Hoa Kỳ mở rộng danh sách đen công ty Trung Quốc nhằm ‘loại bỏ tài sản đỏ’
Một nhà phân tích cho hay Hoa Kỳ đang chuẩn bị nhổ tận gốc “tài sản đỏ,” sau khi Hoa Thịnh Đốn ban hành lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào hàng chục công ty quân sự Trung Quốc.
Hôm 03/06, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh đưa 59 công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc vào danh sách đen. Lệnh cấm này mở rộng sắc lệnh dưới thời ông Trump, vốn gồm tổng cộng 44 công ty, nhằm giải quyết “mối đe dọa do tổ hợp công nghiệp quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đây ra.” Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 02/08, cho các nhà đầu tư một năm để thoái vốn khỏi các công ty đã được nhắm mục tiêu.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times, “Đây là quá trình dọn dẹp vốn và tài sản của Hoa Kỳ—để thanh trừ những tài sản đỏ.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà phân tích về Trung Quốc công tác tại Hoa Thịnh Đốn, cho hay quyết định này phản ánh một cách tiếp cận đối đầu hơn với Trung Quốc.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Chiến lược quốc gia mà Hoa Kỳ đã thiết lập là tiến hành một cuộc cạnh tranh toàn diện. Đó là một cuộc cạnh tranh trên mọi phương diện, không chỉ riêng một phương diện nào.”
Ở Hoa Thịnh Đốn, lưỡng đảng hiếm khi đạt được đồng thuận trong việc cứng rắn với Trung Quốc. Cả Hạ Viện và Thượng Viện đều đã và đang xúc tiến các dự luật toàn diện nhằm tìm cách đẩy lùi sự chèn ép kinh tế và lạm dụng nhân quyền của chế độ này.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hoa Kỳ về các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương, gần đây cũng tuyên bố rằng “thời kỳ thường được gọi là kết giao đã kết thúc,” một tuyên bố mà theo một số chuyên gia là báo hiệu sự chuyển đổi quan điểm đối với Trung Cộng trên toàn cầu.
Ông Lí nói, “Hai nước hiện đang trong mối quan hệ đối đầu. Tại sao tôi lại đầu tư tiền vào đối thủ của mình để làm cho nó mạnh hơn, để nó có thể quay lại chống tôi? Đó là một nguyên tắc đơn giản như thế.”
Những công ty chịu lệnh cấm mới nhất gồm có công ty giám sát Hikvision, mà trước đây đã bị Hoa Kỳ gắn cờ vì vai trò của nó trong việc hỗ trợ nạn lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương; nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei; Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn-nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc; và cả ba nhà cung cấp điện thoại thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia này.
Hôm 03/06, một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng, họ “hoàn toàn chắc chắn” rằng sẽ có nhiều công ty được thêm vào danh sách đen này “trong những tháng tới.”
Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, tính đến tháng 05/2021, có tới 248 công ty Trung Quốc đang giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Hoa Kỳ, với tổng giá trị thị trường là 2.1 ngàn tỷ USD.
Nếu các công ty bị cấm này không còn có thể huy động vốn ở Wall Street nữa, ông Lí cho biết một lựa chọn cho họ là đến Hồng Kông, nơi vẫn có một trong năm sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cửa sổ đó đang thu hẹp lại—các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi trung tâm tài chính này xét thấy sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh, vốn đang khiến thành phố này ngày càng không thể phân biệt được với đại lục.
Ông Lí cho hay, trừ khi Trung Quốc trở nên dân chủ hóa hoàn toàn, việc loại trừ các tổ chức có quan hệ với chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc khỏi thị trường Hoa Kỳ cuối cùng sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi, mặc dù sẽ có một chút thách thức.
Ông chỉ vào chiến lược quốc gia hiếu chiến của Trung Cộng được gọi là “hợp nhất dân sự-quân sự,” theo đó chế độ này đã thay đổi mục đích sử dụng công nghệ và nghiên cứu dân sự để thúc đẩy sự phát triển quân sự của mình.
“Trung Quốc hoàn toàn có khả năng biến một doanh nghiệp tư nhân thành một doanh nghiệp công nghiệp-quân sự trong một sớm một chiều,” ông Lí cho biết.
Ông nói rằng để thấy được điều đó, người ta không cần phải nhìn đâu xa ngoài số phận của Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.
Công ty này đã mạo phạm đến chế độ Trung Cộng sau khi người sáng lập của nó là Jack Ma, công khai chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc. Kể từ đó, công ty này đã gặp hết sự trừng phạt này đến sự trừng phạt khác. Jack Ma đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong nhiều tháng, và công ty này gần đây nhất đã phải chịu một khoản tiền phạt kỷ lục là 18.2 tỷ NDT (2.8 tỷ USD), đối với [chế độ] mà công ty này thể hiện “lòng biết ơn cùng sự tôn trọng.”
“Bất kể Jack Ma có được sự hậu thuẫn đắc lực nào đi chăng nữa, trong chưa đầy bốn tháng, Alibaba đã gần như biến thành một công ty quốc doanh. Mã Vân [tên thật của Jack Ma] đã thấy mình dựa lưng vào tường.”
Trong một cuộc họp báo hôm 04/06, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ “lạm dụng bộ máy an ninh quốc gia để đàn áp bừa bãi và hạn chế các công ty Trung Quốc” và thề sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết.”
Ông Lý cho biết sự xuất hiện trước máy quay này là một nỗ lực của chế độ Trung Cộng nhằm giữ thể diện.
“Tất cả đều chỉ là vở kịch dành cho người dân Trung Quốc xem,” ông cho biết.
Ông Tô nói rằng phản ứng của ông Uông không khác gì cách mà chế độ này đã phản ứng trong quá khứ.
“Tôi đoán Bộ Ngoại giao Trung Quốc có lẽ không có nhiều điều để nói vào lúc này, đó là lý do tại sao họ lặp lại những giáo điều này như một máy ghi âm,” ông nói.
Ông Tô cũng lưu ý rằng những mối đe dọa về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc là “rõ ràng và được ghi chép rất cẩn thận” ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Ông cho biết, “Tây phương đã giải quyết những vấn đề về những vu cáo của họ.”
“Có thể là do Bộ Ngoại giao Trung Quốc thiếu tự tin để ủng hộ lập trường của mình nên họ chọn dựa vào các cuộc phản đối bằng những lời nói khoa trương.”
Do Eva Fu thực hiện
Với sự đóng góp của Luo Ya
Từ Huệ biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: