Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục thụ động trước Trung Quốc
“Thời mà người Mỹ thụ động và ngây thơ trước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã qua”, Cố vấn Nhà Trắng Robert O’Brien khẳng định.
Trong 2 ngày qua, ông Robert O’Brien, cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Donald Trump, và ông Christopher Wray, giám đốc FBI, đã nhấn mạnh mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi nói về nỗ lực gần đây của chính phủ Hoa Kỳ trong việc đối phó với chính quyền này.
Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở Arizona, ông O’Brien nói rằng Hoa Kỳ sẽ không còn thụ động trong việc đối phó với ĐCSTQ, và cho biết rằng sau phát biểu này của ông, sẽ có nhiều bài phát biểu thể hiện sự thách thức đối với chính quyền Trung Quốc trong những tuần tới.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng chưởng lý William Barr, cũng như giới chức chính quyền cấp cao khác, dự kiến sẽ có bài phát biểu về vấn đề này.
Ngày 24/6, ông O’Brien phát biểu tại Phoenix rằng: “Thời kỳ mà người Mỹ thụ động và ngây thơ trước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã qua”.
Ông nói thêm: “Nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa trong những hành động của ĐCSTQ và mối đe dọa mà những hành động đó gây ra cho lối sống tốt đẹp của chúng ta”.
Cố vấn an ninh Nhà trắng cũng cho biết, Hoa Kỳ đã chào đón Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2001 với “những nhượng bộ và đặc quyền thương mại to lớn”, đồng thời cũng xem nhẹ “việc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền ” và “mù quáng trước việc Trung Quốc trộm cắp công nghệ khắp nơi trong nền kinh tế Hoa Kỳ”.
Ông O’Brien nói: “Khi Trung Quốc ngày càng giàu có và mạnh mẽ hơn, chúng ta tin rằng ĐCSTQ sẽ tự do hóa để đáp ứng nguyện vọng dân chủ đang gia tăng từ người dân của họ. Đây là một ý tưởng táo bạo, tinh tế của Mỹ. Điều này bắt nguồn từ sự lạc quan vốn có trong chúng ta và bằng kinh nghiệm của chúng ta khi chiến thắng chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Thật không may, đó hóa ra là một ý tưởng quá ngây thơ”.
Ông O’Brien cũng đưa ra một danh sách các hoạt động mà chính quyền Trung Quốc thực hiện, không chỉ nhằm mục đích đàn áp công dân của chính họ mà còn ảnh hưởng đến người Mỹ. Ông nhấn mạnh rõ rằng ông không tấn công người dân Trung Quốc, mà là ĐCSTQ.
Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết hiện FBI đang thực hiện hơn 2.000 cuộc điều tra liên quan đến ĐCSTQ. Ông Wray nói với tờ Fox News rằng trong thập kỷ qua, các cuộc điều tra về gián điệp kinh tế có liên kết với chính quyền Trung Quốc đã tăng khoảng 1.300%.
Giám đốc FBI cũng cáo buộc ĐCSTQ đã tìm cách can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ và theo dõi các công ty hàng đầu tại Mỹ thuộc Fortune 100.
Ngày 24/6, ông Wray nói: “Không có một quốc gia nào có mối đe dọa lớn và toàn diện tới sự sáng tạo, an ninh kinh tế, cũng như nền dân chủ của Hoa Kỳ hơn là Trung Quốcc”.
Ông Wray cũng cho biết rằng “cứ mỗi 10 tiếng đồng hồ [FBI] sẽ mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc”.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các hạn chế đối với việc chuyển giao công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ cho Huawei và đã hạn chế khả năng mà Quân đội Giải phóng Nhân dân trực thuộc ĐCSTQ sử dụng các chương trình thị thực dành cho sinh viên để đưa các sĩ quan của họ vào các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ.
Tác giả và chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang cho biết Hoa Kỳ cuối cùng đã “trở nên thực tế hơn về Trung Quốc”.
Ông Chang cho biết: “Họ đang bắt đầu hiểu được thách thức căn bản mà Bắc Kinh đặt ra cho xã hội Mỹ”.
Ông Chang nói thêm rằng: “Chúng ta luôn luôn hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hội nhập vào hệ thống quốc tế, nhưng càng ngày [ĐCSTQ] càng cho thấy rõ ràng con đường sai trái của họ, ngày càng trở nên thù địch, khiêu khích, hiếu chiến, hung hăng. Chúng ta cần nghe một nhà chức trách Mỹ nói rằng chính sách của Hoa Kỳ là sẽ chấm dứt sự cai trị của [ĐCSTQ]”.
Lầu Năm Góc gần đây đã quyết định ban hành danh sách các công ty Trung Quốc do quân đội ĐCSTQ sở hữu hoặc kiểm soát. Theo luật năm 1999, Lầu Năm Góc được ủy quyền để xác định các công ty do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) “sở hữu hoặc kiểm soát” đang tham gia cung cấp dịch vụ thương mại, sản xuất, hoặc xuất khẩu.
Ông Peter Huessy, chủ tịch GeoStrategic Analysis – một công ty tư vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia, cho biết: chính quyền Tổng thốngTrump là chính quyền đầu tiên của Hoa Kỳ xem xét nghiêm túc mức độ đe dọa của ĐCSTQ.
Các công ty trong danh sách do Lầu Năm Góc xác định bao gồm: “gã khổng lồ” công nghệ Huawei, nhà khai thác di động China Mobile và China Telecom; nhà sản xuất ô tô đường sắt CRRC; nhà sản xuất camera giám sát Hikvision; các công ty đóng tàu CSIC và CSSC; công ty hàng không vũ trụ AVIC; công ty quốc phòng Norinco; cùng công ty điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Inspur.
Ông Frank Gaffney, cựu trợ lý Chính sách An ninh Quốc tế của Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Reagan đã nhận định rằng thông báo của Lầu Năm Góc “là một bước tiến rất có ý nghĩa”.
Ông Gaffney cho biết: “Tôi nghĩ đó là cú sốc đối với một người Mỹ khi biết rằng một tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Người ta không thể tưởng tượng hết được những gì [tổ hợp này] đang làm tại đây”.
Ông nói thêm rằng: “Chúng ta không thể tiếp tục bỏ qua những dấu hiệu rất rất đáng ngại này, [những dấu hiệu] cho thấy ý định xấu xa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Hoa Kỳ nữa”. Ông Gaffney hiện là phó chủ tịch Uỷ ban về Nguy cơ Hiện tại từ Trung Quốc.
Một mối quan ngại khác là Huawei, gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc; nhiều người ở Washington coi công ty này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ngày 25/6, ông Keith Krach, một nhân viên trong Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho biết quốc gia này có thể giúp đỡ các nước khác về tài chính để họ mua sản phẩm từ nhà cung cấp phương Tây thay vì Huawei.
Nguyễn Minh