Hoa Kỳ: Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khi nguồn cung và áp lực giá giảm bớt
Theo khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố hôm 04/08, ngành dịch vụ Hoa Kỳ tăng trưởng ổn định trong tháng Bảy khi các đơn đặt hàng sản xuất mới tăng ổn định với 26 tháng mở rộng liên tiếp.
Cuộc khảo sát được đưa ra sau khi Bộ Thương mại báo cáo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm 1.3% trong nửa đầu năm 2022, xác nhận rằng nước này đang rơi vào suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Chỉ số dịch vụ tổng hợp của ISM đã tăng lên 56.7% trong tháng Bảy, tăng 1.4 điểm từ mức 55.3% trong tháng Sáu và kết thúc ba tháng giảm liên tiếp.
Các nhà kinh tế học của Wells Fargo là ông Tim Quinlan và cô Shannon Seery đã phân tích báo cáo trong một ghi chú.
Ghi chú cho biết: “Chỉ số dịch vụ ISM không chỉ bất chấp kỳ vọng đồng thuận về sự sụt giảm mà còn tăng nhiều nhất trong 5 tháng vào tháng Bảy.”
Các nút thắt về nguồn cung dường như cũng đã giảm bớt trong tháng Bảy, khi thước đo giá do các doanh nghiệp chi trả giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017, một phần do giá hàng hóa giảm.
Chỉ số giao hàng của nhà cung cấp, đo lường thời gian giao hàng của các nhà cung cấp cho các công ty không sản xuất, đã giảm từ 61.9% trong tháng trước xuống còn 57.8%. Các nhà cung cấp đã chậm trễ hơn nữa trong việc giao hàng cho các dịch vụ, nhưng sự chậm trễ đã giảm bớt so với tháng trước.
Chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ của ISM đã tăng trong tháng Bảy ở mức 49.1%, tăng từ 47.4% trong tháng Sáu, với 8 ngành công nghiệp báo cáo tăng trưởng việc làm trong khi 7 ngành suy thoái.
Nguồn lao động có tay nghề tiếp tục thiếu hụt, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải đường bộ, và sự cạnh tranh giữa các công ty về nhân viên vẫn gay gắt.
Ông Quinlan và cô Seery viết: “Với sự gia tăng trong hoạt động hiện tại và các đơn đặt hàng mới, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn nhận thấy cần phải thuê, ngay cả khi nhu cầu lao động không lớn như trong hai năm qua.”
“Chúng tôi dự đoán nhu cầu về lao động đang bắt đầu giảm đi một cách rõ ràng hơn khi thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt”.
Chỉ số hoạt động kinh doanh tăng 3.8 điểm lên 59.9, tăng so với mức 56.1 trong tháng Sáu, với 13 ngành công nghiệp báo cáo tăng trưởng, bao gồm khai khoáng, xây dựng và vận tải, trong khi nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt và săn bắn, thương mại bán lẻ, tài chính và bảo hiểm báo cáo hoạt động chậm hơn.
Nền kinh tế vẫn còn yếu kém
Mặc dù có lợi nhuận, nhiều người được hỏi vẫn thận trọng, do áp lực giá cả và lao động tiếp tục kéo dài và các dấu hiệu suy yếu của nhu cầu đang bắt đầu tích lũy.
Đơn đặt hàng xuất cảng phi sản xuất mới đã tăng lên 59.5 trong tháng Bảy, tăng từ 57.5 trong tháng Sáu. Sáu ngành công nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về đơn đặt hàng xuất cảng, sáu ngành cho thấy sự giảm sút và sáu ngành khác báo cáo không có thay đổi so với tháng Sáu.
Chỉ khoảng 21% các công ty được khảo sát cho biết họ theo dõi hoạt động hiệu suất từ bên ngoài quốc gia.
Chỉ số đơn đặt hàng mới đã tăng lên 59.9 % từ mức 55.6 % trong tháng Sáu, tăng 4.3%.
Các đơn đặt hàng tồn đọng đã tăng trở lại trong tháng Bảy trong tháng thứ 19 liên tiếp, mặc dù tốc độ giảm nhanh khi chỉ số này giảm từ 60.5% trong tháng Sáu xuống còn 58.3%. 9 ngành công nghiệp báo cáo lượng công việc tồn đọng cao hơn trong tháng Bảy, trong khi 5 ngành khác giảm.
Sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ trái ngược với cuộc khảo sát của S&P Global báo cáo sự sụt giảm trong lĩnh vực dịch vụ vào tháng Bảy, và cuộc khảo sát Chỉ số Sản xuất của ISM từ hôm 01/08, cho thấy hoạt động chậm lại vừa phải trong cùng thời kỳ.
Trong khi đó, chỉ số giá phi sản xuất giảm xuống 72.3 trong tháng Bảy, mức giảm thứ ba liên tiếp từ mức cao kỷ lục 84.6 % vào tháng Tư, với 16 ngành công nghiệp báo cáo trả giá đầu vào cao hơn trong tháng Bảy.
Những công ty được hỏi nhấn mạnh áp lực giá đầu vào đang diễn ra, vốn đã giảm bớt phần nào, cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu và lao động, đồng thời lưu ý một số dấu hiệu giảm nhu cầu trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế.
Ông Quinlan và cô Seery cho biết trong ghi chú: “Mặc dù gia tăng lo ngại về suy thoái, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự chậm lại trong các chi tiết của báo cáo. Sự gia tăng trong chỉ số dịch vụ gắn liền với sự gia tăng trong hoạt động rộng rãi.”
“Trong khi báo cáo tổng thể cho thấy hoạt động vẫn ổn định trong lĩnh vực này, một số nhận xét trong ngành được chọn lọc từ các nhà quản lý mua hàng đã chỉ ra rằng môi trường kinh tế đang suy yếu và những khó khăn sắp tới đối với doanh số,” họ cho biết. “Những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái có thể đang đè nặng lên sự lạc quan ở một mức độ nào đó.”
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.