Hoa Kỳ phụ thuộc vào dầu lửa Nga ở mức kỷ lục, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nước
Nhập cảng dầu của Nga đã lập một kỷ lục mới tại Hoa Kỳ bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow. Các chuyên gia trong ngành tin rằng các chính sách về khí hậu của chính phủ Tổng thống (TT) Biden sẽ khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà sản xuất dầu ngoại quốc.
Theo Liên minh Năng lượng Phương Tây (Western Energy Alliance), một hiệp hội thương mại đại diện cho 200 nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên độc lập tại Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã nhập cảng dầu thô từ Nga ở mức kỷ lục trong tháng 03/2021 và dự kiến sẽ tiếp tục nhập cảng ở mức cao trong những tháng tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhập cảng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga đạt 22.9 triệu thùng trong tháng 03/2021, mức cao nhất kể từ tháng 08/2010. Trong tổng lượng, nhập cảng dầu thô từ Nga đạt mức 6.1 triệu thùng. Nga đã trở thành nước xuất cảng dầu lớn thứ ba vào Hoa Kỳ.
Theo ClipperData, một công ty thông tin hàng hóa chuyên theo dõi các chuyến hàng trên toàn thế giới, lượng dầu vận chuyển từ Nga tiếp tục ở mức cao kể từ tháng 03/2021.
Các nhà phân tích ClipperData viết trên Twitter vào ngày 07/06 rằng, “Tháng trước, chúng tôi đã chứng kiến mức kỷ lục 5.75 triệu thùng dầu thô của Nga được đưa vào Hoa Kỳ và chúng tôi dự kiến sẽ có thêm một kỷ lục nữa trong tháng này là 7.5 triệu thùng.”
Các nhà phê bình cho rằng nghị trình về khí hậu của ông Biden gây khó khăn cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ nhưng lại mềm yếu đối với các nhà sản xuất ngoại quốc.
Bà Kathleen Sgamma, chủ tịch Liên minh Năng lượng Phương Tây, nói với The Epoch Times rằng, “Thật đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp của chúng ta khi chính phủ TT Biden cố gắng gây bất lợi cho nhà sản xuất Hoa Kỳ trong khi thúc đẩy các ngành công nghiệp của Iran và Nga.”
Theo bà Sgamma, việc nhập cảng dầu của Nga tăng đột biến gần đây diễn ra sau “các chính sách khí hậu sai lầm” của chính phủ, bao gồm việc chấm dứt đường ống Keystone XL và tạm dừng cấp phép khai thác dầu và khí tự nhiên mới trên các vùng đất và vùng biển công cộng.
Tổng thống Joe Biden đã “khiến chúng ta lâm vào tình trạng lệ thuộc dầu mỏ của Nga chỉ một năm sau khi hoàn toàn độc lập,” bà Sgamma nói và gọi đây là “món quà địa chính trị” cho Điện Kremlin.
Dầu thô Trung cấp (còn được gọi là dầu thô “ngọt nhẹ”, West Texas Intermediate–WTI, một loại dầu thô được sử dụng làm mức chuẩn trong giá dầu) Tây Texas của Hoa Kỳ đã vượt mốc 70 USD vào tuần trước, đạt mức cao nhất trong hơn hai năm. Các nhà giao dịch hàng hóa hàng đầu hiện tin rằng giá dầu có thể đạt mức 100 USD/thùng do hạn chế về nguồn cung. Dầu đã không giao dịch trên mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng cao cấp của Price Future Group, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, “Đã có một sự khan hiếm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, điều này sẽ khiến chúng ta không đủ cung ứng trong thời gian tới.”
Ông lưu ý rằng các chính sách về khí hậu của chính phủ TT Biden, vốn sẽ làm giảm nguồn cung dầu và khí đốt, là nhân tố chính thúc đẩy giá cả.
“Sản lượng dầu của Hoa Kỳ đã giảm 1.715 triệu thùng [mỗi ngày] so với một năm trước, vì vậy một phần lớn khoảng trống đó đang được Nga lấp đầy,” ông Flynn viết trong một bài bình luận gần đây trên Fox Business.
Ông viết: “Trong nhiệm kỳ của cựu TT Trump, Hoa Kỳ đang cạnh tranh với Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt thống trị thế giới, nhưng dưới thời TT Biden, chúng ta đang rút lui khỏi cuộc đua đó nhân danh sự biến đổi khí hậu.”
Ông lập luận rằng giá dầu và khí đốt tăng sẽ giúp thúc đẩy năng lượng và sự thống trị chính trị của Nga, đồng thời chỉ trích biện pháp gần đây của ông Biden sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức.
Tháng trước, chính phủ TT Biden đã từ bỏ các lệnh trừng phạt từ thời ông Trump đối với công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 nối liền Nga và Đức.
Đường ống dự kiến sẽ làm tăng sự phụ thuộc của khu vực vào Nga đối với khí đốt tự nhiên. Việc xây dựng đường ống dài 764 dặm bắt đầu vào năm 2018 là nguyên nhân gây xích mích giữa Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh Âu Châu.
Do Emel Akan thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: