Hoa Kỳ, Nam Hàn cập nhật kế hoạch chiến tranh để ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Hàn
Các lãnh đạo đứng đầu hai lực lượng quân đội của Hoa Kỳ và Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố chung rằng, liên minh của hai nước đang phát triển “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, với việc hai đồng minh này đang chuẩn bị cập nhật bản hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự của Bắc Hàn.
Hôm thứ Năm (02/12), trong một cuộc họp được tổ chức tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và người đồng cấp Nam Hàn Suh Wook đã thông qua bản hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược mới này, vốn phản ánh những thay đổi đối với môi trường chiến lược [hiện nay].
Hai lãnh đạo đứng đầu này cho biết họ cam kết “tăng cường vị thế răn đe của liên minh này bằng cách tận dụng tất cả các khả năng sẵn có của liên minh, bao gồm cả năng lực không gian và mạng trực tuyến,” đồng thời cũng đồng ý cập nhật các kế hoạch hoạt động để đối phó với các mối đe dọa an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Austin nói với các phóng viên rằng, “Bản hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược từ năm 2010 vẫn còn hiệu lực, nhưng chúng tôi đã chia sẻ nhu cầu về một kế hoạch chiến tranh mới có thể phản ánh các mối đe dọa đang phát triển từ Bắc Hàn và những thay đổi từ cải cách quốc phòng của chúng tôi và một cơ cấu chỉ huy kết hợp, cũng như môi trường chiến lược tổng thể.”
Tuyên bố nói rằng Bán đảo Triều Tiên là một trong những địa điểm trên thế giới nơi xung đột có thể nổ ra mà không báo trước, và các lực lượng ở Nam Hàn — bao gồm 28,000 lính Mỹ — phải luôn [trong tư thế] sẵn sàng “chiến đấu tối nay”.
Hai quan chức quốc phòng đã thảo luận về khả năng sẵn sàng “chiến đấu tối nay” của liên quân và xem xét các cách để nâng cao khả năng sẵn sàng đó.
Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết của mình trong việc cung cấp khả năng răn đe mở rộng cho Nam Hàn và vận dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm các khả năng phòng thủ hạt nhân, phòng thủ thông thường, và phòng thủ hỏa tiễn, theo tuyên bố trên.
Ngoài phạm vi bán đảo này, cả hai quốc gia đều cam kết tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Chúng tôi cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh ba bên giữa Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Nhật Bản,” ông Austin nói.
Tuyên bố chung này cũng tái khẳng định “tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan,” những ngôn từ lặp lại này được Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in sử dụng lần đầu tiên hồi tháng Năm khi ông gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông Suh cho biết Hoa Kỳ sẽ duy trì quân số 28,500 người hiện có trên Bán đảo Triều Tiên và hai đồng minh cũng đã đạt được tiến bộ trong việc đáp ứng các điều kiện để chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động cho Nam Hàn.
Cả hai vị chỉ huy đều đặt mục tiêu thực hiện một cuộc đánh giá toàn diện khả năng hoạt động của bộ tư lệnh liên quân tương lai vào năm tới.
Hỏa tiễn siêu thanh của Bắc Hàn và Trung Quốc
Bắc Hàn đã và đang phát triển đều đặn các hệ thống vũ khí của mình trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm tháo dỡ các kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ rơi vào bế tắc.
Hồi tháng Chín, nước này được cho là đã bắn thử một hỏa tiễn siêu thanh mới ở ngoài khơi bờ biển phía đông theo hướng ra biển. Truyền thông nhà nước mô tả hỏa tiễn mới này, được đặt tên là Hwasong-8, là một “vũ khí chiến lược”, ngụ ý rằng nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng một lực lượng quân đội “bất khả chiến bại”, đồng thời cáo buộc Mỹ là “nguồn” gây ra sự bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên. Theo AP, ông Kim đã đưa ra nhận xét này hôm 12/10 tại Triển lãm Phát triển Quốc phòng, nơi trưng bày một loạt khí tài quân sự, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa của nước này.
Tại sự kiện báo chí sau cuộc họp hôm thứ Năm (02/12), ông Austin được một phóng viên hỏi liệu chương trình hỏa tiễn siêu thanh của Trung Quốc có làm phức tạp thêm tình hình ở [bán đảo] Triều Tiên hay không.
Ông Austin cho biết, “Như chúng tôi đã nói trước đây, chúng tôi lo ngại về khả năng quân sự mà [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] tiếp tục theo đuổi.”
Ông cũng nói rằng, “Và việc theo đuổi những khả năng đó đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này. Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh hôm 27/07.”
“Điều đó chỉ càng thêm nhấn mạnh lý do tại sao chúng tôi coi CHND Trung Hoa là thách thức không ngừng đối với chúng ta và sẽ tiếp tục duy trì các năng lực bảo vệ và răn đe trước một loạt các mối đe dọa tiềm ẩn từ CHND Trung Hoa đối với chính chúng ta và các đồng minh của chúng ta.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: