Hoa Kỳ siết chặt trừng phạt đối với công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới ở Nga
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với công ty Nga Alrosa, một doanh nghiệp quốc doanh hiện là nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới.
Theo một giấy phép do OFAC cấp hôm 07/04, “Tất cả các giao dịch thông thường vốn có và cần thiết để dần chấm dứt các giao dịch liên quan đến Công ty Cổ phần Đại chúng Alrosa hoặc bất kỳ tổ chức nào mà Alrosa sở hữu, trực tiếp hoặc gián tiếp, một khoản lãi 50% hoặc lớn hơn bị cấm theo Sắc lệnh 14024 được cho phép đến 12 giờ 01 phút sáng theo giờ ban ngày phía đông, hôm 07/05/2022.”
Theo một thông cáo báo chí hôm 07/04 của Bộ Ngân khố, tất cả “tài sản và quyền sở hữu tài sản” của Alrosa và các tổ chức liên quan ở Hoa Kỳ hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của những tổ chức đó ở Hoa Kỳ sẽ bị phong tỏa và báo cáo cho OFAC.
Hoa Thịnh Đốn đã đưa Alrosa và Giám đốc điều hành của công ty này vào danh sách trừng phạt hôm 25/02, một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, họ đã không cấm mua kim cương của công ty này.
Hôm 11/03, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập cảng kim cương phi công nghiệp. Hành động mới nhất của OFAC thắt chặt các lệnh trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn đối với Alrosa.
Alrosa chịu trách nhiệm về 90% công suất khai thác kim cương của Nga và chiếm 28% sản lượng khai thác kim cương của thế giới. Alrosa tạo ra doanh thu hơn 4.2 tỷ USD vào năm 2021 trong khi Nga xuất cảng kim cương trị giá 4.5 tỷ USD trong thời gian này. Chính phủ Nga có 33% cổ phần trong công ty.
Hoa Kỳ là thị trường kim cương chủ chốt, chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng trên toàn thế giới. EU và Vương quốc Anh trước đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Alrosa sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Công ty này tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn và London khiến về mặt kỹ thuật, Alrosa không thể thực hiện một khoản thanh toán lãi trái phiếu Âu Châu trị giá 11.6 triệu USD sẽ đến hạn hôm 09/04. Alrosa cho biết doanh nghiệp đang “nghiên cứu các lựa chọn” để hoàn thành nghĩa vụ nợ của mình.
Ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách về Khủng bố và Tình báo Tài chính, cho biết trong thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố, “Các biện pháp trừng phạt này sẽ tiếp tục gây áp lực lên các tổ chức quan trọng vốn cho phép và tài trợ cho cuộc chiến vô cớ của Nga vào Ukraine.”
“Những hành động này, được thực hiện với Bộ Ngoại giao và phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta, phản ánh nỗ lực không ngừng của chúng ta nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Điện Kremlin với các tài sản, nguồn lực, và các lĩnh vực của nền kinh tế cần thiết để cung cấp và tài trợ cho sự tàn bạo của ông Putin.”
Alrosa sở hữu 41% cổ phần tại Catoca, một công ty sản xuất kim cương ở Angola. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của OFAC dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến Catoca vì nó chỉ nhắm vào các thực thể do Alrosa sở hữu từ 50% trở lên.
Các doanh nghiệp trang sức của Mỹ cũng đã có những hành động chống lại Moscow. Cuối tháng trước, nhà bán lẻ đồ trang sức xa xỉ Tiffany & Co. đã thông báo quyết định tạm dừng nhận nguồn cung kim cương Nga cũng như bất kỳ viên kim cương nào có số hiệu xuất xứ từ Nga, bất luận nó được cắt và đánh bóng ở đâu.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: