Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn ở Thái Bình Dương trước các lo ngại về thỏa thuận an ninh Bắc Kinh-Solomon
Chính phủ Tổng thống Biden có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo từ các quốc gia ở Quần đảo Thái Bình Dương tới Tòa Bạch Ốc trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao ở Nam Thái Bình Dương sau khi một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon được ký kết.
Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campell đã nói với những người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Hoa Kỳ-New Zealand hôm 02/05 rằng Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn tại “các khu vực quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt với người dân quần đảo Thái Bình Dương,” theo những bình luận mà Reuters thu thập được.
Ông Campbell nói rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ làm việc với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (U.S. AID) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để tài trợ cho các dự án trong khu vực và cũng tái khai triển Đoàn Hòa bình (Peace Corps).
Cũng sẽ có thêm sự hỗ trợ cho Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một khối thương mại bao gồm nhiều quốc gia Thái Bình Dương.
Gần đây ông Campbell đã đến thăm Quần đảo Solomon trong một nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn “Sự hợp tác An ninh giữa Quần đảo Solomon và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC)” được tiến hành.
Theo một bản dự thảo bị rò rỉ, Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, binh lính, vũ khí, và thậm chí các chiến hạm hải quân — với sự đồng ý của Solomon— để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.”
Các chuyên gia đã cảnh báo việc thực thi đầy đủ hiệp ước này sẽ dẫn đến việc quân sự hóa từng bước và các căng thẳng địa chính trị giống như ở Đông Nam Á.
Mặc dù Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã cam đoan với ông Campbell và các nhà chức trách Úc rằng sẽ không có căn cứ quân sự trong khu vực, nhưng ông vẫn cương quyết trong quyết định hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng).
“Khi Úc đăng ký trở thành thành viên của AUKUS, chúng ta đã không trở nên cường điệu hoặc quá khích về những tác động mà điều này gây ra cho chúng ta,” ông nói với Quốc hội Solomon hôm 29/04. “Chúng ta tôn trọng quyết định của Úc.”
Quần đảo Solomon là địa điểm diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt trong Đệ nhị Thế chiến — gây thương vong cho 7,000 người thuộc các lực lượng của phe Đồng minh — bởi vì vị trí chủ chốt của quần đảo này và ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển trọng yếu.
Ông Sogavare, người rất không được quần chúng ưa chuộng ở nước này — một đất nước có lịch sử xung đột dân sự — đang chờ đến cuộc bầu cử vào năm tới, và có những lo ngại rằng vị thủ tướng này có thể sắp đặt một sự kiện cờ giả để ngăn chặn điều này xảy ra (để tránh mất đi quyền lực).
Chuyên gia về Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã kêu gọi Úc và các quốc gia dân chủ khác ngừng hợp tác với vị thủ tướng này với hy vọng khiến ông ấy thay đổi ý định, và thay vì thế, hãy khiến ông ấy phải chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định Hòa bình Townsville năm 2000, vốn đã dẫn đến một kỷ nguyên của sự ổn định và chính phủ quốc gia cho đất nước này.
Trong khi đó, quan chức Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu Grant Newsham đã kêu gọi các nước đồng minh dân chủ hướng sự chú ý đến các cáo buộc hối lộ do ĐCSTQ gây ra.
“Tất cả các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc hoặc công ty ngoại quốc khác ở Solomon nên được công chúng tìm hiểu kỹ lưỡng,” thành viên cao cấp ở Viện Yorktown này đã viết cho The Epoch Times. “Bên cạnh việc cắt giảm các nỗ lực lật đổ của Bắc Kinh, sự minh bạch và việc tiết lộ các hoạt động tham nhũng sẽ giúp đỡ cho các chính trị gia và các nhóm ở địa phương – những người muốn một chính phủ trung thực, đồng thuận và phản đối sự thống trị của ĐCSTQ.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times