Hoa Kỳ mở rộng sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Là một phần trong nỗ lực này, Úc đã đồng ý tiếp nhận thêm phi cơ và quân nhân của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của mình, và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục tìm cách xây dựng các căn cứ quân sự mới trong khu vực.
Sau khi công bố hiệp ước an ninh AUKUS, các nhà lãnh đạo quốc phòng của Úc và Hoa Kỳ đã thông báo tại một cuộc họp báo chung rằng các quốc gia của họ sẽ làm việc cùng nhau để mở rộng các cuộc điều động luân chuyển của tất cả các loại phi cơ Hoa Kỳ tới Úc, cũng như các phi hành đoàn liên quan cần phải làm việc và bảo trì chúng và cung cấp hỗ trợ hậu cần.
Thêm nhiều binh lính Hoa Kỳ đến Úc
Các chuyên gia cho rằng việc gia tăng số lượng phi cơ và binh lính Hoa Kỳ hoạt động tại Lãnh thổ phía Bắc của Úc sẽ cải thiện sự gắn kết giữa hai nước và thúc đẩy sự ảnh hưởng lớn hơn của Hoa Kỳ trong các vấn đề an ninh khu vực.
Ông Grant Newsham, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh, cho biết, “Quân đội Hoa Kỳ càng hiện diện nhiều trong một khu vực thì sẽ càng có nhiều ảnh hưởng hơn. Và càng lập ra các kế hoạch, các khóa huấn luyện và các hoạt động với một quân đội địa phương thì nó sẽ càng có nhiều ảnh hưởng hơn nữa – đồng thời cũng đạt được những lợi ích cả về mặt hoạt động và chính trị.”
“Cần phải có một cam kết từ cả hai phía để đưa một quân đội ngoại quốc đến một quốc gia khác và hoạt động với tư cách là các đối tác,” ông Newsham nói. “Đối với Úc, điều quan trọng là không chỉ nhìn nhận miền bắc Úc là một khu vực huấn luyện tốt mà còn là một nơi để có thể hoạt động ra bên ngoài khu vực này.”
Hoa Kỳ hiện đặt căn cứ khoảng 2,500 Thuỷ quân Lục chiến tại Lãnh thổ phía Bắc của Úc và dự kiến rằng các đơn vị mới sẽ cải thiện thời gian phản ứng của đồng minh đối với các cuộc khủng hoảng đang nổi lên trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Việc quân đội Hoa Kỳ tăng cường tiếp cận và hiện diện tại các căn cứ ở Úc đã giúp củng cố mối bang giao an ninh song phương và thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông James Fanell, một thành viên chính phủ tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva ở Thụy Sĩ và là cựu giám đốc tình báo và các chiến dịch thông tin cho Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times.
“Ở cấp độ tác chiến, các căn cứ của Úc sẽ giúp lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận gần hơn với Biển Đông và Biển Hoa Đông, là những mục tiêu có khả năng xảy ra nhất cho các cuộc tấn công và xâm lược quân sự của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa].”
Ông Fanell giải thích rằng hoạt động từ các căn cứ ở Úc sẽ giảm đáng kể thời gian phản ứng đối với các lực lượng quân đội Hoa Kỳ nếu không họ sẽ phải điều động từ lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc các nơi khác trên Thái Bình Dương.
Ông Fanell cho hay, “Trong một trường hợp xấu hơn, sự hiện diện của Hoa Kỳ được thiết lập từ các căn cứ của Úc sẽ làm tăng khả năng lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận cuộc chiến nhanh hơn và dễ giành chiến thắng hơn.”
Hơn nữa, ông Fanell cũng cho rằng việc tăng cường huấn luyện chung đi kèm với việc thúc đẩy sẽ mang lại các lợi ích trong việc cải thiện khả năng phối hợp giữa lực lượng của cả hai quốc gia và củng cố cam kết quốc tế với các đồng minh trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản.
Căn cứ mới để bảo vệ Thái Bình Dương
Trong một nỗ lực tương tự nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, Hoa Kỳ đang xây dựng một căn cứ mới ở Liên bang Micronesia, một quần đảo ở phía tây Thái Bình Dương bao gồm hơn 600 hòn đảo. Họ cũng đang để mắt đến khả năng có thêm các căn cứ ở Palau, cách Philippines 900 dặm về phía tây nam; và Quần đảo Marshall, nằm giữa Hawaii và Quần đảo Philippines.
Ông Fanell nói rằng việc đầu tư vào sự phân bổ rộng hơn về mặt địa lý của cơ sở hạ tầng quân sự trong khu vực này sẽ giúp ngăn chặn sự gây hấn của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) bằng cách phủ nhận khả năng dễ dàng lựa chọn các mục tiêu tiềm năng có giá trị.
Ông Fanell cho biết, “Một trong những thách thức quan trọng đối với lực lượng Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương chính là số lượng căn cứ hạn chế mà Hoa Kỳ có thể tiếp cận và vị trí của họ nằm trong phạm vi đe dọa của Lực lượng Hỏa Tiễn của PLA [PLARF].”
“Có một cách để làm suy yếu và phủ nhận kế hoạch nhắm mục tiêu của PLARF đó là Hoa Kỳ phải chi viện thêm cơ cấu lực lượng của mình trên nhiều khu vực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Fanell nói thêm. “Bằng cách giúp các quốc gia như Micronesia, Palau và thậm chí là Quần đảo Marshall xây dựng các căn cứ mới, Hoa Kỳ sẽ giải quyết được vấn đề nhắm mục tiêu của PLARF.”
Hoa Kỳ có thể xây dựng các cơ sở quân sự và đóng quân cùng các tài sản khác trong khu vực, bởi vì họ duy trì các thỏa thuận tài trợ với Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall trong các hiệp ước được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do.
Các hiệp định này trao cho Hoa Kỳ quyền đặt căn cứ quân sự và huấn luyện trong khu vực để đổi lại các lợi ích kinh tế và an ninh, bao gồm cả việc cấp cho công dân của các quốc gia đó quyền sống và làm việc tại Hoa Kỳ và cung cấp sự phòng vệ.
Hoa Kỳ hiện có các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và đường băng ở cả ba quốc gia này và Tổng thống Palau Thomas Remengesau Jr. trước đây đã yêu cầu xây dựng các cơ sở quân sự mới của Hoa Kỳ ở đó để ứng phó với sự ép buộc kinh tế ngày càng tăng của ĐCSTQ.
Có một số dấu hiệu cho thấy chính quyền ĐCSTQ đang lo sợ về sự gia tăng hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực này, và tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc sở hữu quốc doanh của Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào Palau trong tuyên truyền của mình, nói rằng quốc đảo này chỉ là một “con tốt” trong các mưu đồ toàn cầu.
Ông Newsham đã giải thích tầm quan trọng của việc phát triển các khí tài quân sự trong khu vực này bằng cách xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc theo đuổi lối hành động tương tự.
“Hãy tưởng tượng nếu Trung Quốc có các căn cứ ở khu vực này và suy nghĩ về những khó khăn mà điều đó sẽ gây ra cho chúng ta,” ông Newsham nói. “Một lần nữa, không chỉ trong hoạt động [quân sự] mà còn cả chính trị. Điều thiết yếu là người Mỹ cuối cùng đã có được sự hiện diện rộng rãi và thường xuyên ở trung tâm Thái Bình Dương và các khu vực lân cận. Mà chúng ta không thấy một ai là tội phạm cả.”
Cả ông Newsham và ông Fanell đều lưu ý rằng các căn cứ mới sẽ cản trở hiệu quả nỗ lực của PLA trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận của quân đội Trung Quốc ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên, tức là chuỗi đảo giữa Philippines, Nhật Bản và Guam.
Ông Fanell nói rằng, “Các căn cứ mới ở quần đảo Thái Bình Dương khiến ĐCSTQ khó tin tưởng vào khả năng thực hiện chiến lược ‘phản công can thiệp’ của PLA nhằm ngăn quân đội Hoa Kỳ tham chiến và bảo vệ các đồng minh như Đài Loan, Nhật Bản, và Philippines.”
Một tương lai đầy cạnh tranh
Nói chung, cả ông Fanell và ông Newsham đều hy vọng rằng việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cả trên lãnh thổ đồng minh và cùng các căn cứ mới, sẽ cải thiện an ninh của khu vực và bảo đảm sự tự do liên tục của các vùng biển khơi cũng như thương mại quốc tế trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh.
Vì vậy, ông Fanell đã bày tỏ mong muốn cho người dân Mỹ và những người có cùng chí hướng trên toàn thế giới hiểu được mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa do quân đội Trung Quốc gây ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bản chất tranh chấp của lãnh thổ này.
“Mong muốn số một của tôi là người dân Mỹ, và những người bạn của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thực sự hiểu được mối đe dọa từ CHND Trung Hoa và PLA,” ông Fanell nói. “PRC đại diện cho một mối đe dọa hiện hữu thực sự không thể bị bỏ qua hoặc mong muốn nó biến mất”
“Hoa Kỳ có một lợi ích an ninh quốc gia sống còn trong các nguyên tắc tự do hàng hải và tự do tiếp cận thị trường… đối với chủ nghĩa tư bản,” ông Fanell nói thêm. “Cách duy nhất để đối đầu và ngăn chặn CHND Trung Hoa chấm dứt hệ thống này, điều mang lại lợi ích cho người Mỹ và hàng tỷ người trên thế giới này, chính là làm cho tất cả các quốc gia cùng chí hướng đều tập hợp lại với nhau để bác bỏ chiến lược lớn của PRC trong công cuộc Phục hưng Vĩ đại đất nước Trung Quốc.”
Tương tự như vậy, ông Newsham cũng nói rằng cơ hội để Hoa Kỳ ngăn chặn một sự bùng nổ ảnh hưởng của Trung Quốc thêm nữa trong khu vực đang thu hẹp, và thời điểm đó là quan trọng nhất trong việc bảo đảm an toàn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Nếu quý vị không có ở đó, thì quý vị sẽ không quan tâm,” ông Newsham nói. “Điều đáng ghi nhận là, người Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi trên Thái Bình Dương và mọi lúc. Hiện giờ, họ vẫn chưa có di chuyển quân đội của họ, nhưng họ nhất định sẽ hành động.”
“Tốt hơn là chúng ta phải nhanh chân lên.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: