Hoa Kỳ: Sự lạc quan của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục giảm
Sự lạc quan của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với triển vọng nền kinh tế Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong năm qua, theo Báo cáo Triển vọng các Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp năm 2022 của JPMorgan, được công bố hôm thứ Hai (27/06).
Hơn 1,500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp quy mô trung bình đã tham gia cuộc khảo sát này (pdf), được thực hiện từ hôm 25/05 đến 10/06 đối với các giám đốc điều hành của các công ty quy mô trung bình ở Hoa Kỳ có doanh thu hàng năm từ 20 triệu đến 500 triệu USD.
Kết quả cho thấy chỉ 1/5 các lãnh đạo doanh nghiệp, tương đương 19%, nói rằng họ lạc quan về nền kinh tế quốc gia trong năm tới, chiếm tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận trong 12 năm mà cuộc khảo sát do JPMorgan thực hiện. Con số này cũng giảm đáng kể so với 75% của một năm trước.
Trong bối cảnh sự lạc quan suy giảm, cuộc khảo sát cho thấy sự bi quan xung quanh nền kinh tế quốc gia đã tăng lên 51% so với 10% một năm trước trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng vọt, các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đang diễn ra.
Trong khi đó, chỉ 9% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế toàn cầu.
Trong số những người được khảo sát, 99% cho biết chi phí kinh doanh của họ đã tăng trong năm qua, với 71% nói rằng thách thức hàng đầu của họ là chi phí gia tăng, bao gồm cả lạm phát.
70% cho biết họ lo lắng về các vấn đề về lao động, bao gồm tuyển dụng, chọn nhân sự, giữ chân nhân viên và tình trạng thiếu nhân công, trong khi 86% người được hỏi cho hay họ tin rằng lạm phát đã tồi tệ hơn 6 tháng trước, và 65% lo ngại về lãi suất.
Chuyển chi phí cho khách hàng
Lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở Hoa Kỳ, điều này đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển những chi phí cao hơn đó cho khách hàng.
Trong số những người được JPMorgan khảo sát, hơn 3/4 doanh nghiệp (76%) cho biết họ đang tăng giá, với 42% cho biết họ đã chuyển ít nhất một nửa chi phí tăng cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá.
Theo cuộc khảo sát, vốn phát hiện rằng 81% người được hỏi có khả năng sẽ tiếp tục tăng giá trong nỗ lực bù đắp chi phí cao hơn, thì xu hướng tăng giá này sẽ không sớm thay đổi.
Bất chấp triển vọng ảm đạm, 73% những người được khảo sát cho biết họ kỳ vọng tăng doanh thu hoặc doanh số bán hàng trong năm tới, trong khi 71% lạc quan về hiệu quả hoạt động của công ty họ.
Cuộc khảo sát này được thực hiện ngay sau khi một cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy rằng sự lạc quan về tương lai của Hoa Kỳ đang suy yếu ở những người trưởng thành.
Theo cuộc khảo sát đó, được thực hiện trên một mẫu đại diện là 2,210 người trưởng thành ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ hôm 16 đến 20/06, chỉ 45% số người được hỏi cho biết họ “rất lạc quan” hoặc “hơi lạc quan” về tương lai của đất nước, đánh dấu một mức thấp kỷ lục mới.
Lạm phát, mà chính phủ ông Biden phần lớn đổ lỗi cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đã khiến giá cả ở Hoa Kỳ tăng vọt, làm tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu hàng ngày bao gồm thực phẩm và nhiên liệu.
Hôm 22/06, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói với Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị rằng đất nước phải đối mặt với một môi trường kinh tế “không chắc chắn” và nhiều “bất ngờ” về lạm phát hơn có thể xảy ra trong tương lai.
Một số nhà kinh tế và chuyên gia, bao gồm cả những người tại Deutsche Bank và Morgan Stanley, đang dự báo về một cuộc suy thoái trong tương lai gần.
Cô Ginger Chambless, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại JPMorgan Chase, cho biết: “Nửa đầu năm 2022 đã thực sự thử thách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với áp lực giá cả và lãi suất tăng, bên cạnh các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và lao động mà họ đang phải đối mặt.”
“Mặc dù thật ngạc nhiên khi thấy tâm lý đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hầu như vẫn lạc quan khi nói đến công ty của họ và các lĩnh vực mà họ có thể kiểm soát trực tiếp hơn.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.