Hoa Kỳ sẽ trở thành nước nhập cảng ròng về dầu thô trong năm 2022
Trong một báo cáo mới, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là nhà nhập cảng ròng về dầu thô vào năm 2022 trong năm thứ 2 liên tiếp.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ nhập cảng trung bình hàng năm 3.9 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) tháng 02/2022. Họ cũng dự đoán rằng khối lượng nhập cảng ròng về dầu thô sẽ giảm xuống còn 3.4 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Các quan chức của EIA cho biết Hoa Kỳ đã quay trở lại nhập cảng nhiều xăng dầu hơn vào năm 2021, đồng thời cho biết thêm rằng lượng nhập cảng này có thể tăng trong năm nay.
Sắp tới, báo cáo cho biết Hoa Kỳ có thể mua ít dầu thô hơn so với lượng dầu mà họ vận chuyển ra thị trường ngoại quốc vì sản lượng trong nước được dự đoán sẽ tăng lên 12.6 triệu thùng/ngày.
Hoa Kỳ phần lớn là nhà nhập cảng ròng ròng về dầu thô 50 năm qua, với nhiều nhiệm kỳ chính phủ hứa hẹn trở nên độc lập về năng lượng. Vào năm 2020, quốc gia này đã đạt được trạng thái xuất cảng năng lượng ròng trong bối cảnh cuộc cách mạng đá phiến và cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng COVID-19. Mức sản lượng của Mỹ sánh ngang với Nga và Ả Rập Xê-út, đe dọa thị phần toàn cầu của các quốc gia này.
Tìm hiểu thị trường năng lượng
Khi nói tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/02, Tổng thống Joe Biden đã đề ra một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm vào các ngân hàng quốc doanh lớn, công ty đường ống Nord Stream 2 và nợ nước ngoài từ các quốc gia phương Tây. Ông cũng cảnh báo rằng “bảo vệ tự do sẽ phải có chịu thiệt hại” đối với người dân Mỹ, đồng thời nói thêm rằng “kế hoạch này sẽ làm giảm giá xăng.”
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cũng nói với các phóng viên rằng giá năng lượng cao hơn là “điều chúng tôi muốn công chúng Mỹ nhận thức được” tiếp theo các llệnh trừng phạt đối với Moscow.
Dữ liệu từ Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) cho thấy, giá trung bình trên toàn quốc của một gallon xăng là 3.535 USD, tăng từ 2.645 USD cùng thời điểm một năm trước.
Các nhà phân tích cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và các nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu là do mức độ kết nối của Moscow với các thị trường quốc tế.
Nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ẩn danh nói với Reuters rằng những nỗ lực này “không nhằm mục đích và sẽ không nhắm vào các dòng dầu khí.”
Ông Phil Flynn, tác giả của Báo cáo Năng lượng, cho biết điều này có vẻ như chính phủ Hoa Kỳ đang “hơi tuyệt vọng và muốn cố gắng giảm bớt một phần phí bảo hiểm chiến tranh về năng lượng.”
Ông hỏi: “Tuy nhiên, liệu nền kinh tế Nga có thể thực sự bị tổn hại nếu quý vị không nhắm vào ngành dầu khí của họ?”
Một đánh giá thống kê năm 2021 của BP về Năng lượng Thế giới (pdf) tiết lộ rằng Nga đã cung cấp 7% lượng dầu thô nhập cảng của Hoa Kỳ vào năm 2021. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu nguồn cung này bị loại bỏ sẽ làm tăng đáng kể giá dầu Brent và dầu thô West Texas Intermediate (WTI) lên trên 100 USD/thùng.
Ông Artem Abramov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đá phiến của Rystad Energy, cho biết mức giá này có thể kích hoạt sản lượng lớn hơn, nhưng một loạt các yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực sản xuất.
Ông Abramov lưu ý: “Mặc dù về lý thuyết, giá cao sẽ kích hoạt sản lượng dầu bị thắt chặt, làm trầm trọng sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, gây ra độ trễ giữa các tín hiệu giá và tác động của nó đối với sản xuất, và sự gián đoạn liên quan đến thời tiết mùa đông sẽ làm chậm tăng trưởng. Thêm vào đó là những kỳ vọng rằng giá cát giao ngay sẽ tăng lên mức 50- 70 USD mỗi tấn — một mức chưa từng có trong lịch sử hiện đại của ngành — sẽ chạm vào ví tiền của các nhà khai thác.”
Ông Biden đã tạm dừng hoạt động khoan dầu khí mới trên đất liên bang và các dự án liên quan đến năng lượng khác ở nửa tá các tiểu bang. Trong một phán quyết hồi đầu tháng, một thẩm phán liên bang Louisiana đã chặn phương pháp mà các quan chức đang tính toán chi phí thực tế của biến đổi khí hậu.
Quyết định của tòa án liên bang cũng sẽ hoãn chương trình tài trợ liên bang trị giá 2.3 tỷ USD cho các dự án chuyển tiếp.
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa sẽ khám phá mọi phương án để giảm bớt giá dầu và khí đốt tăng cao. Các biện pháp này bao gồm khai thác Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong nước (SPR). Tháng trước, Bộ Năng lượng đã chấp thuận việc sử dụng 13.4 triệu thùng dầu [dự trữ]. Các báo cáo cho thấy các quan chức Tòa Bạch Ốc đang thảo luận về việc sử dụng thêm trữ lượng khí đốt trong bối cảnh xung đột ở biên giới Ukraine-Nga đang bùng phát.
Ông Biden cũng đã tham gia đàm phán với Iran để thiết lập một hiệp ước hạt nhân mới. Nếu Hoa Thịnh Đốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran, quốc gia giàu năng lượng này có thể ngay lập tức tung ra tới 87 triệu thùng dầu vào các thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, vì việc dỡ bỏ này sẽ ảnh hưởng đến giá toàn cầu, Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, OPEC + tiết lộ họ muốn đưa Iran vào thỏa thuận hạn ngạch của họ.
Nhưng các chiến lược gia lại không đồng nhất về việc liệu nhà cầm quyền Iran có tuân theo hệ thống của các nhóm các nước kiểm soát giá dầu.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng: “Với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran sẽ tăng sản lượng khai thác dầu tùy theo cơ sở vật chất, khả năng và lợi ích của mình, để bù đắp cho nguồn thu nhập bị mất từ dầu. Theo tôi, OPEC + sẽ đặt hạn ngạch cho sản lượng dầu của Iran nhưng sẽ áp dụng dần dần và Iran sẽ chấp nhận hạn ngạch với một số thương lượng để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với OPEC.”
Bà Ellen R. Wald, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, đã viết trong một bài báo trên The Hill rằng ông Biden cũng cần mở rộng “sự chắc chắn về quy định” cho các nhà sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ.
Bà Wald tuyên bố: “Ngay cả với cam kết của chính phủ đối với năng lượng tái tạo và công nghệ mới, việc đảm bảo rằng dầu và khí đốt không trở thành kẻ thù của chính phủ này sẽ rất có ích cho việc khuyến khích đầu tư và tăng trưởng trong sản xuất dầu khí.”
Trong khi đó, các nhà phân tích của ING giải thích rằng diễn biến giảm nhẹ của giá dầu trong phiên giao dịch giữa tuần không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Các nhà phân tích này cho biết trong một ghi chú rằng, “Trong điều kiện vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về tình hình sẽ diễn biến như thế nào, chúng tôi hy vọng các thị trường sẽ tiếp tục định giá với mức bù rủi ro khá lớn, đặc biệt là do sự thắt chặt hiện tại ở một số thị trường này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc nguồn cung.”
Hôm thứ Tư (23/02), hợp đồng WTI kỳ hạn tháng Ba đã tăng trên 92 USD/thùng trên New York Mercantile Exchange. Giá dầu Brent giao tháng Tư tương đối đi ngang ở mức dưới 97 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures của London. Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn tháng Ba dao động quanh mức 4.60 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu).
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông đã là một nhà văn và ký giả trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: