Hoa Kỳ, Quốc gia của Đức tin
Ngày 23/08/1984, trong một bữa ăn sáng cầu nguyện chung tại Dallas, Tổng thống Ronald Reagan lúc bấy giờ đã nói: “Không có Chúa thì sẽ không có đức hạnh vì không có lương tâm ước thúc … Không có Chúa, xã hội sẽ trở nên tệ hơn. Và nếu không có Chúa, nền dân chủ sẽ không thể tồn tại lâu dài. Nếu quên rằng chúng ta là một quốc gia dưới quyền năng của Chúa, thì chúng ta sẽ là một quốc gia bị sụp đổ”.
Trong nhiều thập niên, những người theo chủ nghĩa thế tục đã háo hức chờ đợi ngày Hoa Kỳ không còn thừa nhận Chúa và trở thành một quốc gia đánh mất những lý tưởng và tinh thần của thời khai quốc. Họ đưa ra kết quả các cuộc khảo sát cho thấy việc người ta ít đi nhà thời hơn, cùng với việc giới trẻ ngày càng mất hứng thú và ngày càng từ bỏ các tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối, như bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang quay lưng lại với Chúa.
Đúng vậy, quý vị có thể thấy những biểu hiện của một nền văn hóa không còn coi trọng Chúa xung quanh chúng ta — sự suy yếu của gia đình, việc cướp đi mạng sống của người vô tội và những vụ tấn công liên tục vào tự do tôn giáo. Nhưng bất chấp việc một số thành viên trong xã hội ăn mừng những biểu hiện bi thảm này, một số lớn người Mỹ vẫn đặt niềm tin vào Chúa, cố gắng sống theo những lời dạy của Kinh Thánh và tham gia vào các cộng đồng tôn giáo.
Trong một bài báo gần đây trên The Claremont Review of Books, ông John DiIulio, đã viết rằng trong cuốn sách “Secular Surge: A New Fault Line in American Politics” (Làn Sóng Thế Tục: Một Phương Hướng Sai Lầm Mới Trong Chính Trị Hoa Kỳ) của David Campbell, Geoffrey Layman và John Green, các tác giả đã khẳng định rằng đức tin của người Mỹ không lụi tàn. Thay vào đó, khoảng cách giữa những người tin và những người không tin đang mở rộng.
Họ viết rằng trong khi 28% người Mỹ tuyên bố “theo chủ nghĩa thế tục”, chỉ một phần ba trong số đó là công khai thù địch với tôn giáo. Nhưng một phần ba đó đã giành được quyền kiểm soát nhiều tổ chức của Hoa Kỳ — chẳng hạn như các trường đại học và tổ chức truyền thông của chúng ta — vì vậy đã có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa và chính trị của quốc gia.
Nhưng dù họ có quyết tâm lăng mạ, bịt miệng và dập tắt đức tin, thì những người theo chủ nghĩa thế tục này rồi sẽ phát hiện ra những gì mà người cộng sản Liên Xô đã học được khi Giáo hoàng John Paul II đến thăm Ba Lan vào năm 1979. Khi những người vô thần ở Liên Xô tưởng rằng đã dập tắt được đức tin của họ, thì người Ba Lan đã bắt đầu liên tục hô vang “Chúng tôi muốn có Chúa” — và niềm khao khát đó đã làm rung chuyển điện Kremlin.
Thật không may, giới thượng lưu theo chủ nghĩa thế tục ở Hoa Kỳ đã không rút ra bài học rằng “những người không học hỏi từ lịch sử sẽ phải lặp lại điều đó”. Trong nỗ lực không ngừng để tước bỏ nền tảng tín ngưỡng của đất nước chúng ta, họ đang vô thức giúp đỡ giáo hội: đánh giá xem tín đồ nào thật, tín đồ nào giả (những người nói rằng họ theo đạo nhưng thực sự không phải vậy), trong khi củng cố đức tin của những người tin rằng Chúa đóng một vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh đời sống của họ.
Số liệu thống kê đã chứng minh điều này. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy tỷ lệ người Mỹ tự nhận là tín đồ Cơ đốc đã giảm xuống 63% so với 78% vào năm 2007, trong khi số người Mỹ nói rằng họ không có tôn giáo đã tăng 13% trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Pew vào đầu năm nay cho thấy gần một phần ba người Mỹ cho biết đức tin của họ đã trở nên mạnh hơn trong một năm rưỡi vừa qua (trùng với giai đoạn COVID-19) – tỷ lệ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào.
Vì vậy, tín ngưỡng chân chính đang được mở rộng. Những tín đồ chân chính đã nhận ra rằng tín ngưỡng của họ đi kèm với cái giá mà họ sẵn sàng trả để đứng về phía Chúa và tự do, trong khi những người bằng lòng với đức tin “chỉ trên danh nghĩa” là những người đang rời đi. Tôi khẳng định đó là một điều tốt cho Hoa Kỳ.
Trong một bài diễn văn hồi tháng 09/1982, Tổng thống Reagan khi đó đã nói: “Chúng ta không thể mong đợi Chúa bảo vệ mình trong thảm họa nhưng chỉ đặt Ngài trên kệ trong cuộc sống hàng ngày. Tôi tự hỏi liệu có khi nào Ngài không chờ đợi chúng ta thức tỉnh hay không”.
Là một quốc gia, chúng ta không cần có thêm những người chỉ đặt Chúa lên kệ và chỉ hướng về Ngài mỗi khi gặp khó khăn. Chúng ta cần những người hướng về Ngài hàng ngày để được chỉ dẫn, động viên và tiếp thêm sức mạnh.
Đó là lý do tại sao tôi được khích lệ khi ngày càng có nhiều người Mỹ nhận ra họ không thể chỉ để Chúa trên kệ trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi những người theo chủ nghĩa thế tục đưa ra cái gọi là “những con số” và tuyên bố rằng đức tin của chúng ta đang suy yếu, họ đã quên rằng những tín đồ chân chính “muốn có Chúa”, như những người Ba Lan. Và nếu đúng như vậy, thì chính những người thực sự kiên định với đức tin sẽ khôi phục lại tiêu chuẩn đạo đức, lương tri và tinh thần của quốc gia chúng ta — và chúng ta sẽ vẫn là một quốc gia dưới quyền năng của Chúa.
Ông Timothy S. Goeglein là phó chủ tịch về quan hệ ngoại giao và chính phủ của tổ chức Focus on the Family ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn và là đồng tác giả của cuốn “American Restoration: How Faith, Family, and Personal Sacrifice Can Heal Our Nation” (Sự Phục Hồi Của Hoa Kỳ: Đức Tin, Gia Đình và Sự Hy Sinh Cá Nhân Có Thể Chữa Lành Đất Nước Của Chúng Ta Ra Sao).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: