Hoa Kỳ sẽ tăng cường đáp trả Trung Quốc sau khi rút quân khỏi Afghanistan
Các chuyên gia nhận định, Hoa Kỳ có khả năng sẽ tăng cường nỗ lực để củng cố các liên minh nhằm đáp trả Trung Cộng, sau những lời chỉ trích gay gắt về cách Hoa Thịnh Đốn giải quyết việc rút quân ra khỏi Afghanistan.
Việc Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Afghanistan là nhằm phù hợp với các nỗ lực của chính phủ Tổng thống (TT) Biden để chuyển trọng tâm của họ sang Á Châu, nơi mà nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh đã tăng cường ảnh hưởng kinh tế và quân sự của mình trong thập kỷ vừa qua. Nhưng sự rút lui hỗn loạn của Hoa Kỳ trong bối cảnh Taliban nhanh chóng chiếm lấy quốc gia này đã làm dấy lên những lo ngại về uy tín của chính phủ Hoa Kỳ ở các khu vực khác trên thế giới.
Trung Cộng đã nhanh chóng lợi dụng cuộc khủng hoảng này, họ không ngừng tuyên truyền, đặt câu hỏi về độ tin cậy của Hoa Thịnh Đốn ở khu vực Á Châu, đặc biệt là đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình và đe dọa xâm lược.
Hôm 20/08, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông không thấy “có nghi vấn nào về độ tin cậy của chúng ta từ các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới.” Trong khi đó, các quan chức của ông đã và đang bận rộn trong việc trấn an các đồng minh về các cam kết toàn cầu của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói hôm 18/08 rằng, “Quý vị đã thấy chúng tôi đầu tư vào NATO. Quý vị đã thấy chúng tôi đầu tư vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo những cách mà vượt xa những gì các chính phủ trước đây đã làm.”
Ông nói: “Quý vị đã thấy chúng tôi đứng về phía các đối tác của mình, cho dù đó là Đài Loan, cho dù đó là Israel, cho dù đó là bất kỳ quốc gia nào khác, bất kỳ tổ chức nào khác mà chúng tôi có một mối quan hệ đối tác vững chắc và có một cam kết.”
Hôm Chủ nhật (22/08), Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới Singapore, một điểm đến trong chuyến công du Đông Nam Á, bà cũng đã tới Việt Nam, trong chuyến thăm cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ tới khu vực này. Chuyến công du được công bố vào tháng trước này, đã trở nên cấp bách hơn trước tình hình ở Afghanistan, và có ý thể hiện rằng Hoa Kỳ đang hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để “ở lại đây,” một quan chức cao cấp của chính phủ nói với Reuters trước khi bà Harris đến Singapore.
Củng cố các liên minh
Theo các chuyên gia, sự sục sôi tức giận mà chính phủ Hoa Kỳ phải hứng chịu vì cuộc rút quân được thực hiện một cách tồi tệ ở Afghanistan có thể sẽ khiến họ phải nỗ lực gấp đôi để củng cố các liên minh nhằm đẩy lùi sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và ngoài khu vực đó.
Ông Biden cho biết việc rút quân sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung vào các ưu tiên lớn hơn, bao gồm cả việc ứng phó với Trung Quốc.
“Các đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng ta – Trung Quốc và Nga – không muốn gì hơn ngoài việc Hoa Kỳ tiếp tục đổ hàng tỷ dollar và các nguồn lực, đồng thời tập trung vào việc ổn định Afghanistan vô thời hạn,” ông Biden nói hôm 16/08.
Ông Đổng Tư Tề (Dong Siqi), phó giám đốc điều hành của tổ chức Taiwan Think Tank, nói với The Epoch Times rằng chính phủ Hoa Kỳ “sẽ có thể tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đối phó với những thách thức khác nhau do Trung Quốc đặt ra,” ông nói thêm rằng Biển Đông là một khu vực được đặc biệt quan tâm.
Chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ các tuyến đường thủy đang tranh chấp bất chấp một phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 đã bác bỏ nỗ lực này. Họ đã bắt tay vào một chiến dịch xâm lấn để thúc đẩy các yêu sách của mình, bao gồm cả xây dựng các tiền đồn quân sự và phi trường trên các bãi đá ngầm và đảo, và điều động dân quân biển uy hiếp tàu cá của các quốc gia khác.
Ông Trầm Minh Thất (Shen Ming-shih), phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, cho biết một trong những đồng minh trong khu vực này có thể chứng kiến sự tăng cường trong mối quan hệ của mình với Hoa Thịnh Đốn là Đài Loan. Hòn đảo tự trị này đã trở thành nạn nhân trong các vụ leo thang quân sự và những lời lẽ đe doạ của Trung Cộng trong năm qua.
“Hoa Kỳ có khả năng đẩy mạnh hợp tác an ninh với Đài Loan để trả đũa Trung Quốc, và họ cũng có khả năng sẽ xem xét gia tăng hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan,” ông Trầm nói với The Epoch Times trong một email.
Ông Ian Easton, giám đốc cao cấp của Viện nghiên cứu Dự án 2049 có trụ sở tại Virginia, nói rằng Hoa Kỳ sẽ học được một số bài học đau đớn từ Afghanistan.
“Tôi cho rằng kết luận cuối cùng mà chính phủ ông Biden sẽ đưa ra là không đời nào Hoa Kỳ có thể đánh mất một chính phủ thân thiện nữa,” ông Easton nói trong một cuộc phỏng vấn với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.
Ông James M. Dorsey, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết mặc dù sự hỗn loạn ở Afghanistan có thể đã làm lung lay một số đồng minh của Mỹ, nhưng thực tế là hầu hết họ đều phải đối mặt với rất ít sự lựa chọn thay thế cho sự hỗ trợ của Hoa Thịnh Đốn.
Ở Á Châu, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Nam Hàn ngày càng tỏ ra lo ngại trước hành vi gây hấn của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Những tháng gần đây, hai quốc gia này đã nhấn mạnh hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra, thái độ này cũng được phản ánh trong Đối thoại An ninh Tứ giác hay còn gọi là nhóm “Quad,” một liên minh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản.
Ông Dorsey nhận thấy mối bang giao của nhóm Quad ngày càng thắt chặt sau [sự kiện ở] Afghanistan.
Ông nói với The Epoch Times: “Người Ấn Độ có thể sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, vì những mối lo ngại về an ninh của họ sau [sự kiện ở] Afghanistan.”
Bắc Kinh và Taliban
Theo ông Dorsey, mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số nhà phân tích đã mô tả việc Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, nhưng bức tranh trên thực tế phức tạp hơn nhiều.
Ông nói, một mặt, Bắc Kinh vui mừng khi thấy Hoa Kỳ rời khỏi khu vực mà họ coi là sân sau của mình. Nhưng mặt khác, việc Hoa Kỳ rút lui đồng nghĩa với việc gia tăng bất ổn ở Afghanistan, quốc gia mà Trung Cộng từ lâu đã lo sợ rằng có thể trở thành căn cứ để các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực viễn tây Tân Cương.
Mặc dù vào tháng trước, Taliban đã bảo đảm với Bắc Kinh rằng họ sẽ “không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc,” nhưng vẫn còn phải xem liệu nhóm này có theo đến cùng cam kết này hay không. Ông Dorsey lưu ý rằng, ngay cả khi Taliban nói thật, thì trong giai đoạn này vẫn chưa rõ quyền kiểm soát của nhóm này trên toàn bộ đất nước chắc chắn đến mức độ nào để có thể thực thi một lệnh như vậy.
Một mối lo ngại khác là nếu những chiến binh đó tràn sang nước láng giềng Pakistan và các quốc gia Trung Á khác, nơi Trung Cộng đã đầu tư mạnh thông qua kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường hàng đầu của họ. “Điều đáng sợ là quý vị không thể kiểm soát nó [sự bất ổn],” ông Dorsey nói.
Nói chung, Bắc Kinh có khả năng không hành động vội vàng để chính thức công nhận Taliban hoặc theo đuổi các cơ hội kinh tế ở quốc gia này. “Quý vị sẽ [thấy] có chút thái độ chờ đợi, không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ các nước láng giềng khác của Afghanistan,” theo như ông Dorsey cho biết.
Trung Cộng đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án khoáng sản và năng lượng ở Afghanistan, nhưng họ sẽ không thể khởi đầu thành công nếu không có sự ổn định.
Ông Dorsey nói: “Họ sẽ thận trọng. Bởi vì họ không muốn ném tiền qua cửa sổ hoặc đầu tư tiền trong tình thế mà quốc gia đó không ổn định.”
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Cathy He là một phóng viên hiện đang sinh sống tại New York, tập trung đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây bà từng là một luật sư chính phủ ở Úc. Bà tham gia The Epoch Times hồi tháng 02/2018.
Ông Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Ông đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Do Cathy He và Frank Fang thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: