Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nhất trí tiếp tục gây áp lực lên Bắc Hàn
Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã cùng đồng tình trong các cuộc đàm phán an ninh cao cấp hôm thứ Sáu (02/04) để hợp sức cùng nhau nhằm tiếp tục gây áp lực buộc Bắc Hàn từ bỏ các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo.
Trong một tuyên bố chung một ngày sau các cuộc hội đàm, Cố vấn An ninh Quốc gia của TT Hoa Kỳ Joe Biden, ông Jake Sullivan, và người đồng cấp Nhật Bản, ông Shigeru Kitamura, cùng cố vấn an ninh quốc gia Nam Hàn Suh Hoon đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc giải quyết vấn đề này “thông qua hợp tác ba bên phối hợp hướng tới phi nguyên tử hóa.”
Ba nước cũng nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Bắc Hàn, “ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử, và hợp tác để tăng cường răn đe và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên,” tuyên bố trên cho biết.
Các cố vấn an ninh quốc gia cũng đã thảo luận về giá trị của việc hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức khác như COVID-19, biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc trả lại nền dân chủ ngay lập tức ở Miến Điện (còn gọi là Myanmar), tuyên bố này cho biết.
Các cuộc hội đàm được tổ chức tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland, là cuộc gặp cao cấp nhất giữa ba đồng minh kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào ngày 20/01 và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau vụ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn vào hồi tuần trước.
Trong khi chính phủ TT Biden đang hoàn tất việc xem xét lại chính sách về Bắc Hàn, tuần trước ông Biden cho biết Hoa Kỳ vẫn cởi mở ngoại giao với Bắc Hàn bất chấp các vụ thử hỏa tiễn đạn đạo, nhưng đã cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Bắc Hàn leo thang những hoạt động này.
Tòa Bạch Ốc đã chia sẻ rất ít về việc đánh giá lại các chính sách của mình và liệu họ có nhượng bộ để đưa Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán thảo luận về việc từ bỏ vũ khí nguyên tử hay không.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price hôm thứ Năm (01/04) cho biết phi nguyên tử hóa sẽ vẫn là trọng tâm của chính sách và bất kỳ cách tiếp cận nào đối với Bình Nhưỡng sẽ phải được thực hiện “đồng bộ” với các đồng minh thân cận, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
TT Biden đã tìm cách khiến Triều Tiên tham gia đối thoại nhưng đến nay vẫn bị khước từ.
Bình Nhưỡng, vốn từ lâu đã tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình vũ khí của mình, cho biết vào tuần trước rằng chính phủ TT Biden đã thực hiện một bước khởi đầu sai lầm và bộc lộ “thái độ thù địch sâu sắc” khi chỉ trích điều mà nước này gọi là các vụ thử hỏa tiễn để tự vệ.
Một cuộc họp báo của quan chức Hoa Kỳ trước các cuộc đàm phán trên cho biết việc đánh giá lại Bắc Hàn đang ở giai đoạn cuối và “giờ chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành một số cuộc thảo luận cuối cùng với Nhật Bản và Nam Hàn trong lúc chúng ta tiếp tục công việc đó.”
Ông Joseph Yun, đặc phái viên của Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Hàn dưới thời cựu TT Barack Obama và cựu TT Donald Trump và hiện đang làm việc tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết các lựa chọn chính sách là rõ ràng, “Quý vị muốn phi hạt nhân hóa và quý vị muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt của mình để tiến tới phi hạt nhân hóa.”
“Nhưng làm thế nào để tiến hành bước khởi đầu, để ít nhất khiến Bắc Hàn bị thuyết phục không làm bất cứ hành động khiêu khích nào. Đó là một thách thức,” ông nói.
Một số người ủng hộ việc đối thoại lo ngại rằng chính phủ TT Biden đã không làm rõ về thỏa thuận chung giữa ông Donald Trump và ông Kim trong cuộc gặp đầu tiên của họ ở Singapore vào năm 2018, đồng thời cảnh báo điều này có thể gây khó khăn cho việc xây dựng lòng tin.
Khi được hỏi liệu thỏa thuận đó còn có giá trị hay không, quan chức này cho biết, “Tôi hiểu tầm quan trọng của thỏa thuận Singapore,” nhưng đã không nói rõ vấn đề này sẽ chiếm mức độ nào trong cuộc đàm phán Annapolis.
Ba quan chức nói trên cũng dự kiến sẽ thảo luận về tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn toàn cầu khiến các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ và các nhà sản xuất khác phải cắt giảm sản lượng.
Do Steve Holland và David Brunnstrom của Reuters thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: