Hoa Kỳ lo ngại về lợi ích của Trung Quốc ở Kazakhstan
Hoa Kỳ lo ngại về kho vũ khí hạt nhân đang gia tăng của Trung Quốc.
Khi Kazakhstan rung chuyển bởi các cuộc biểu tình bạo lực, Trung Quốc đang lo lắng về các khoản đầu tư của họ vào nước này còn Hoa Kỳ lo ngại về kho hạt nhân của Trung Quốc.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát “nổ súng mà không báo trước” để dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ, cuộc biểu tình này đã bắt đầu hôm 02/01 do giá khí hóa lỏng (LPG) tăng gấp đôi. Ông Tokayev đã tuyên bố rằng 20,000 tên cướp” đã tấn công Almaty, thành phố lớn nhất, và đổ lỗi cho “những kẻ khủng bố” được đào tạo ở ngoại quốc về các cuộc biểu tình.
Khi các cuộc biểu tình lan rộng, danh sách các vấn đề gây bất ổn đã mở ra thêm bao gồm cả bất bình đẳng và chủ nghĩa độc tài. Tính đến ngày 09/01, khoảng 5,800 người đã bị bắt và hơn 160 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em.
Kazakhstan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm Nga, Belarus, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Armenia. Theo yêu cầu của ông Tokayev, 2,500 quân CSTO đã được điều động đến quốc gia này và ông đã ra lệnh bắn-để-kết kiễu để dập tắt tình trạng bất ổn.
BBC đưa tin rằng ông Tokayev đã bác bỏ những lời kêu gọi tổ chức đàm phán với những người biểu tình vì coi đó là “vô nghĩa.” Ông nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: “Chúng ta phải tiêu diệt chúng, việc này sẽ sớm được thực hiện.”
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Kazakhstan, đồng thời cáo buộc và lên án các thế lực ngoại quốc phá hoại hòa bình và ổn định của đất nước này. Có vẻ Bắc Kinh đang lo ngại về sự an toàn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc ở quốc gia này cũng như về tình trạng bạo lực có thể lan sang Tân Cương.
Không có câu trả lời rõ ràng về những gì đằng sau tình trạng bất ổn này. Theo trang tin Trung Quốc Guancha.cn, ông Pan Guang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, tuyên bố rằng chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo (được Bắc Kinh gọi là “ba tệ nạn”) đã kích động các cuộc biểu tình.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng khái niệm “ba tệ nạn” như một cái cớ để biện minh cho các chính sách đàn áp và các hành vi cưỡng bức của mình ở Tân Cương. Cả chính phủ của ông Trump và ông Biden đều gọi việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ này là một tội ác diệt chủng. Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ hôm 23/12, cấm các sản phẩm sử dụng lao động nô lệ.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ với Kazakhstan, làm xói mòn vai trò chủ đạo trong lịch sử của Nga tại khu vực này. Kazakhstan là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”). Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan với thương mại song phương đạt 22.94 tỷ USD vào tháng 11/2021. Bắc Kinh đã đầu tư 17 tỷ USD vào Kazakhstan, bao gồm 8.3% cổ phần vào mỏ dầu Kashagan của nước này.
Vào năm tới, 56 dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, trị giá 24.5 tỷ USD sẽ hoàn thành. Khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc là mua từ Kazakhstan. Trong giai đoạn bất ổn vừa qua, một trong những lo lắng lớn nhất của ĐCSTQ là các đường ống dẫn sẽ bị tấn công. Tuy nhiên, hãng truyền thông nhà nước Global Times đã trấn an phía Trung Quốc rằng các đường ống này là an toàn, vì chúng nằm rất xa các thành phố nơi xảy ra bạo loạn.
Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực khác mà hai quốc gia đang hợp tác và nó sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai gần. Trung Quốc đang tham gia vào một chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân khổng lồ – được thiết kế để tăng gấp bốn lần sản lượng điện hạt nhân của Kazakhstan trong vòng 15 năm tới. Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước (CGNPC) đã hợp tác với nhà cung cấp uranium lớn nhất thế giới, Kazatomprom (cơ quan nguyên tử quốc gia của Kazakhstan), để xây dựng Nhà máy nhiên liệu hạt nhân Ulba, trong đó ĐCSTQ sẽ nắm giữ 49% quyền sở hữu.
Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố sẽ hỗ trợ Kazakhstan – “tạo dựng một cộng đồng bình đẳng gần gũi hơn với một tương lai chung”, được dựa trên “láng giềng và hợp tác đôi bên cùng có lợi” – [vẫn] khó có thể nói Kazakhstan đang hưởng lợi như thế nào từ mối quan hệ này.
Kazakhstan có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, với mức độ ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, chính sách “Không-COVID” của Trung Quốc đã khiến biên giới của quốc gia này bị đóng cửa, tác động tiêu cực đến xuất cảng của Kazakhstan. Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất cảng lương thực của Kazakhstan sang Trung Quốc đã giảm 78%. Hiện tại, 12,000 toa tàu đang bị mắc kẹt tại biên giới. Việc đóng cửa biên giới dường như trái ngược với BRI, vốn nhằm thúc đẩy thương mại giữa các thành viên và Trung Quốc. Ngoài ra, khi mức lương ở Trung Quốc gia tăng, Kazakhstan đã hy vọng rằng các công việc sản xuất sẽ quay trở lại. Nhưng cho đến nay, chuyện này đã không mấy xảy ra.
Một vấn đề nữa là mức tiêu thụ điện của Trung Quốc ngày càng tăng. Các thợ đào Bitcoin của Trung Quốc đã vượt qua biên giới, sử dụng nhiều điện đến mức Kazakhstan đã phải cầu cứu Nga, làm trầm trọng thêm những căng thẳng với quốc gia láng giềng lớn hơn của mình.
Chính phủ Kazakhstan luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, quốc gia mà họ coi là đối trọng với ảnh hưởng của Nga. Trong 30 năm qua, các công ty Mỹ đã đầu tư 38 tỷ USD vào nước này, nhiều hơn đáng kể so với Trung Quốc.
Các công ty dầu mỏ của Mỹ, ExxonMobil và Chevron, có hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ USD đã bị gián đoạn bởi bạo lực gần đây. Chevron, công ty sở hữu 50% mỏ dầu Tengiz, đã phải cắt giảm sản lượng vì một số công nhân dầu mỏ đã tụ tập để ủng hộ các cuộc biểu tình.
Năm 2020, 22% lượng uranium của Hoa Kỳ được mua từ Kazakhstan. Hoa Kỳ lo ngại việc cạnh tranh mua uranium giá cao hơn trên thị trường toàn cầu khi Trung Quốc hiện đang mua nhiều uranium của thế giới đến mức khiến giá cả tăng lên.
Chương trình hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực, và ở trong nước, làm Hoa Kỳ lo ngại. Song song với chương trình hạt nhân dân sự, ĐCSTQ đã đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân – đặt mục tiêu sản xuất 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và 1,000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn muốn ngăn chặn sự bành trướng hạt nhân của Bắc Kinh để tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. CGNPC, công ty Trung Quốc đầu tư vào năng lượng nguyên tử Kazakhstan, đã bị Mỹ trừng phạt vì có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: