều hơn ở phía trước
Bất chấp giá hàng hóa tăng mạnh, tâm lý nông dân Hoa Kỳ đã xấu đi đáng kể trong tháng Năm do các nhà sản xuất lo lắng về tình hình tài chính và triển vọng tài chính đối với trang trại của mình.
Theo chỉ số tâm lý của Đại học Purdue/CME Group Ag Economy Barometer, tháng trước, tâm lý nông dân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Tư năm 2020, xuống 22 điểm.
Sự gia tăng nhanh chóng của chi phí sản xuất và sự không chắc chắn về xu hướng giá đầu vào đã góp phần quan trọng vào sự sụt giảm trong tâm lý của nông dân Hoa Kỳ. Theo khảo sát hàng tháng, khoảng 44% nông dân cho rằng chi phí đầu vào là mối quan tâm lớn nhất của họ trong năm tới.
Gần sáu trong số mười nông dân tiên liệu giá đầu vào trang trại sẽ cao hơn ít nhất 30% trong năm nay so với năm 2021.
Theo ông Michael Langemeier, giáo sư tại khoa kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, đồng tác giả của báo cáo AG Economy Barometer, mức tăng giá đầu vào lớn hơn đáng kể so với mức lạm phát chung của nông sản cho đến nay.
Ông Langemeier nói với The Epoch Times, đó là lý do tại sao nông dân “chắc chắn nghĩ rằng lạm phát chung sẽ còn kéo dài trong 12 tháng tới.”
Theo khảo sát, ngoài đợt tăng giá lớn của năm nay, gần 4 trên 10 nông dân ước tính giá đầu vào sẽ tăng 10% hoặc hơn vào năm 2023.
Hai yếu tố đầu vào quan trọng nhất trong canh tác là dầu diesel và phân bón. Giá của cả hai mặt hàng này đều đã tăng đáng kể trong năm ngoái và việc Nga xâm lược Ukraine đã tiếp tục phá vỡ thị trường của cả hai mặt hàng này. Do đó, theo ông Langemeier, nông dân không mong đợi giá sẽ sớm giảm.
Nông dân Mỹ rất lo ngại về khả năng bị sức ép giữa giá và chi phí trong những năm tới, sự lo ngại này đề cập đến tình trạng chi phí vẫn cao trong khi giá đầu ra giảm.
Ông Langemeier lưu ý rằng nông dân hiện có một bảng cân đối kế toán tốt, nhưng “họ có thể phải đối mặt với sức ép giữa giá và chi phí, đặc biệt là vào năm 2023.”
Trường đại học đã thực hiện cuộc khảo sát với 400 nhà sản xuất nông nghiệp từ khắp nơi trên toàn quốc, họ thường là các trang trại nhỏ, chủ sở hữu độc quyền hoặc công ty hợp danh, hoặc các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu.
Theo khảo sát, khoảng 21% số người được hỏi cho rằng chính sách về khí hậu, môi trường và nông trại là những mối quan tâm lớn nhất của họ. Một số nông dân cũng cho rằng sự sẵn có của đầu vào (19%) và giá cây trồng hoặc vật nuôi thấp hơn (18%) là những mối quan tâm hàng đầu.
Giá trị đất nông nghiệp tăng vọt
Bất chấp tâm lý nông dân Hoa Kỳ tiêu cực, có rất nhiều người lạc quan khi nói về giá trị của đất nông nghiệp.
Báo cáo khảo sát cho biết: “Sự tương phản giữa quan điểm tương đối lạc quan của nông dân về giá trị đất canh tác và kỳ vọng của họ về hiệu quả tài chính yếu kém của trang trại tiếp tục là một vấn đề nan giải.
Những người được hỏi dự đoán sự gia tăng giá trị đất canh tác trong năm năm tới thường cho rằng nhu cầu của các nhà đầu tư phi nông nghiệp là yếu tố hàng đầu, tiếp theo là lạm phát.
Trong những năm gần đây, các tỷ phú, các công ty toàn cầu và các quỹ đầu tư đã ráo riết mua đất nông nghiệp. Ví dụ, người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, đã âm thầm tích lũy khoảng 270,000 mẫu đất nông nghiệp trên khắp Hoa Kỳ, theo các báo cáo của của giới truyền thông.
Ông Langemeier tin rằng có nhiều lý do để giải thích cho nhu cầu đầu tư vào đất nông nghiệp cao, một trong số đó là “lợi nhuận từ đất nông nghiệp không có mối liên hệ tương quan với lợi nhuận từ chứng khoán”, khiến chúng trở thành tài sản hấp dẫn.
Ông lưu ý rằng điều này đặc biệt hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư, bởi vì chúng tương tự như cổ phiếu trả cổ tức ở chỗ nhận được tiền thuê đất hàng năm cũng như khả năng đất lên giá.
Ông Langemeier nói thêm: “Lợi nhuận trên đất canh tác là khá tốt trong một thời gian dài.”
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trong chi tiêu về vốn, có khả năng làm giảm năng suất nông nghiệp trong những năm tới.
Mặc dù có dòng tiền cao, nhưng đại đa số nông dân (78%) tin rằng đây là thời điểm không tốt để đầu tư vào những thứ như máy móc và nhà cửa. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến kế hoạch mua máy móc nói riêng. Theo khảo sát, lượng tồn kho máy móc nông nghiệp thấp đã đẩy giá lên cao, khiến việc đầu tư kém hấp dẫn đối với người nông dân trong năm nay.
Giá lúa mì, tăng 60% so với năm ngoái, mang đến cơ hội cho nông dân Mỹ. Cuộc xâm lược của Ukraine đã đe dọa nguồn cung lúa mì toàn cầu trong những tháng gần đây và nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng sự thiếu hụt này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo ông Langemeier, một phần của vấn đề với tất cả các mặt hàng nông nghiệp là nông dân chỉ sản xuất một vụ mỗi năm, khiến các nhà chế biến Mỹ khó phản ứng nhanh với giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, ông tin rằng nông dân sẽ trồng nhiều lúa mì hơn vào mùa thu này để đối phó với tình trạng giá cả leo thang.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.