Hoa Kỳ lập quốc: Luật pháp, quyền bất khả xâm phạm và luật của Thượng Đế
Nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ dựa trên những quyền bất khả xâm phạm của con người, vậy trước đó điều gì quy định những quyền này không thể bị tước đoạt? Đó chính là Đấng Tạo Hóa, là luật của Thượng Đế.
Trong lịch sử nhân loại, những điều luật đầu tiên có thể giúp con người phân định rõ ràng giữa tốt và xấu, đúng và sai, chính nghĩa và tà ác, mang đến quy tắc vĩnh hằng bất biến, chính là những luật của tín ngưỡng. Ví dụ trong “Mười điều răn của Chúa” có rất nhiều chuẩn tắc đạo đức như: hiếu kính cha mẹ, không được giết người, không phóng túng tình dục, không được trộm cắp, không lừa dối…
Khi phân tích những lời răn này, bạn sẽ thấy rằng chúng chứa đựng những quyền bất khả xâm phạm của con người. Khi một người không sát sinh, không phóng túng tình dục, không trộm cắp, không lừa dối… điều đó có nghĩa là mọi người đều được đảm bảo quyền tự nhiên không bị giết, không bị xâm hại, không bị trộm cắp, và không bị lừa dối…
Tuân thủ luật pháp là trách nhiệm của con người. Ông Thomas Jefferson, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ, đã nói: “Nếu luật pháp là bất công, thì con người không chỉ có quyền không tuân thủ, mà còn có trách nhiệm phải làm theo công lý .” Tức là luật pháp không thể xung đột với quyền bất khả xâm phạm, là luật của Tạo Hoá.
Ông William Blackstone- thẩm phán người Anh được các vị cha lập quốc Hoa Kỳ tôn trọng, cho rằng con người có hai loại trách nhiệm : một là trách nhiệm cộng đồng, hai là trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm cộng đồng ảnh hưởng đến công chúng và những người khác. Nếu bạn vi phạm những trách nhiệm đó, sẽ có những luật trừng phạt bạn. Nhưng với những trách nhiệm cá nhân, chẳng hạn như làm những điều vô đạo đức, có thể luật pháp xã hội không thể hoàn toàn kiểm soát bạn, nhưng bạn lại vi phạm những lời răn dạy của Thượng Đế.
Điều đó có nghĩa là, bạn làm điều xấu, rất có thể không vi phạm pháp luật, nhưng lại vi phạm lời răn của Thượng Đế, bởi đây là nền tảng lớn hơn, toàn diện hơn. Chỉ có luật của Thượng Đế mới đảm bảo được quyền bất khả xâm phạm của con người, bởi chỉ có tuân theo luật này thì con người mới bảo đảm quyền của người khác.
Nếu một người phạm tội, làm thế nào để tìm lại công lý? Trong các tôn giáo nói chung cũng đều chỉ ra rất rõ ràng: Những người làm tổn thương tới người khác sẽ phải bồi thường tương ứng cho những tổn hại mà họ đã gây ra.
Vào thời cổ đại, luật pháp đã định ra như vậy, trong đó bao gồm việc kẻ giết người phải đền mạng và bồi thường thiệt hại tài sản với mức tương đương. Do đó, khi thẩm phán phán quyết, nạn nhân phải được mời đến để cùng đàm phán về bồi thường. Nếu người phạm tội không thể bồi thường vì bất kỳ lý do gì, họ cũng sẽ bị kết án tù giam.
Trong xã hội Israel và Anglo-Saxon cổ đại, mọi người kính ngưỡng lời răn của Thiên Chúa như một mệnh lệnh thiêng liêng, và họ không bao giờ dám vi phạm điều đó. Người Anglo-Saxon tin rằng luật của con người đến từ lời răn của Thượng Đế. Pháp luật được ban hành có nguồn gốc từ những lời răn này và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, vai trò của quốc hội không phải là tạo ra luật mới, mà là lưu giữ truyền thống cổ xưa.
Quá trình thành lập Hiến pháp Anh không được coi là một sự đổi mới, mà là quá trình khôi phục lại những lời dạy xưa. Con tàu Mayflower chở những giáo dân từ Anh đến, mang theo hy vọng xây dựng một miền đất thịnh vượng dưới sự bảo hộ của Chúa. Khi quan điểm Kitô giáo ở châu Âu đã mất đi sự thuần khiết, họ mang theo Kinh Thánh, lần lượt đặt chân tới New England, và lập quốc Hoa Kỳ dựa trên nền tảng là những lời răn của Thượng Đế.
Ngày nay, quốc hội Hoa Kỳ thường đặt ra các luật mới theo nhu cầu của thời đại mới. Tuy nhiên, hầu hết đã quên mất rằng luật của Đấng Tạo Hoá là thiêng liêng và không thể thay đổi, và bất kỳ luật mới nào cũng không thể xung đột với luật của Thượng Đế.
Nhà triết học người Anh John Locke từng nói: “Luật tự nhiên vượt trên tất cả mọi người, bao gồm cả các nhà lập pháp và hết thảy những người khác, và luật pháp tại nhân gian phải tuân theo luật của Chúa.”