Hoa Kỳ: Rủi ro mất điện vào mùa hè gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Tổng công ty Độ tin cậy Điện Bắc Mỹ (NERC) cảnh báo trong một báo cáo mới ảm đạm rằng nhiều khu vực ở Bắc Mỹ có nguy cơ bị mất điện vào mùa hè này.
Theo báo cáo “Đánh giá Độ tin cậy Mùa hè” của tổ chức bất vụ lợi này, có thể xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng vào mùa hè trong bối cảnh các nhà máy điện đóng cửa, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, và nắng nóng gay gắt. Tổ chức này, vốn thúc đẩy sự ổn định và an ninh lưới điện, cảnh báo rằng nguồn cung cấp điện tại một vùng rộng lớn của Hoa Kỳ và Canada, kéo dài từ Hồ Lớn đến Trung Tây, sẽ bị quá tải do nhu cầu ngày càng tăng.
NERC nói thêm rằng các nguồn điện sẽ eo hẹp hơn đáng kể do các nhà máy cũ đóng cửa hoặc các cơ sở khác đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nhiên liệu.
Thêm vào đó, báo cáo lưu ý rằng lưới điện có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng gia tăng trong những tháng tới.
Báo cáo nêu rõ: “Ngành điện và các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng khác phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng từ Nga và các tác nhân tiềm năng khác trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng cùng với những rủi ro mạng đang diễn ra. Những kẻ tấn công từ Nga có thể đang lên kế hoạch hoặc cố gắng thực hiện hoạt động mạng độc hại để truy cập và làm gián đoạn lưới điện ở Bắc Mỹ để trả đũa việc hỗ trợ Ukraine.”
Việc các nhà máy nhiên liệu hóa thạch ngừng hoạt động sớm là một vấn đề quan trọng trong toàn cảnh năng lượng, trong khi các công ty khí đốt tự nhiên và than đang hoạt động ở công suất tối đa.
Tình trạng hạn hán diễn ra ngày nay ở nhiều khu vực của Bắc Mỹ đã hạn chế hoạt động sản xuất từ các đập thủy điện. Ngoài ra, cá vụ cháy rừng có thể che kín bầu trời với khói có khả năng đe dọa các tấm pin mặt trời trên mái nhà, khiến các hộ gia đình lại phải phụ thuộc vào lưới điện, gây thêm căng thẳng cho hệ thống tổng thể.
NERC cho biết số lượng ngày càng tăng “các nhà phát triển năng lượng mặt trời đang chỉ cho các công ty tiện ích thấy rằng họ sẽ không thể đáp ứng thời hạn vận hành dự kiến”, bao gồm cả các dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào mùa hè này.
Từ tỉnh Manitoba đến bang Louisiana, các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng việc thiếu hụt công suất có thể gây ra “tình trạng khẩn cấp về năng lượng” vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
California đã cảnh báo cư dân rằng họ có nguy cơ mất điện trong ba mùa hè tới khi tiểu bang chuyển sang sử dụng năng lượng xanh. California đang cân nhắc giữ một nhà máy điện hạt nhân mở cửa để bù đắp tổn thất tiềm năng của thủy điện.
Mặc dù là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, Texas cũng có thể phải chịu đựng những vấn đề to lớn trong vài tháng tới do “sự kết hợp của nhu cầu cao điểm cực độ, gió thấp và tỷ lệ cắt điện cao từ các nhà máy nhiệt điện có thể yêu cầu các nhà vận hành hệ thống sử dụng các quy trình khẩn cấp, thậm chí và bao gồm cả việc cắt điện thủ công tạm thời.”
Cư dân Texas đang được yêu cầu tiết kiệm điện khi thời tiết oi nóng để tránh mất điện vào mùa hè. Các chuyên gia khuyến cáo các hộ gia đình nên để nhiệt kế ở mức 78, đợi đến 8 giờ tối để chạy các thiết bị lớn và có phương án khẩn cấp trong trường hợp mất điện. Tuy nhiên, Hội đồng Độ tin cậy Điện của Texas cho biết tiểu bang duy trì đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu cao nhất mọi thời điểm vào mùa hè này.
Bắc Mỹ có thể thoáng thấy viễn cảnh mùa hè năm 2022 với những gì hiện đang diễn ra ở Á Châu.
Châu lục này đang trải qua một đợt nắng nóng dẫn đến mất điện hàng ngày ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Các điều kiện khí hậu này đã khiến hơn một tỷ người gặp rủi ro. Trung Quốc và Nhật Bản cũng có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung điện trong những tháng tới.
Các quan chức công nghiệp ở Bắc Kinh cảnh báo rằng tình hình năng lượng sẽ là thách thức để giải quyết, mặc dù chính phủ đã cam kết rằng đất nước sẽ có đủ điện. Tokyo đang thực hiện một cách tiếp cận chủ động, kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng và thay đổi thói quen của họ trong vài tuần tới.
Những đau đầu mùa hè tạo ra tai ương mùa đông?
Khí đốt tự nhiên hiện là nhiên liệu chính cho các nhà máy điện ở Hoa Kỳ. Lượng tồn kho đang trở thành một vấn đề do sản lượng và dự trữ không theo kịp với nhu cầu tăng vọt trong nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Hơn nữa, với việc Hoa Kỳ dự kiến sẽ vận chuyển nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến Âu Châu trong năm nay khi khu vực đồng euro giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các nhà phân tích thị trường lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Đây là lý do tại sao các nhà quan sát trong ngành đã chú ý nhiều hơn đến báo cáo lưu trữ hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).
Trong tuần kết thúc hôm 20/05, tổng nguồn cung ở mức 1.812 ngàn tỷ feet khối, thấp hơn 387 tỷ feet khối so với cùng thời điểm cách đây một năm. Con số này cũng thấp hơn 327 tỷ feet khối so với mức trung bình 5 năm là 2.139 ngàn tỷ feet khối. Hoa Kỳ đã ghi nhận bảy tuần liên tiếp về nguồn cung tăng, nhưng khoảng cách giữa các mức tồn kho hiện tại và lịch sử tiếp tục mở rộng trong bối cảnh nhiệt độ ấm hơn.
Ông Phil Flynn, tác giả của cuốn “Báo cáo Năng lượng”, viết: “Lượng tồn kho đã giảm xuống do nhu cầu mạnh mẽ đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng của những người mua Âu Châu thay thế khí đốt của Nga và các công ty khoan dầu trong nước, những công ty đã chậm chạp trong việc tăng sản lượng mặc dù giá ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.”
Nhưng trong khi tất cả tập trung vào nhu cầu mùa hè, ngành năng lượng đã để mắt đến tình trạng thiếu hụt tiềm năng vào mùa đông, với Rystad Energy trong một tuyên bố gọi đó là “một cơn bão hoàn hảo và không thể tránh khỏi”.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu năng lượng độc lập thì trong năm nay, nhu cầu LNG toàn cầu đạt 436 triệu tấn, vượt nguồn cung hiện có là 410 triệu tấn.
Ông Kaushal Ramesh, một nhà phân tích cao cấp của LNG tại Rystad, viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Một cơn bão mùa đông hoàn hảo có thể đang hình thành đối với Âu Châu khi châu lục này tìm cách hạn chế dòng khí đốt của Nga. Sự mất cân bằng nguồn cung và giá cao sẽ tạo tiền đề cho môi trường triển vọng nhất của các dự án LNG trong hơn một thập niên, mặc dù nguồn cung từ các dự án này sẽ chỉ đến và cung cấp cứu trợ từ sau năm 2024.”
Một số người cho rằng tình hình năng lượng có thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh dỡ bỏ chiến lược Zero COVID, cho phép nền kinh tế hoạt động hết công suất, nhu cầu LNG công nghiệp có thể tăng lên trong nửa cuối năm 2022.
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 160% tính đến thời điểm hiện tại, đạt mức 9 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (Btus). Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008 do các nhà đầu tư đánh giá nhu cầu tăng cao và lượng cung không đủ trong những năm tới.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).