Hoa Kỳ-Nga: Đàm phán về Ukraine không có bước đột phá
Hôm thứ Sáu (21/01), Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva như một phần trong nỗ lực theo đuổi con đường ngoại giao và tránh một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Đây là cuộc đàm phán mới nhất trong một loạt các cuộc đàm phán cao cấp giữa hai nước trong những tuần gần đây nhằm giải quyết việc Nga điều động khoảng 100,000 quân dọc theo biên giới với Ukraine.
Trước cuộc đàm phán này, cả hai vị ngoại trưởng đều cho biết họ không mong đợi đạt được một “bước đột phá” trong các cuộc đàm phán, và có vẻ như không bên nào chịu thay đổi lập trường của mình.
Nhưng sau cuộc họp kéo dài 90 phút, ông Blinken đã mô tả cuộc trao đổi này là “thẳng thắn” và “hữu ích”.
“Tôi tin rằng Ngoại trưởng Lavrov hiện đã hiểu rõ hơn về lập trường của chúng tôi và ngược lại,” ông Blinken nói. “Theo nghĩa đó, cuộc thảo luận hôm nay rất hữu ích và đó chính xác là lý do chúng tôi gặp nhau.”
Nga phủ nhận ý định xâm lược Ukraine nhưng đã đưa ra một danh sách yêu cầu bao gồm cả sự tán thành của NATO về việc không bao giờ chấp nhận Ukraine làm một thành viên.
Bộ trưởng Lavrov cho biết tại cuộc họp rằng Nga mong đợi “câu trả lời cụ thể cho các đề nghị cụ thể của chúng tôi” và nói thêm rằng “không một quốc gia nào có thể củng cố an ninh của mình với cái giá phải trả là an ninh của một quốc gia khác.”
Ông Lavrov sau đó gọi các cuộc đàm phán này là “mang tính xây dựng và hữu ích”, đồng thời cho biết Hoa Kỳ đồng ý đưa ra các phản hồi bằng văn bản đối với các yêu cầu của Nga về Ukraine và NATO vào tuần tới.
Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng mặc dù không có khả năng Ukraine sẽ gia nhập NATO trong tương lai gần, nhưng việc quyết định liệu họ có tham gia NATO hay không sẽ chỉ là việc giữa Ukraine và các quốc gia thành viên NATO.
Ông Blinken cho biết ông đã khẳng định lại lập trường đó với ông Lavrov trong cuộc họp.
“Tôi đã nói rõ với Bộ trưởng Lavrov rằng có một số vấn đề và nguyên tắc căn bản mà Hoa Kỳ cũng như các đối tác và đồng minh của chúng tôi cam kết bảo vệ,” ông Blinken nói. “Những đề nghị của Nga bao gồm những điều sẽ cản trở quyền chủ quyền của người dân Ukraine để viết nên tương lai của chính họ. Không có khả năng thương lượng ở đó. Không hề.”
Các quan chức Hoa Kỳ đã và đang nỗ lực để có được một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của mình ở Âu Châu nhằm đưa ra mối đe dọa trừng phạt nếu Nga tiến hành xâm lược. Ông Blinken đã gặp gỡ các bộ trưởng từ Anh Quốc, Pháp, và Đức tại Berlin hôm 20/01 trước cuộc gặp với Bộ trưởng Lavrov.
Ông Blinken hôm thứ Sáu nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ rằng việc theo đuổi con đường ngoại giao hoặc phải chịu một trong những hậu quả “nghiêm trọng” hoàn toàn phụ thuộc vào Nga.
“Đó là lựa chọn hiện đang bày trước mặt Nga, nước này có thể chọn con đường ngoại giao có thể dẫn đến hòa bình và an ninh, hoặc con đường chỉ dẫn đến xung đột, hậu quả nghiêm trọng và bị quốc tế lên án,” ông Blinken nói. “Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở Âu Châu luôn trong tư thế sẵn sàng gặp Nga trên một trong hai con đường này.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra các tuyên bố gần đây cáo buộc Nga phát tán “thông tin sai lệch” nhằm gây bất ổn cho Ukraine.
Họ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với bốn cá nhân có liên quan đến “các hoạt động gây ảnh hưởng đang diễn ra do cơ quan tình báo Nga chỉ thị.”
Ông Lavrov dường như bác bỏ các tài liệu này khi nói, “Tôi hy vọng rằng không phải tất cả mọi người trong Bộ Ngoại giao đều đang làm việc về các tài liệu đó và có một số người đang làm việc về bản chất của các đề nghị của chúng tôi và nội dung của chúng.”
Nga đã giành quyền kiểm soát Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và khu vực Donbas của Ukraine kể từ đó đã chứng kiến bạo lực cướp đi sinh mạng của hơn 14,000 người. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của phe ly khai do Nga hậu thuẫn.
Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: