Hoa Kỳ: Người tiêu dùng nợ quá hạn, các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm vào năm 2023
Cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng TransUnion đã cảnh báo rằng người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ chậm trả các khoản vay cá nhân và các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng vào năm tới với tỷ lệ cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Theo TransUnion, nhìn chung, tỷ lệ nợ quá hạn của thẻ tín dụng vẫn ở gần mức trước đại dịch, nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ có sự thay đổi rõ rệt vào năm 2023.
Theo Dự báo tín dụng tiêu dùng năm 2023 của TransUnion được công bố hôm thứ Tư (14/12), những món nợ quá hạn thẻ tín dụng sẽ tăng từ mức 2.1% vào cuối năm 2022 lên 2.6% vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, tỷ lệ quá hạn nợ vay cá nhân không có bảo đảm, hoặc người tiêu dùng quá hạn từ 60 ngày trở lên đối với các khoản vay của họ, dự kiến sẽ tăng từ 4.1% lên 4.3% vào cuối năm tới. Tin tốt là TransUnion dự kiến tỷ lệ quá hạn nợ vay mua ô tô nghiêm trọng sẽ giảm nhẹ giảm từ mức 1.95% vào năm 2022 xuống còn 1.9% vào năm 2023.
“Lãi suất tăng nhanh và lạm phát cao liên tục kết hợp với lo ngại suy thoái kinh tế là những thách thức mới nhất trong một loạt thách thức lớn mà người tiêu dùng phải đối mặt trong những năm gần đây,” cô Michele Raneri, phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn Hoa Kỳ của TransUnion cho biết. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về tỷ lệ quá hạn đối với thẻ tín dụng và khoản vay cá nhân, hai trong số các sản phẩm tín dụng phổ biến hơn.”
Nhu cầu cho vay vẫn ở mức cao
Cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng cho biết, bất chấp tỷ lệ nợ quá hạn dự kiến sẽ tăng, nhu cầu đối với các sản phẩm cho vay có thể sẽ vẫn ở mức cao.
Theo báo cáo này, người Mỹ nhận được thẻ tín dụng mới ở một mức cao kỷ lục với 87.5 triệu thẻ và 22.1 triệu khoản vay cá nhân vào năm 2022. Mặc dù số lần khởi tạo thẻ tín dụng dự kiến sẽ giảm xuống còn 80.9 triệu vào năm 2023, nhưng số lượng thẻ mới được mở sẽ vẫn cao hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong thập niên qua.
Cô Raneri nói với Fortune rằng một phần lý do khiến tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng là do quỹ kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ dollar trong thời kỳ đại dịch đã chấm dứt. Nguồn quỹ này đã giúp các gia đình và doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh phong tỏa và sa thải nhân viên.
“Tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn là do thị trường việc làm bị thắt chặt, nhưng tôi cũng tin rằng đã có rất nhiều tiền được đưa vào hệ thống này và đến tay người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch, và khi số tiền đó hết và cạn kiệt — và sau đó với tình trạng lạm phát khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn — tất cả bắt đầu xuất hiện trong các khoản nợ quá hạn,” cô Raneri nói.
Cô nói thêm, “Quý vị đã quen với việc nhận thêm số tiền đó, và thật cũng khó mà quen khi khoản tiền đó không có nữa.”
Fed tăng lãi suất một lần nữa
Kết quả báo cáo từ TransUnion được đưa ra cùng ngày khi Cục Dự trữ Liên bang bỏ phiếu tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 50 điểm căn bản lên phạm vi mục tiêu là 4.25–4.5% — mức cao nhất kể từ cuối năm 2007 — và báo hiệu nhiều đợt tăng nữa sẽ đến.
Nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến chống lạm phát và mục tiêu đạt 2%.
Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất trên 5% vào năm tới. Điều đó có thể gây khó khăn hơn cho những người Mỹ đang chật vật trả nợ thẻ tín dụng.
Một báo cáo trước đó của TransUnion được công bố hồi tháng Mười một cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ chuyển sang các khoản vay cá nhân và thẻ tín dụng không có bảo đảm nhằm cố gắng chống chọi lại áp lực tài chính do lạm phát tăng cao đang ăn mòn đáng kể khả năng chi tiêu của họ.
Báo cáo đó cho thấy số dư thẻ tín dụng đạt mức cao kỷ lục với 866 tỷ USD trong quý 3 năm 2022, tăng 19% so với năm ngoái, với khoản nợ thẻ tín dụng trung bình trên mỗi người vay đạt 5,474 USD, tăng từ 4,857 USD trong quý 3 năm 2021.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times