Hoa Kỳ ra cảnh báo mới: Người Mỹ nên rời Ukraine càng sớm càng tốt
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo mới đối với người Mỹ ở Ukraine, yêu cầu họ “lập tức rời đi” do có thể bị gián đoạn việc đi lại.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố hôm 21/02: “Bộ Ngoại giao tiếp tục hối thúc công dân Hoa Kỳ lập tức rời khỏi Ukraine bằng các phương tiện thương mại hoặc tư nhân do mối đe dọa gia tăng từ hành động quân sự của Nga.”
Cơ quan này cho biết “tình hình an ninh” ở quốc gia Đông Âu này vẫn còn “khó đoán” và có thể “xấu đi mà không có thông báo trước”. Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Nga có thể “làm hạn chế nghiêm trọng việc đi lại bằng đường hàng không thương mại,” điều này có khả năng ảnh hưởng đến các công dân Hoa Kỳ đang cố gắng rời đi, Bộ Ngoại giao cho hay.
Đầu ngày 21/02, Ukraine và Nga một lần nữa trao đổi các cáo buộc về giao tranh ở miền đông Ukraine. Sau khi Moscow tuyên bố rằng các binh sĩ Ukraine đã vượt qua lãnh thổ của mình và các lực lượng Nga đã sát hại năm binh sĩ của họ, Ukraine đã bác bỏ các cáo buộc này trên mạng xã hội.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba viết trên Twitter: “Không, Ukraine đã KHÔNG: Tấn công Donetsk hoặc Luhansk; gửi kẻ phá hoại hoặc APC (xe thiết giáp chở quân) qua biên giới Nga; nã pháo vào lãnh thổ Nga; pháo kích biên giới Nga; thực hiện các hành vi phá hoại.
Vài giờ trước đó, các quan chức quân sự Nga tuyên bố trên các phương tiện truyền thông nhà nước rằng họ đã tiêu diệt năm kẻ phá hoại bị tình nghi từ Ukraine đi vào vùng Rostov của Nga, đồng thời phá hủy hai xe bọc thép.
Trong bối cảnh cảnh báo về cuộc xâm lược ngày càng dồn dập, chính phủ Tổng thống Biden đã gửi một lá thư tới người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc rằng Moscow đã lập danh sách những người Ukraine sẽ bị sát hại hoặc bị đưa đến các trại tạm giam sau cuộc xâm lược. Phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận những tuyên bố như vậy và cho biết không có danh sách nào như vậy tồn tại.
Bắt đầu từ ngày 17/02, các cuộc pháo kích đã gia tăng dọc theo đường phân chia ranh giới căng thẳng chia cắt lực lượng quân đội Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donbas. Kể từ khi một cuộc xung đột nổ ra ở đó vào năm 2014, ước tính ít nhất 14,000 người đã thiệt mạng.
Ukraine và phiến quân ly khai đã đổ lỗi cho nhau trước các vi phạm lệnh ngừng bắn với hàng trăm vụ nổ được ghi nhận mỗi ngày. Các nhà lãnh đạo ly khai ở Donetsk và Lugansk hôm 18/02 đã thông báo về việc di tản hàng trăm ngàn dân thường, nói rằng họ có thể vào Nga.
Hôm 21/02, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, ông Leonid Pasechnik, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin nên công nhận các khu vực này là các quốc gia độc lập. Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk, ông Denis Pushilin, cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Nga công nhận khu vực này là một nhà nước.
“Tôi yêu cầu quý vị công nhận chủ quyền và độc lập của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR). Tôi cũng đề nghị quý vị xem xét khả năng ký kết một thỏa thuận hữu nghị và hợp tác giữa LPR và Liên bang Nga, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng,” ông Pasechnik nói.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: