Hoa Kỳ siết chặt kiểm soát thêm 4 hãng truyền thông Trung Quốc
Việc phân loại này làm gia tăng hạn chế hoạt động của các hãng tin tức này tại Hoa Kỳ. Các hãng thông tấn trên gồm có: Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, China News Service, một trong những hãng tin tức lớn nhất của ĐCSTQ, được điều hành bởi Mặt trận Thống Nhất trực thuộc ĐCSTQ; Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ; và Thời báo Hoàn cầu, một nhánh con của Nhân dân Nhật báo.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao là bà Morgan Ortagus cho biết: “Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây tôn trọng sự thật, truyền thông Trung Quốc làm theo chỉ đạo của ĐCSTQ”.
Với thông báo này, hiện đã có 9 cơ quan truyền thông nhà nước của ĐCSTQ được xác định là các phái bộ nước ngoài tại Hoa Kỳ. Trước đó đã có 5 hãng thông tấn khác của Trung Quốc được xác định hồi tháng Hai. Việc phân loại này khiến các hãng thông tấn này được coi là một phần của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và do đó được yêu cầu phải đăng ký danh sách nhân viên và bất động sản tại Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao.
Bà Ortagus nói thêm rằng quyết định này không ảnh hưởng đến những ấn phẩm mà các hãng truyền thông này có thể xuất bản ở Hoa Kỳ.
“Chỉ đơn giản là định danh lại [các hãng thông tấn này] dựa trên bản chất của họ”, phát ngôn viên Ortagus cho biết. Bà nói thêm rằng động thái này sẽ giúp “gia tăng tính minh bạch liên quan đến các hoạt động truyền thông của ĐCSTQ và chính quyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ”.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền tổng thống Trump đang củng cố lập trường cứng rắn với chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là đáp trả việc Bắc Kinh che giấu đại dịch, cũng như động thái của chính quyền này khi thắt chặt “gọng kìm” đối với quyền tự trị của Hong Kong.
Trong tháng vừa qua, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục đưa tin về tình trạng bất ổn trên toàn nước Mỹ, sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd khi bị một cảnh sát bắt giữ. Theo nhận định của các nhà quan sát, đây là một phần nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm làm giảm uy tín của Hoa Kỳ và nền dân chủ nói chung. Tuy các cuộc biểu tình liên quan đến chủng tộc ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã nhận được sự quan tâm đáng kể ở Trung Quốc đại lục, nhưng các chủ đề được coi là nhạy cảm đối với ĐCSTQ như cuộc thảm sát Thiên An Môn, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, và cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số thì lại bị kiểm duyệt rất chặt chẽ.
Bà Ortagus cho biết, trong thập kỷ qua ĐCSTQ ngày càng kiểm soát chặt các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Bà trích dẫn lại những nhận xét của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2016: “Các phương tiện truyền thông trực thuộc ĐCSTQ phải có thể thể hiện ý chí của [ĐCSTQ], bảo vệ quyền lực của [ĐCSTQ], và hành động của họ phải nhất quán với [ĐCSTQ] ở mức cao nhất”. Tuyên bố này được đưa ra khi ông Tập đến thăm văn phòng của các hãng tin trực thuộc ĐCSTQ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đó cho biết, các hành động nhắm vào truyền thông nhà nước Trung Quốc là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump để thiết lập “một sân chơi công bằng trong tương lai” trong mối quan hệ với ĐCSTQ.
“Chúng tôi hy vọng rằng hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận công bằng, phù hợp hơn với Hoa Kỳ và các hãng báo chí nước ngoài khác ở Trung Quốc”, ông nói.
Vào tháng Hai, chính quyền Tổng thống Trump đã phân loại 5 hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ thuộc đại sứ quán, bao gồm: Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, China Radio International, China Daily Distribution Corp và Hai Tian Development USA, Inc.
Vào tháng Ba, Washington cho biết họ đã cắt giảm số lượng nhân viên Trung Quốc được phép làm việc tại các văn phòng Hoa Kỳ của các hãng tin này, từ 160 người xuống còn 100 người. Đây được xem như là hành động đáp trả lại việc Bắc Kinh tiếp tục áp dụng biện pháp “đe dọa để ‘bịt miệng’ các thành viên của một nền báo chí độc lập và tự do”.
Du Miên